22/11/2024 lúc 20:00 (GMT+7)
Breaking News

Đồng ý cơ chế đặc thù cho luồng Định An

Sau nhiều năm bị bồi lắng luồng Định An nay được ví như “luồng cạn” với độ sâu chỉ -3,6m, trong đi theo thiết kế luồng sâu tới -6,6m, đủ sức đón tàu 10.000 tấn ra vào làm hàng. Do luồng cạn, nên các tàu lớn và tàu container không thể vào cảng Cái Cui và 12 cảng khác thường xuyên, điều này ảnh hưởng lớn việc phát triển kinh tế Tp. Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Toàn cảnh các tuyến luồng trên sông Hậu, trong đó luồng Định An và luồng Quan Chánh Bố là 2 tuyến hàng hải huyết mạch

Tắc vì luồng cạn

Trong sơ đồ lưu thông hàng hải tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang có 2 tuyến luồng chính đó là luồng Định An và luồng Quan Chánh Bố. Nhưng đáng tiếc cả 2 tuyến luồng này đang bị bồi lắng nghiêm trọng.

Đối với luồng Định An, trên sông Hậu bắt đầu từ phao số “0” cách cửa Định An (Trà Vinh) khoảng 23km và kết thúc tại Cảng Cần Thơ. Bờ trái tuyến luồng đi qua địa phận của 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, bờ phải đi qua tỉnh Sóc Trăng và TP Cần Thơ.

Toàn tuyến luồng có chiều dài toàn tuyến hơn 182,26km, trong đó có khoảng hơn 30km là điểm tắc nghẽn, mớn nước chỉ -3,6m không đủ sâu để tàu 10.000 - 20.000 tấn đi vào. Trước khi chưa được Bộ GTVT thường xuyên nạo vét, nhiều đoạn tuyến trên luồng chỉ sâu từ -2m đến 2,5m.

Trong khi đó, luồng Quan Chánh Bố đưa vào khai thác từ năm 2017 nhưng không lâu sau cũng bị bồi lắng nghiêm trọng. Hiện Bộ GTVT đã đầu tư giai đoạn 2. Tuy nhiên, luồng Quan Chánh Bố hẹp, lượng lớn container phải chờ lâu để qua, khi luồng Định An được nạo vét thì sẽ có hai luồng song song, giải phóng được ách tắc này.

Trao đổi với Vietnamhoinhap, ông Võ Minh Tiến, Giám đốc cảng vụ Cần Thơ cho biết: Hiện tại, độ sâu luồng chỉ đạt -3,6m trong khi độ sâu của tuyến phải là -6,6m đủ sức đón các tàu lớn ra vào cảng. Chính sự bất lợi này khiến một số tuyến tàu container đã phải huỷ chuyến ra vào cảng Cái Cui khiến hiệu suất của cảng chưa cao.

Mới đây, cảng Cái Cui đã nối lại được tuyến container (chạy nội địa), nhưng cũng chỉ đạt 2 tuần/chuyến thay vì 1 tuần/1 chuyến như trước kia. Vì thế, việc khát khao có một tuyến luồng Định An để phát triển lưu thông cho khu vực Cần Thơ và Đồng Bằng sông Cửu Long là hết sức cấp thiết.

Còn theo ông Lê Tiến Công, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần cảng Cần Thơ, hiện luồng Định An đang bị bồi lắng nghiêm trọng, chỉ tàu khoảng 3.000 tấn lưu thông được. Trong khi luồng qua kênh Quan Chánh Bố nhỏ hẹp, cũng chỉ đảm bảo tàu 10.000 tấn ra vào. Do kênh này chỉ vận hành một chiều, các tàu chở hàng ra vào phải nằm chờ, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, lượng hàng hoá khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh trong những năm qua, ảnh hưởng rất lớn tới việc lưu thông hàng hoá và phát triển kinh tế vùng.

