24/11/2024 lúc 02:43 (GMT+7)
Breaking News

Đẩy mạnh các hệ thống điện mặt trời áp mái tại Việt Nam

VNHN – Ngày 25/7/2019, tại Tp. Hồ Chí Minh, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức Hội thảo khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo thông qua các giải pháp về phát triển thị trường công nghệ điện mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam.

VNHN – Ngày 25/7/2019, tại Tp. Hồ Chí Minh, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức Hội thảo khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo thông qua các giải pháp về phát triển thị trường công nghệ điện mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam.

Hội thảo cũng là diễn đàn để chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế cũng như các cơ hội hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật mà các dự án đầu từ điện mặt trời áp mái có thể tiếp cận.

Tiến sỹ Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) 

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biếtViệt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng. Các dạng năng lượng tái tạo điển hình như gió, mặt trời, sinh khối,... với tiềm năng khai thác cho sản xuất điện lên tới dàng chục giga watt (GW)

Hiện nay Chính phủ ngày càng nhận thức rõ vai trò của năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trong duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Phương Hoàng Kim, việc khai thác và phát triển năng lượng tái tạo dường như chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có do một số hạn chế nhất định. Do vậy trong thời gian tới, cần đẩy mạnh mở rộng các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời mái nhà với độ bức xạ đạt từ 4,2 – 4,8 kWh/m2/ngày. Điện mặt trời trên mái nhà với tính chất phân tác, tiêu thụ tại chỗ, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày sẽ làm giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống. Đặc biệt, việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Do vậy, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện trong thời gian tới, nhất đối với những khu vực có nguy cơ thiếu điện tại miền Nam.

Trong thời gian tới, Việt Nam cũng đặt mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo ở mức 6,5% tổng cơ cấu nguồn vào năm 2020 và 10,7% vào năm 2030; tiết kiệm năng lượng 10% trong tổng mức tiêu thụ điện vào năm 2020. 

Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID), ông Michael Greene

Trước tình hình đó, ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) cũng chỉ rõ, thông qua Chương trình năng lượng phát thải thấp (V-LEEP), đơn vị này sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hướng đến hài hòa Chiến lược quốc gia, luật, chính sách và quy định nhằm khuyến khích phát triển năng lượng sạch hiệu quả về mặt chi phí. Đặc biệt, V-LEEP cũng hợp tác với Cục Điều tiết Điện lực để thúc đẩy quá trình áp dụng Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) nhằm đẩy mạnh sức mua của những Tập đoàn lớn và mở rộng thị trường năng lượng tái tạo.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến ngày 18/7/2019, tổng số khách hàng lắp điện mặt trời áp mái là 9.314 khách hàng với tổng công suất lắp đặt là 198MWp. Ngoài các đơn vị điện lực thì có 9.110 khách hàng đã lắp đặt với tổng công suất 186,37MWp, trong đó có một số lượng đông đảo là các hộ gia đình (7.550 khách hàng). Điều này đã cho thấy rõ việc lắp đặt điện mặt trời áp mái đã và đang thu hút được sự quan tâm của người dân.

Hội thảo đã thu hút nhiều đại biểu tham dự

Hội thảo khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị đến từ các cơ quan, tổ chức trong quá trình thúc đẩy phát triển điện mái nhà tại Việt Nam.

Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định 2023/QĐ-BCT vào ngày 05 tháng 7 năm 2019 gồm 5 hợp phần:

1) Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường;

2) Tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm;

3) Thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm;

4) Chương trình Chứng chỉ Điện mặt trời áp mái;

5) Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và Chiến lược truyền thông.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) - Bộ Công Thương được giao chủ trì thực hiện, trên cơ sở lồng ghép các hoạt động của chương trình với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phát triển của các nhà tài trợ như Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) của USAID, Tổ chức Hợp tác Đức GIZ, Ngân hàng Tái thiết Đức và Chương trình hỗ trợ năng lượng của EU và Ngân hàng Thế giới.