11/01/2025 lúc 13:14 (GMT+7)
Breaking News

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: 'Tôi ủng hộ việc có học là có thi!'

VNHNO - Trả lời phỏng vấn Báo GD&TĐ xung quanh Kỳ thi THPT quốc gia, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đã thẳng thắn đưa ra những nhận định về ưu điểm và hạn chế của Kỳ thi THPT quốc gia. Bà Mai Hoa phân tích:

VNHNO - Trả lời phỏng vấn Báo GD&TĐ xung quanh Kỳ thi THPT quốc gia, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đã thẳng thắn đưa ra những nhận định về ưu điểm và hạn chế của Kỳ thi THPT quốc gia. Bà Mai Hoa phân tích:

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa

- Theo đánh giá của tôi, Kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây đã được Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện theo lộ trình và đang từng bước hoàn thiện dần. Trên cơ sở rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ thi, Bộ đã lắng nghe những phản hồi từ thực tiễn để điều chỉnh qua từng năm. Tôi nghĩ, đó chính là sự cầu thị; và không thể phủ nhận rằng, những hạn chế của năm trước thì hầu như đã được khắc phục ở năm sau.

Vấn đề là ở chỗ qua mỗi lần tổ chức thi, vẫn còn rất nhiều điều khiến dư luận trăn trở. Phải chăng là do chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai hình thức thi trắc nghiệm, và công tác chuẩn bị cũng chưa được kỹ lưỡng.

Vì vậy mới có chuyện quy trình thì đầy đủ nhưng một số khâu trong quy trình lại “hở”, dẫn đến bị lợi dụng, để xảy ra những sự cố đáng tiếc như trong thời gian vừa qua. Đó là lý do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm dù rằng sai phạm thuộc phạm vi địa phương.

Tôi cho rằng từ bài học đắt giá được rút ra từ Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ phải tìm những giải pháp để khắc phục; phải điều chỉnh từ quy trình, hạn chế những lỗ hổng trong một số khâu triển khai thực hiện; và quan trọng là tăng cường bảo mật, thanh tra, kiểm tra để có một kỳ thi THPT an toàn, hiệu quả.

Thưa bà, hiện có nhiều ý kiến xung quanh việc nên hay không nên tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Quan điểm của bà như thế nào?

- Đúng là đang có nhiều quan điểm về Kỳ thi THPT quốc gia. Có quan điểm cho rằng không nên tổ chức một kỳ thi gây tốn kém, chỉ cần xét công nhận tốt nghiệp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng có học thì có thi.

Tôi nghiêng về quan điểm thứ hai, có học là có thi. Rất nhiều nước cũng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông như chúng ta. Việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh; cũng là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh.

Đây cũng là điều kiện để thực hiện liên thông và hội nhập hệ thống GD quốc tế. Có thể, một số ý kiến đề xuất xem xét lại kỳ thi không phải hoàn toàn là để phủ nhận ý nghĩa việc thi tốt nghiệp, mà do phản ứng cách tổ chức kỳ thi tốn kém, hình thức, không đánh giá đúng chất lượng học sinh.

Cá nhân tôi quan tâm nhất 3 điều ở kỳ thi tốt nghiệp THPT: Thứ nhất, kỳ thi phải đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông. Thứ hai, kỳ thi phải được tổ chức nhẹ nhàng, không quá gây áp lực cho người học, người dạy. Thứ ba, việc tổ chức thi phải có tác động tích cực tới quá trình triển khai, thực hiện việc dạy - học trong các nhà trường; tránh tình trạng đối phó với thi cử, chạy theo thi cử, không đạt được mục tiêu giáo dục đề ra.

Từ những lo ngại về Kỳ thi THPT quốc gia, xã hội đang rất quan tâm đến chất lượng tuyển sinh “đầu vào” ở các trường đại học. Bà thấy sao về vấn đề này?

- Theo quan điểm của tôi, thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh “đầu vào” ĐH là hai việc khác nhau, có mối quan hệ nhưng không quá phụ thuộc, chi phối lẫn nhau. Thi phổ thông để có căn cứ xác nhận trình độ học sinh đã đạt được sau 12 năm thực hiện chương trình GDPT. Việc ra đề, tổ chức thi THPT nên đi theo hướng này.

Còn câu chuyện tuyển sinh “đầu vào” theo phương thức nào, xét học bạ hay xét điểm thi THPT lại thuộc quyền tự chủ cho các trường ĐH, do các trường ĐH quyết định và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của mình. Nếu tiếp cận theo hướng này thì có lẽ cũng không nên quá băn khoăn về việc kết quả kỳ thi tác động như thế nào đến chất lượng đào tạo của các trường đại học.

Tôi cũng ủng hộ việc cần quản lý tốt quá trình đào tạo trong các trường đại học và siết chặt đầu ra, không để tình trạng vào khó ra dễ, vào được trường thì sẽ được tốt nghiệp nhận bằng.

Nếu trường ĐH làm tốt được khâu quản lý hoạt động dạy học, tổ chức thi tốt nghiệp nghiêm túc, đánh giá đúng năng lực của sinh viên thì việc tuyển sinh “đầu vào” theo cách nào không còn là vấn đề cần phải lo lắng, băn khoăn. Và nếu đào tạo ĐH nghiêm túc, sàng lọc sinh viên kỹ lưỡng, đánh giá chuẩn xác năng lực thì sẽ có một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của xã hội./.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Theo Giaoducthoidai.vn