23/01/2025 lúc 12:08 (GMT+7)
Breaking News

DN có vốn nước ngoài có phải xin giấy phép lập cơ sở bán lẻ?

VNHN0 - Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH IPIC đề nghị giải đáp vướng mắc liên quan đến việc phân biệt khái niệm bán buôn và khái niệm bán lẻ theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP.

VNHN0 - Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH IPIC đề nghị giải đáp vướng mắc liên quan đến việc phân biệt khái niệm bán buôn và khái niệm bán lẻ theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP.

Ảnh minh họa

Theo quy định tại Khoản 6 và Khoản 7, Điều 3 Nghị định 09/2018//NĐ-CP:

“6. Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác không bao gồm hoạt động bán lẻ.

7. Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”.

Điều 5 Nghị định 09/2018//NĐ-CP quy định: “1. Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:

a) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 9 Nghị định này;

b) Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 9 Nghị định này;

c) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 9 Nghị định này”.

Với quy định như trên, Công ty Luật TNHH IPIC có một số khó khăn, thắc mắc trong quá trình áp dụng Nghị định 09/2018/NĐ-CP như sau:

- Tổ chức khác quy định tại Khoản 7, Điều 3 Nghị định 09/2018//NĐ-CP có khác với tổ chức khác quy định tại Khoản 6, Điều 3 Nghị định 09/2018//NĐ-CP không? Tổ chức khác tại Khoản 7, Điều 3 là tổ chức như thế nào, có bao gồm các công ty, doanh nghiệp không? Công ty và doanh nghiệp có được mua sản phẩm để phục vụ mục đích tiêu dùng không?

Nếu công ty và doanh nghiệp được mua sản phẩm sử dụng mục đích tiêu dùng thì hoạt động bán hàng cho các tổ chức đó có được xem là hoạt động bán lẻ theo quy định của Khoản 7, Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP không? Và công ty có vốn đầu tư nước ngoài bán hàng cho công ty, doanh nghiệp để họ tiêu dùng thì có phải xin giấy phép bán lẻ không?

- Hiện tại khi thực hiện cấp giấy phép bán lẻ trên giấy phép không thống nhất, có địa phương cấp ghi rõ tên sản phẩm, có địa phương ghi rõ mã số HS của sản phẩm, có địa phương không ghi rõ sản phẩm cũng không ghi rõ mã HS việc này dẫn đến áp dụng thiếu thống nhất trong cả nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện tuân thủ giấy phép kinh doanh. Vậy trên giấy phép kinh doanh có bắt buộc phải ghi tên sản phẩm hàng hóa hay nhóm sản phẩm hàng hóa theo mã số HS không?

Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:

Khái niệm bán buôn, bán lẻ

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018: “Bán buôn là hoạt động bán hàng hoá cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bản lẻ”.

Theo quy định trên, việc bán hàng cho các thương nhân, tổ chức khác không sử dụng hàng hóa vào mục đích bán buôn, bán lẻ hay tiêu dùng (như trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã,... mua hàng hóa để sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất, triển khai dịch vụ theo mục tiêu đầu tư, ngành nghề kinh doanh đã đăng ký: hợp tác xã đã đăng ký ngành nghề sản xuất hàng may mặc, mua máy may về lắp đặt phục vụ sản xuất, mua vải, nguyên phụ liệu về sản xuất ra sản phẩm may mặc để bán; doanh nghiệp đã đăng ký dịch vụ xây dựng mua nguyên liệu vật tư xây dựng về để xây dựng, lắp đặt cho các công trình đã trúng thầu; doanh nghiệp đã đăng ký dịch vụ cung cấp thực phẩm và đồ uống, mua thực phẩm, đồ uống về chế biến thành các món ăn, suất ăn kèm hoặc không kèm đồ uống để phục vụ khách tại chỗ hoặc đem đi; chi nhánh thương nhân nước ngoài đã được cấp phép thực hiện dịch vụ máy tính mua vật tư, linh kiện, máy tính để lắp ráp, lắp đặt theo các hợp đồng đã ký kết với khách hàng...) là hoạt động bán buôn.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: “7. Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”.

Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định: “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hoá cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”.

Theo các quy định trên, tồ chức cũng là đối tượng mua hàng hóa để sử dụng vào mục đích tiêu dùng. Việc bán hàng cho tổ chức để sử dụng vào mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của tổ chức (ví dụ như Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp mua thực phẩm, đồ uống, văn phòng phẩm... để phục vụ việc tiêu dùng, sinh hoạt thường xuyên của cán bộ, nhân viên Văn phòng đại diện, doanh nghiệp) mà không sử dụng trực tiếp vào quá trình sản xuất, hay triển khai dịch vụ theo mục tiêu đầu tư, ngành nghề đầu tư kinh doanh đã đăng ký, là hoạt động bán lẻ.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ- CP, để được thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hỏa, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP, để lập cơ sở bán lẻ, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào các quy định trên để thực hiện thủ tục Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo đúng quy định.

Nội dung hướng dẫn tại mục này đính chính nội dung hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Công văn số 4248/BCT-KH ngày 30/5/2018.

Cách ghi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

Nghị định số 09/2018/NĐ-CP không có quy định bắt buộc về việc tồ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài kê khai danh mục hàng hóa thực hiện quyền phân phối bán lẻ theo mã HS, tên gọi hay theo chương. Việc xác định phạm vi danh mục hàng hóa kinh doanh và kê khai danh mục hàng hóa theo mã HS, theo tên gọi hay theo chương... là quyền của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế trên cơ sở tự cân đối nhu cầu, năng lực và kế hoạch kinh doanh, khả năng và kế hoạch tài chính, quy mô cơ sở bán lẻ, loại hình cơ sở bán lẻ (nếu có đề nghị lập cơ sở bán lẻ), sự thuận tiện cho tổ chức kinh tế khi thực hiện các thủ tục thông quan, kê khai thuế phù hợp với quy định pháp luật về thuế, tài chính, thủ tục hải quan có liên quan.

Cơ quan cấp Giấy phép (Sở Công Thương) ghi nội dung về hàng hóa tại Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ trên cơ sở hồ sơ đề nghị của tổ chúc kinh tế, phù hợp với kết quả xem xét, đánh giá của Sở Công Thương về việc đáp ứng các điều kiện cấp phép, sự phù hợp của kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính với quy mô kinh doanh, quy mô cơ sở bán lẻ, loại hình cơ sở bán lẻ (nếu tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có đề nghị lập cơ sở bán lẻ), đặc thù cùa hàng hóa dự kiến kinh doanh..., theo đúng quy định của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP./.

Theo Văn Phòng Chính Phủ