27/11/2024 lúc 15:12 (GMT+7)
Breaking News

Đô thị thông minh không là giấc mơ công nghệ

VNHN - TPHCM là đô thị đặc biệt, đầu mối giao lưu - hội nhập quốc tế và cũng là đầu tàu, động lực có sức thu hút, sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh đã và đang gây những xáo trộn xã hội cho thành phố.

VNHN - TPHCM là đô thị đặc biệt, đầu mối giao lưu - hội nhập quốc tế và cũng là đầu tàu, động lực có sức thu hút, sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh đã và đang gây những xáo trộn xã hội cho thành phố. 

Đó là ùn tắc giao thông do quá tải cơ sở hạ tầng đô thị, tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường, an ninh xã hội diễn biến phức tạp… Nhiệm vụ đặt ra cho TPHCM là phải vượt qua những thách thức này một cách chủ động, phù hợp với nhịp độ phát triển ngày một cao.

Hiệu quả kép

Yêu cầu nêu trên dẫn đến xu hướng lựa chọn giải pháp vừa căn cơ vừa khả thi và tận dụng được tối đa những lợi thế của thành phố để nâng cao hiệu quả và độ chính xác của công tác dự báo, hỗ trợ ra quyết định để có thể đảm bảo ban hành được các chiến lược, mục tiêu, chính sách hợp lý. Giải pháp này vừa giải quyết được tận gốc các vấn đề phát sinh, vừa tạo ra động lực để thúc đẩy thành phố phát triển kinh tế bền vững. 

Mục tiêu của Đề án Đô thị thông minh là giúp TPHCM phát triển kinh tế nhanh và bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề tắc nghẽn, kéo dài gây bức xúc như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường…, tăng cường khả năng tương tác xây dựng và phát triển thành phố giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân.

 Đô thị thông minh là khái niệm mới đối với cả thế giới. Vì thế, chưa có một định nghĩa nào áp dụng chung cho tất cả các đô thị thông minh đang được xây dựng. Tuy nhiên, người ta dễ dàng thống nhất những nét chính khắc họa một đô thị thông minh như sau: “Đó là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố với người dân và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội”. Đô thị thông minh liên kết cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng xã hội, giúp thành phố quản lý điều hành hiệu quả và thống nhất ở tất cả các lĩnh vực.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNGXây dựng đô thị thông minh đạt được cùng lúc 2 mục đích lớn: hiện đại hóa đô thị và sử dụng những công cụ mà đô thị thông minh tạo ra để giải quyết mọi vấn đề phát sinh của đô thị một cách hiệu quả nhất.

Vận hành hệ thống điện toàn thành phố theo công nghệ 4.0 tại Tổng Công ty Điện lực TPHCMThấy rõ ích lợi của việc xây dựng đô thị thông minh, cuối năm 2017, UBND TPHCM ban hành Quyết định 6179 phê duyệt Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đề án đề ra các giải pháp trọng tâm cần ưu tiên triển khai thực hiện. Đó là xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố; xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội thành phố; thành lập Trung tâm an toàn thông tin của thành phố; triển khai xây dựng chính quyền điện tử trong thời kỳ chuyển đổi số, chuyển đổi dần chính quyền điện tử sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh.

Cùng hướng về tương lai

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các nội dung trên đều đã đạt được những kết quả ban đầu. Trong đó, nội dung có tầm quan trọng hàng đầu là xây dựng kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử thành phố (EA) làm cẩm nang ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước thành phố nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống, đã được UBND TP phê duyệt và công bố ngày 9-10-2018. Bên cạnh đó, kho dữ liệu dùng chung của thành phố cũng đã được thiết kế, xây dựng với 3 lớp thực thể ban đầu, quan trọng nhất là “con người”, “doanh nghiệp” và “bản đồ địa chính, địa hình”. Kho dữ liệu này lưu trữ những dữ liệu cơ bản về các thực thể để tất cả các cơ quan nhà nước của thành phố sử dụng chung, nhằm đảm bảo tính nhất quán trong toàn hệ thống và hướng tới mục tiêu mọi cơ quan chức năng của thành phố cùng phối hợp để phục vụ người dân và các doanh nghiệp một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Thẻ thông minh (Uni Pass) và mã QR trên ứng dụng điện thoại để thanh toán tự động trên xe buýt tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNGTrong quá trình xây dựng đô thị thông minh, các công nghệ được ứng dụng để tổ chức, thiết kế, quy hoạch, triển khai các giải pháp mới, giúp quản lý thành phố một cách mềm dẻo, bền vững, dưới sự giám sát của người dân. Trong một đô thị thông minh, với sự hỗ trợ của các giải pháp công nghệ số, chính quyền có khả năng dự báo được chính xác hơn các xu thế vận động từ phát triển kinh tế - xã hội đến các quá trình tự nhiên như khí hậu biến đổi, nước biển dâng…, các cơ chế tự động hóa cũng giúp hỗ trợ triển khai hàng loạt quá trình mang lại hiệu quả rất cao như điều phối giao thông, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, khai thác năng lượng tái tạo, cung cấp các dịch vụ công một cách thuận tiện, đơn giản và hiệu quả đến từng người dân… Trong đô thị thông minh đó, người dân là trung tâm, là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ các tiện ích mà các cơ chế thông minh tạo ra như phương tiện giao thông, khám chữa bệnh, học tập, nghiên cứu, mua sắm, giải trí, tìm kiếm việc làm… Họ có thể được cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên, đô thị thông minh không chỉ giúp thay đổi về mặt hạ tầng, mặt hình thức đô thị mà còn có tiêu chí đánh giá sự phát triển toàn diện của xã hội và đặc biệt là của con người về tri thức, sự hiểu biết, năng lực sáng tạo và trình độ văn minh.

Xây dựng đô thị thông minh vừa là cơ hội vừa là thách thức. Là cơ hội, vì nhờ đó mà chúng ta có thể làm việc hiệu quả hơn, cuộc sống có chất lượng cao hơn, mọi người được phục vụ tốt hơn. Còn thách thức, là mọi việc đều được quyết định bởi con người chứ không phải máy móc, thiết bị. Vì thế, từng người trong cộng đồng phải nỗ lực hơn, năng động hơn, trở nên giỏi hơn thì mới có thể điều khiển, khai thác, làm chủ được các hệ thống kỹ thuật ngày càng thông minh hơn đó; nếu không, đô thị thông minh cũng chỉ là một giấc mơ công nghệ.