11/01/2025 lúc 15:51 (GMT+7)
Breaking News

Dự thảo 4 Giải pháp mạnh trong khôi phục sản xuất, kinh doanh

Việc thực hiện các giải pháp đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng, nhưng sẽ có tác động lớn, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Việc thực hiện các giải pháp đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng, nhưng sẽ có tác động lớn, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Ảnh minh họa - Internet

Từ đầu tháng 7/2021, tình hình dịch Covid-19 lại tiếp tục bùng phát trên diện rộng, đặc biệt là phát sinh những ổ dịch lớn với diễn biến hết sức phức tạp tại một số tỉnh, thành phố lớn… làm ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, người dân, đặc biệt là DN có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao, vui chơi và giải trí...

Trước tình hình đó, rất cần có thêm các giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách cho DN, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, bao gồm cả giải pháp về thuế.

Nghị quyết  cho phép trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện và đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Theo đó, để có cơ sở thực hiện và kịp thời triển khai các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, việc nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 là phù hợp.

Việc ban hành các giải pháp hỗ trợ cần đạt được các mục tiêu, yêu cầu như: Đảm bảo các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng nhằm giúp DN, người dân ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh; Phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước (NSNN); Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật về thuế và đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện.

Theo dự tính, việc thực hiện các giải pháp đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng, ngoài ra cơ quan soạn thảo Nghị quyết cũng đang nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp giảm tiền thuê đất cho năm 2021.

Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện từ đầu năm 2021 và các giải pháp đề xuất bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho DN, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng, trong đó, gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá, số tiền thuế, tiền thuê đất, tiền chậm nộp được hỗ trợ sẽ gây áp lực lên cân đối NSNN, nhưng sẽ có tác động lớn để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh.

4 giải pháp tại nội dung dự thảo Nghị quyết

- Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020;

- Giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế;

- Giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với DN, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ;

- Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) đối với DN, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.