27/12/2024 lúc 00:28 (GMT+7)
Breaking News

Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển: Đôi điều băn khoăn

Chiều 19/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang chủ trì cuộc họp báo cáo cuối kỳ Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển.

Phát biểu tại cuọc họp, ông Lê Tấn Đạt - Phó Giám đốc CTCP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), tư vấn lập quy hoạch, điểm đáng chú ý trong báo cáo lần này là thông tin về các nhà máy thép đã có giấy đăng ký đầu tư hoặc giấy phép chấp thuận đầu tư. Cụ thể, mỗi nhóm cảng biển đều có những nhà máy thép với công suất rất lớn.

Ông Đạt cho biết: "Ước tính, tổng công suất của hàng hóa thép đạt khoảng 60 triệu tấn/năm và dự kiến đến năm 2030 sẽ đạt 200 triệu tấn. Số liệu sản lượng hàng hóa thép như vậy là rất cao mà phần lớn vận chuyển bằng đường biển".

Ảnh minh hoạ

Về vấn đề này, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) đề nghị Viện Chiến lược và Phát triển GTVT có văn bản gửi Bộ Công thương làm rõ dự báo sản lượng hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thép.

Cơ quan này cũng đề nghị Tư vấn làm rõ vai trò của tuyến đường thủy nội địa trong quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước.

Ngoài ra, trong nhóm cảng biển số 1, tại khu vực cảng biển Hải Phòng, cần đề nghị TP Hải Phòng cập nhật đề án xây dựng cầu Nguyễn Trãi để phân bổ lượng hàng hóa và đầu tư cho hợp lý.

Đơn vị này cũng yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát lại các ý kiến liên quan tới cảng biển tại khu vực Cần Giờ tại nhóm cảng biển số 4, cân nhắc kỹ để đưa vào quy hoạch.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát, bổ sung đầy đủ mục tiêu quy hoạch của các nhóm cảng biển về sản lượng hàng hóa thông qua, kết cấu hạ tầng cảng biển…

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu tăng cường kết nối đường thủy với khu vực Lạch Huyện, đưa hàng xuống đường thủy, đồng thời làm việc với TP Hải Phòng liên quan đến việc nghiên cứu cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển, chậm nhất trong tháng 12 hoàn thành, trình Bộ GTVT phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo tại cuộc họp

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, hệ thống cảng biển Việt Nam bao gồm 5 nhóm.

Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, tại nhóm cảng biển số 1, ngoại trừ một số bến cảng lớn như Lạch Huyện, bến cảng ở Đình Vũ và một số cảng khu vực sông Cấm (Chùa vẽ, Green port, Nam Hải, Transvina) được trang bị thiết bị hiện đại công suất tương đối lớn, cơ bản đáp ứng nhu cầu hiện tại, các bến còn lại đều không đầu tư thêm thiết bị trong 5 năm gần đây.

Cùng với nhóm 1, nhóm cảng biển số 4 được đánh giá là có chất lượng, trình độ khoa học công nghệ từng bước được cải thiện. Những bến cảng mới tại Cát Lái, Hiệp Phước, Cái Mép - Thị Vải được đầu tư với quy mô đồng bộ, hiện đại trang thiết bị xếp dỡ năng suất cao, năng suất xếp dỡ của cảng đạt tiêu chuẩn cấp khu vực, thời gian giải phóng tàu nhanh.

Trong khi đó, các bến cảng khác, đặc biệt là các bến cảng cũ đầu tư trước năm 2005 có năng suất bốc chưa cao, khiến việc giải phóng tàu chậm (năng suất trung bình 2.500T/mét dài đối với hàng tổng hợp và 8-15 container/giờ với hàng container).

"Đây là một trong những nguyên nhân làm chi phí vận tải biển của Việt Nam còn ở mức cao, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa và của cảng biển Việt Nam so với các nước khác trong khu vực", Cục Hàng hải VN nhận định.

Đối với nhóm cảng biển số 2, các bến cảng mới được xây dựng mới với trang thiết bị được đầu tư khá đồng bộ, tương đối hiện đại như bến cảng gang thép Nghi Sơn, bến số 5 cảng Cửa Lò.

Ở nhóm cảng biển số 3, một số bến cảng lớn như Tiên Sa, Bến Gemadept Dung Quất được trang bị thiết bị hiện đại công suất tương đối lớn, cơ bản đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Cảng Tiên Sa

Các bến còn lại thuộc nhóm cảng Trung Trung Bộ khác đều không đầu tư thêm thiết bị, chủ yếu sử dụng cần trục di động bánh hơi hoặc bánh xích, kết hợp sử dụng cần trục tàu để bốc xếp hàng hóa. Điều này khiến công suất hàng hóa qua cảng chưa cao.

Nhóm cảng biển số 5 có sự đầu tư trang thiết bị xếp dỡ cảng biển hạn chế nhất. Trong nhóm này, chỉ có bến cảng Cái Cui và Tân cảng Cái Cui được đầu tư trang thiết bị tương đối hiện đại. Tuy nhiên, việc khai thác cảng còn nhiều hạn chế.

Do đó, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) cho rằng, đối với nhóm 5, thay vì làm những cảng biển lớn, nên phát triển những cảng vệ tinh và tập trung khai thông các tuyến luồng đường thuỷ nội địa, tận dụng hệ thống sông ngòi để vận chuyển bằng sà lan hay tàu nhỏ chuyển tải về các cảng chính là khu vực Cái Mép - Thị Vải và TP.HCM.

Cho rằng có nhiều quan điểm khác nhau về việc quy hoạch phát triển, tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định nên tập trung, tận dụng tối đa những nơi có điều kiện tốt.

"Có thể tập trung phát triển những cảng lớn ở khu vực nhóm 1 và 4, các khu vực còn lại sẽ phát triển những cảng vệ tinh để vận chuyển, kết nối. Điều đó sẽ hợp lý cho chuỗi cung ứng và logistics", Tổng Giám đốc Portcoast nhận định.

Nguyễn Lâm