19/01/2025 lúc 10:15 (GMT+7)
Breaking News

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh - Người giao hòa 'lửa báo với hơi văn'

​​​​​​​VNHNO - “Nhiều chủ đề đồ sộ được Nguyễn Hồng Vinh lan tỏa qua cái nhìn của một nhà báo, nhà thơ luôn cố gắng giao hòa lửa báo với hơi văn” là nhận xét tinh tế của nhà văn, nhà báo lão thành Phan Quang về những tác phẩm báo chí chính luận của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh.

VNHNO - "Nhiều chủ đề đồ sộ được Nguyễn Hồng Vinh lan tỏa qua cái nhìn của một nhà báo, nhà thơ luôn cố gắng giao hòa lửa báo với hơi văn" là nhận xét tinh tế của nhà văn, nhà báo lão thành Phan Quang về những tác phẩm báo chí chính luận của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh.

Sau khi xuất bản 7 tập thơ và 3 cuốn sách về báo chí, PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh đã nhận được không ít lời cổ vũ, khích lệ của độc giả.

Vừa qua, kỷ niệm 50 năm bước vào nghề báo và gần 20 năm tham gia hoạt động văn học, nghệ thuật, ông lại trân trọng gửi đến độc giả món quà mang tên "Thơ và dấu ấn cuộc đời"- một tập hợp những bài lý luận phê bình và những bài thơ đã sáng tác từ cuối năm 2016 đến nay. Phóng viên Báo QĐND Cuối tuần trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh về một số hoạt động báo chí, văn học, nghệ thuật gần đây.

Hóc búa chuyện "giữ lửa"

Phóng viên (PV): Thưa PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh, hàng chục năm qua, độc giả vẫn được đọc các tác phẩm chính luận cô đọng, hàm súc mà hấp dẫn của ông trên tờ Nhân Dân hằng tháng. Ông có bí quyết gì để "giữ lửa" chuyên mục này?

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh: Để nói về điều này, tôi thấy cần tóm lược về sự ra đời của chuyên mục "Vấn đề tháng này" trên ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh. Ảnh: Hồng Dương.

Ấn phẩm này ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1997, theo đề án cải tiến đổi mới, nâng cao chất lượng Báo Nhân Dân trong thời kỳ mới được Bộ Chính trị phê duyệt. Khi đó, tôi đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập, đã cùng Ban Biên tập thảo luận nhiều buổi về cấu trúc nội dung, hình thức thể hiện cần làm rõ nét đặc thù của một ấn phẩm mang tính magazine.

Câu hỏi lớn đặt ra là, tờ báo này có làm nhiệm vụ định hướng những vấn đề, sự kiện lớn của đất nước và thế giới không? Nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà báo uy tín, nhất là các cựu Tổng biên tập: Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ đều khẳng định: Tờ báo Nhân Dân là cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, dù báo tuần hay báo tháng vẫn phải có tính định hướng chính trị.

Nhưng thể hiện "định hướng chính trị" trên báo tháng khác báo tuần, báo ngày như thế nào? Theo ý kiến của anh Hồng Hà, cho dù thế nào, báo này cũng phải khái quát được vấn đề trọng tâm của tháng đã diễn ra, đang diễn ra nhưng khác báo hằng ngày là không nêu sự kiện chi tiết quá, mà phải mang tính khái quát tổng hợp và chọn đúng vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong tháng, cách thể hiện phải làm sao cho sinh động, mềm mại; hay nói cách khác, tờ báo cần có tính chiến đấu, tính thuyết phục và tính hấp dẫn.

Anh Hoàng Tùng nhấn mạnh: Tính định hướng cần được thể hiện ngay ở trang đầu, nên gói gọn 500-600 chữ dưới cái tên: "Vấn đề tháng này". Vậy là chuyên mục này đã tồn tại từ số đầu tiên đến ngày hôm nay là 21 năm. Và tôi, theo sự phân công của Ban Biên tập đã bền bỉ gánh trọng trách này từ năm 1997 đến nay.

PV: Vậy ông đã triển khai những yêu cầu, tiêu chí đặt ra của chuyên mục này như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh: Quả thật, khi bắt tay vào viết thì gặp mấy vấn đề "hóc búa".

Trước hết, đã gọi là trọng tâm, trọng điểm của tháng thì tờ báo của Đảng không thể bỏ qua các sự kiện kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, dân tộc. Ví dụ tháng 2 có ngày thành lập Đảng, tháng 5 có sinh nhật Bác Hồ, tháng 8 có Cách mạng Tháng Tám… Tờ báo không thể đứng ngoài các sự kiện đó, nhưng nếu năm nào cũng đề cập thì sẽ trùng lặp, nhàm chán.

Mặt khác, đã là sự kiện lớn mà chỉ gói gọn không quá 600 chữ thì phải lựa chọn chi tiết quan trọng mang tính điển hình. Rồi cách viết cần mềm mại, có hình ảnh, có chất văn mới dễ đi vào lòng người đọc. Dịp kỷ niệm tròn một năm ra đời 12 số báo, nhiều người đều có chung nhận xét: Các tiêu chí cơ bản đề ra cho "Vấn đề tháng này" đã đạt kết quả bước đầu.