Với mong muốn sớm nạo vét luồng, đại biểu quốc hội Đào Chí Nghĩa, Đoàn Cần Thơ đặt câu hỏi, Bộ GTVT sẽ thực hiện như thế nào và lộ trình giải pháp tới đây ra sao để sớm thi công luồng Định An?

Trước câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT phải trả lời trực diện vào nội dung, trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc tổ chức, triển khai thi công, nạo vét luồng Định An ra sao?

Tư lệnh giao thông lúng túng cơ chế xã hội hoá nạo vét

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Thực hiện thông báo của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với thành phố Cần Thơ ngày 14/5/2023, hiện nay Bộ Giao thông vận tải được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện việc giao cho Cần Thơ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để triển khai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 6/2023, Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nội dung này cũng có những vấn đề vướng mắc chúng ta cần phải tiếp tục tháo gỡ thì mới có thể giao được cho Cần Thơ.

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm: Một là, luồng Định An có khối lượng nạo vét chủ yếu tập trung vào đoạn thuộc 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, trong khi cơ chế ưu đãi tại Nghị quyết 45 của Quốc hội dành cho thành phố Cần Thơ, vì thế chúng ta lại phải rà soát lại các quy định của pháp luật về vấn đề quản lý tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Tổ chức chính quyền địa phương để có cơ sở phối hợp triển khai thực hiện.

Hai là, hiện nay công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải kết hợp với thu hồi sản phẩm được thực hiện theo Nghị định số 159 quản lý về hoạt động nạo vét. Theo Nghị định 159 thì trách nhiệm thuộc Bộ Giao thông vận tải mà cụ thể ở đây là Cục Hàng hải Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận là cho sửa đổi Nghị định 159 này vào tháng 11/2023 để đảm bảo Bộ Giao thông vận tải thực hiện phân cấp, phân quyền tiếp cho các địa phương, trong đó có luồng Định An này cho thành phố Cần Thơ để thành phố Cần Thơ triển khai các bước tiếp theo theo đúng các quy định của pháp luật để chúng ta có thể nạo vét và tận thu được ở luồng Định An.

Theo ý kiến của một số chuyên gia ngành hàng hải, việc Bộ trưởng làm rõ cơ chế để thực hiện là cần thiết, tránh mắc những sai sót trong triển khai dự án, đặc biệt là các dự án xã hội hoá nạo vét hàng hải. Tuy nhiên, Bộ GTVT cần phải có phương án tháo gỡ nhanh để sớm triển khai tuyến luồng quan trọng này, đây cũng là ước mơ của bao thế hệ mong chờ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đồng ý cơ chế đặc thù cho luồng Định An

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Liên quan đến vấn đề cơ chế của Cần Thơ thì lúc ra Nghị quyết, Quốc hội đã tính rồi, cái này là cho luồng Định An đến cảng Cần Thơ, chứ không phải là cho riêng thành phố Cần Thơ. Bây giờ chúng ta nói rằng đây chỉ cho Cần Thơ, không cho Sóc Trăng hay các tỉnh khác, tôi cho là không đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.

Đề nghị các đồng chí rà soát lại việc này, từ Định An vào đến cảng Cần Thơ và kể cả vấn đề vật liệu sau khi nạo vét được rồi mà được thuê các kho bãi là cũng trên địa bàn các tỉnh chứ không phải là chỉ có Cần Thơ.

Bây giờ thời gian thí điểm có 5 năm, đã sang năm thứ hai rồi mà chưa triển khai được một chút nào. Chỗ này là chỗ rất nhiều cử tri và rất nhiều nhà khoa học ở miền Tây đã gửi thư ra đây cho Thường vụ Quốc hội rất thắc mắc chuyện này.

Đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải hết sức tập trung để triển khai. Có cái gì vướng mắc nữa mà thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội thì phải báo cáo sớm để chúng ta làm việc này.

Đinh Tịnh