Nghị quyết 57-NQ/TW vừa được ban hành đã mở ra một chương mới cho sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam. Đây không chỉ là chiến lược mang tính đột phá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn là nền tảng để Việt Nam vươn lên một vị thế mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những giải pháp toàn diện và định hướng chiến lược được xác định trong Nghị quyết hứa hẹn sẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đưa khoa học công nghệ trở thành động lực then chốt của quốc gia.
Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được ban hành đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây không chỉ là động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội mà còn là yếu tố quyết định giúp Việt Nam vươn lên vị thế mới trên trường quốc tế.
TSKH Nghiêm Vũ Khải
Tiến sỹ khoa học (TSKH) Nghiêm Vũ Khải, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV; nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn về những chính sách đột phá nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết 57.
Cuộc cách mạng vượt qua tình trạng tụt hậu
Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, Nghị quyết 57 thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Đảng trong việc xác định vai trò cốt lõi của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Đây là động lực chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển toàn diện trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
“Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học”, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho biết.
Đặc biệt, theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, chuyển đổi số đóng vai trò “đòn bẩy” quan trọng để hiện đại hóa quản trị quốc gia, từ cải cách hành chính, quản lý kinh tế đến cung cấp các dịch vụ công chất lượng cao. Cùng với đó, giúp tối ưu hóa các nguồn lực, nâng cao năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới trong các ngành kinh tế.
7 nhiệm vụ, giải pháp được nêu rõ trong Nghị quyết 57 đưa ra cách tiếp cận toàn diện, bao trùm cả lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như chuyển đổi số. Đây là những nhiệm vụ mang tính chiến lược, nếu được thực hiện đồng bộ, sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và đổi mới phương thức quản trị quốc gia.
Các nhiệm vụ này không chỉ tập trung vào nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thể chế pháp luật, tăng cường đầu tư hạ tầng khoa học - công nghệ, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, việc kết hợp giữa quản lý nhà nước hiệu quả với đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, để đạt được hiệu quả thực chất, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đã đề ra. Điều này đòi hỏi một số yếu tố quan trọng; trong đó, cần chú trọng đầu tư mạnh vào nguồn nhân lực trẻ vì đây là lực lượng có khát vọng cống hiến và khả năng sáng tạo cao. Đảng và Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích phù hợp, từ chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo đến tạo môi trường làm việc năng động, để thu hút và giữ chân tài năng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế và kết nối quốc tế sẽ là động lực giúp doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng, hiện nay, đầu tư cho khoa học và công nghệ ở Việt Nam còn thấp, dẫn đến nhiều hạn chế trong phát triển hạ tầng, nghiên cứu cơ bản và công nghệ ứng dụng; cần quyết tâm chi ngân sách cho khoa học và công nghệ ở mức tối thiểu 3% GDP như Nghị quyết 57 đã đề ra, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số.
TSKH Nghiêm Vũ Khải hiện là Chủ tịch hệ thống trường liên cấp Everest để tiếp tục cống hiến, truyền cảm hứng trong lĩnh vực giáo dục
Để các nhà khoa học phát huy tối đa năng lực
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định rõ nhà khoa học ở vị trí trung tâm, then chốt, đi cùng với đó là những cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng. Về yêu cầu này, TSKH Nghiêm Vũ Khải nhận định, giới trí thức và nhà khoa học cần tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo. Đây là những lĩnh vực then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và vị thế quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số là nền tảng hiện đại hóa quản trị và tối ưu hóa sản xuất. Công nghệ bán dẫn là yếu tố cốt lõi trong phát triển thiết bị công nghệ cao. Công nghệ sinh học sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống, trong khi năng lượng tái tạo đảm bảo phát triển bền vững và giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Để các nhà khoa học phát huy tối đa năng lực, cần đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo cơ chế khuyến khích thông qua ưu đãi về thuế, tài chính và điều kiện làm việc. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế, giúp giới khoa học tiếp cận công nghệ tiên tiến. Quan trọng nhất, các cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe và hỗ trợ giải quyết kịp thời các vướng mắc của giới khoa học. Cùng với đó, các nhà khoa học cần chủ động gắn nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển quốc gia.
Đánh giá những thách thức trong thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 57 đề ra, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng, có ba thách thức lớn: Thể chế, hạ tầng và nhân lực. Trong đó, hạ tầng là điểm yếu nhất do nhiều năm đầu tư thấp, dẫn đến thiếu vắng các công trình mang tính chiến lược. Giải pháp được TSKH Nghiêm Vũ Khải đưa ra là xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, trong đó các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, cần đóng vai trò trung tâm. Sự phối hợp giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ tạo ra những cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế miễn trách nhiệm cho nhà khoa học trong các dự án nghiên cứu để khuyến khích sáng tạo và đổi mới. Hội đồng tư vấn quốc gia về khoa học và công nghệ cũng cần được thành lập ngay, với sự chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm điều phối và giám sát các chương trình chiến lược.
Về những kết quả nổi bật của hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa diễn ra ngày 13/1, Tiến sỹ Nghiêm Vũ Khải đánh giá, Hội nghị lần này thực sự là một “hội nghị Diên Hồng” về khoa học và công nghệ, khi đã tạo được diễn đàn rộng lớn để các nhà khoa học, chuyên gia, và lãnh đạo cấp cao cùng bàn thảo về các chiến lược phát triển. Đây không chỉ là cơ hội để động viên và khích lệ các nhà khoa học tiếp tục cống hiến mà còn là dịp để lắng nghe, thấu hiểu những trăn trở và nguyện vọng của họ. Tuy nhiên, điều quan trọng là biến những kết luận và định hướng từ hội nghị thành hành động cụ thể.
Tôi cho rằng, cần sớm quy tụ các nhà khoa học đầu ngành, đại diện doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế để xây dựng và giám sát việc thực hiện các chiến lược lớn. Bên cạnh đó, việc triển khai các nghị quyết, luật đã ban hành cần được thực hiện quyết liệt hơn, nhất là trong lĩnh vực đầu tư cho khoa học và công nghệ. Những ngành mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, và chuyển đổi số cần được ưu tiên, không chỉ để nâng cao năng lực quốc gia mà còn giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu,.. TSKH Nghiêm Vũ Khải đề xuất./.