Dùng ngòi bút để "phò chính, trừ tà"

PV: Trong quá trình không ngừng nâng cao chất lượng của chuyên mục, các đồng nghiệp, nhà báo lớn trong làng báo có nhận xét hay chia sẻ gì với ông?

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh: Tôi rất mừng khi những mốc kỷ niệm lớn 5 năm, 10 năm, 20 năm… của ấn phẩm, tôi nhận được nhiều sự góp ý chân thành của các nhà báo đàn anh và các đồng nghiệp. Họ khẳng định "Vấn đề tháng này" đứng được khi nhiều người đều chú ý đọc chuyên mục này đầu tiên, xem tác giả đề cập vấn đề gì, cách phân tích thế nào và sự lắng đọng của vấn đề nêu ra nằm ở đâu.

Tôi rất mừng trước những lời chia sẻ, khích lệ của hàng chục nhà báo, nhà văn khi đọc hai tập "Giữ lửa" tuyển chọn hơn trăm bài viết của tôi về "Vấn đề tháng này". Nhà báo lão thành Phan Quang trong bài viết về cuốn Giữ lửa của tôi đã nêu một hình ảnh: "Các bài viết có sức lan tỏa bởi đã giao hòa lửa báo với hơi văn".  Mới đây, khi tôi xuất bản "Thơ và dấu ấn cuộc đời", anh lại chốt một nhận xét: Hồng Vinh đã viết nhiều bài chính luận hấp dẫn nhờ "thơ quyện vào báo, báo trẻ nhờ thơ".

PV: Nhiệm kỳ 2011-2016, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương, ông là một trong những người đã kiên trì đấu tranh với những biểu hiện sai trái, độc hại trên mặt trận VHNT, một mặt trận rất phức tạp để bảo vệ tư tưởng, quan điểm của Đảng. Ông có chia sẻ gì trong lĩnh vực này?

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh: Tôi cho rằng, cùng với những thành tựu lớn của hoạt động VHNT trong hơn 30 năm đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thì những năm gần đây xuất hiện một số tác phẩm phủ nhận thành tựu, tô hồng tiêu cực, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí của văn học, thoát ly thực tiễn đời sống, lai căng, vọng ngoại... Một ví dụ điển hình là, một số ít người cổ xúy cho luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên)-một luận văn phản văn hóa dân tộc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đã có hơn 40 bài báo phê phán luận văn này. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định gồm những nhà khoa học có uy tín về văn nghệ. Trên cơ sở đó, bộ đã ra quyết định hủy bỏ luận văn và thu hồi bằng thạc sĩ đối với Đỗ Thị Thoan. Ngay sau đó, tôi và nhiều thành viên hội đồng bị một số người trong tổ chức tự xưng "Văn đoàn độc lập" lăng mạ, quy chụp. Chúng tôi không dao động. Vì đây là cuộc đấu tranh bảo vệ cái đúng, giữ môi trường lành mạnh cho văn học, nghệ thuật phát triển.

Từ kỷ niệm trên, tôi càng thấm thía lời chỉ bảo của Bác Hồ: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà mà anh em văn hóa và trí thức phải làm". Điều đó càng nhắc nhở, chúng ta thường xuyên nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống lại cái ác, cái xấu xa, thấp hèn. Tôi nghĩ đó là chức năng, nhiệm vụ tự thân của VHNT. Theo tôi, hơn lúc nào hết, cần đề cao trách nhiệm công dân, nghĩa vụ xã hội của người cầm bút. Dù sáng tác hay phê bình đều cần có trí tuệ, dũng khí, bản lĩnh chính trị để vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời cuộc.

PV: Nhân ý kiến của nhà báo lão thành Phan Quang về các bài chính luận của ông "trong báo có thơ, thơ làm trẻ báo", mong ông chia sẻ đôi điều về "con đường thơ" của ông khi đến nay đã xuất bản 7 tập thơ?

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh: Thật ra, 50 năm qua tôi gắn bó với sự nghiệp báo chí là chủ yếu, nhưng mươi năm lại đây, trên cương vị lãnh đạo Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, tôi có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với thơ ca. Khi Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận cũng nêu câu hỏi như trên, tôi đã trả lời, bước vào tập sáng tác thơ, tôi càng nhận ra thơ là tiếng nói của cõi lòng, là sự giãi bày về nhân tình thế thái... Với tôi, là người làm báo nên càng thấy thơ là người bạn đồng hành thân thiết, giúp tư duy nâng tầm khái quát, giúp trang viết có hồn sâu hơn. Có lẽ vì vậy, Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam khi viết về 2 tập sách "Giữ lửa" của tôi đã đặt tiêu đề: "Người thổi hồn văn vào các bài chính luận". Xin chân thành cảm ơn những lời chia sẻ, động viên của bạn bè, đồng nghiệp.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh về cuộc trò chuyện cởi mở, nhiều ý nghĩa này!

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh quê ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa X và XI, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016./.
Theo Báo QĐND Cuối tuần