VNHN - Đến năm 2040, nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới sẽ tăng 33%, với phần lớn mức tiêu thụ đến từ khí tự nhiên và năng lượng tái tạo.
Ảnh minh họa - Internet
Trong tương lai gần, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung sản xuất điện chủ chốt trên thế giới. Ô tô điện sẽ chiếm 25% số phương tiện được sử dụng trên toàn cầu. Vị thế chiếm lĩnh của Hoa Kỳ trên thị trường dầu mỏ sẽ suy yếu, trong khi ảnh hưởng của OPEC hồi sinh, giữa bối cảnh nhu cầu dầu thô cuối cùng sẽ chạm đỉnh.
Viễn cảnh trên vừa được Bristish Petroleum (BP) - một trong 7 công ty dầu khí lớn nhất thế giới - công bố hồi tuần trước, trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thường niên mới nhất của mình. Đồng thời, công ty dầu khí này cũng đưa ra dự đoán về triển vọng tiêu thụ năng lượng toàn cầu đến năm 2040, đi cùng với các chính sách khuyến nghị dành cho chính phủ và sự phát triển của công nghệ lẫn người tiêu dùng dựa trên những xu hướng gần đây.
Theo BP, đến năm 2040, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 33%, thúc đẩy bởi mức tiêu thụ gia tăng đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và những khu vực khác thuộc châu Á. Khoảng 75% mức tăng nói trên xuất phát từ nhu cầu năng lượng phục vụ cho ngành công nghiệp và xây dựng. Đồng thời, nhu cầu năng lượng dành cho giao thông vận tải tiếp tục tăng trưởng, song sẽ giảm mạnh, khi các phương tiện ngày một tiết kiệm nhiên liệu hơn và người tiêu dùng chuyển dần sang sử dụng xe điện.
Dù nguồn cung tăng, nhưng BP cho biết, ⅔ dân số thế giới vẫn sẽ sống tại các khu vực có mức tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người tương đối thấp. Tóm lại, thế giới vẫn cần phải tạo ra nhiều năng lượng hơn, và phần lớn trong số đó - khoảng 85% - sẽ đến từ khí tự nhiên và năng lượng tái tạo.
Đến cuối hai thập kỷ tới, phần lớn điện năng trên thế giới sẽ được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, với độ phủ của năng lượng gió, mặt trời và các loại năng lượng tái tạo khác diễn ra nhanh hơn bất cứ loại nhiên liệu nào từng xuất hiện. Ngoài ra, gần như tại mọi nơi trên thế giới, lượng tiêu thụ khí tự nhiên sẽ tăng 50% trong 20 năm tới, với động lực tăng trưởng xuất phát từ ngành điện và công nghiệp. Tuy nhiên, giao thông vận tải mới là lĩnh vực có mức tăng trưởng nhanh nhất.
Theo BP, phần lớn nguồn cung năng lượng mới sẽ đến từ Mỹ, Qatar và Iran, theo sau là Nga và Trung Quốc. Cũng trong giai đoạn này, các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu được dự báo tiếp tục tăng trưởng, với tỷ trọng thương mại đến năm 2040 đạt 15%. Dẫu vậy, phần lớn thời gian, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của thế giới vẫn sẽ tiếp tục tăng theo từng năm, cho đến khi chạm đỉnh 108 triệu thùng/ngày trong những năm 2030. Năm nay, OPEC dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt mức 100 triệu thùng/ngày.
Do đó, BP cho biết, trong tương lai, ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ phải tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm mới để đáp ứng mức tiêu thụ gia tăng, cũng như phục vụ cho các lĩnh vực cũ vẫn cần đến “vàng đen”, bất chấp sản lượng có sự giảm sút. Theo báo cáo, đến năm 2040, giao thông vận tải tiếp tục là lĩnh vực sở hữu mức tiêu thụ dầu cao nhất, với nhu cầu dành cho máy bay, tàu thuỷ tăng thêm 3 triệu thùng/ngày và 2 triệu thùng/ngày dành cho phương tiện giao thông đường bộ.
Phần lớn nhu cầu kể trên sẽ đến từ những thị trưởng mới nổi, đặc biệt là tại châu Á. Và, các quốc gia như Mỹ, Brazil, Nga cũng như các thành viên không thuộc OPEC sẽ đủ sức đáp ứng hầu hết mức tiêu thụ này trong 10 năm tiếp theo. Tuy nhiên, sau đó, sản lượng tại Mỹ sẽ giảm dần, trong khi OPEC tái khẳng định thế thượng phong. Theo dự đoán, đến năm 2040, sản lượng của tổ chức đứng đầu Trung Á này sẽ tăng 4 triệu thùng/ngày, với phần lớn sự tăng trưởng diễn ra sau thời điểm năm 2030.
Trong khi đó, bức tranh than đá lại có phần phức tạp hơn. Nhìn chung, tiêu thụ than sẽ là một đường ngang, khi Trung Quốc và các nước phát triển ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để quay sang ủng hộ các nguồn năng lượng sạch hơn và có thể tái tạo được. Dẫu vậy, BP nhận thấy, Ấn Độ và những quốc gia châu Á khác sẽ đốt nhiều than hơn để có thể đáp ứng nhu cầu điện ngày một gia tăng, khi các nước này trở nên giàu có hơn.