VNHNO - Phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh sản xuất năng lượng tái tạo lớn của cả nước, trong đó có điện gió, điện mặt trời và phát triển điện khí sử dụng LNG với quy mô phù hợp.
Ảnh minh họa
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.
Thông báo nêu rõ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm phát triển bền vững. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023.
Phát triển Cảng nước sâu và công nghiệp với quy mô lớn, kinh tế biển; phát huy lợi thế đã có từ những di sản lịch sử, văn hóa, tâm linh, những đặc sản đặc trưng của địa phương; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm; đẩy mạnh công tác đô thị hóa, phát triển du lịch bền vững.
Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị bền vững. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, hiệu quả gắn với đô thị văn minh.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tổ chức liên kết sản xuất, phát triển cây trồng chịu hạn, tiết kiệm nước; đẩy mạnh chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc; hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đúng pháp luật, phát triển mạnh hậu cần nghề cá. Chú trọng công nghiệp chế biến, chế biến sâu.
Tăng cường công tác quản lý đất rừng và đất công; công tác thủy lợi. Thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu du lịch, các khu, cụm công nghiệp và vùng ven biển trên địa bàn, nhất là các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm; bảo đảm nguồn nước, an toàn hồ, đập.
Tăng cường phòng chống cháy rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép và môi trường sinh thái.
Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, phát huy các giá trị, lễ hội văn hóa đặc sắc ở địa phương; nâng cao chất lượng các điểm đến và chất lượng nguồn nhân lực du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo để tăng nhanh lượng du khách đến Tỉnh.
Tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng để các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển hạ tầng du lịch, đầu tư đồng bộ các dự án du lịch có đẳng cấp cao, khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của Tỉnh về du lịch biển, hệ sinh thái đặc thù, du lịch văn hóa. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút 3 - 4 triệu lượt khách du lịch.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính của các cơ quan chính quyền các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ.
Nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, hoạt động khởi nghiệp, thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực Tỉnh có lợi thế. Tiếp nhận ý kiến, phản hồi của người dân, doanh nghiệp nhưng phải giải quyết kịp thời và công khai kết quả xử lý, giải quyết kiến nghị của người dân.
Quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo, không để người dân thiếu đói; cải thiện nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng chuyển đổi nghề cho người dân vùng quy hoạch và triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án có diện tích đất thu hồi lớn.
Chuyển đổi mặt bằng nhà máy điện hạt nhân
Về chuyển đổi mặt bằng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương điều chỉnh. Mục đích sử dụng đất sau chuyển đổi cần tính toán khoa học và phải bảo đảm hiệu quả. Cân nhắc việc sử dụng cho các dự án năng lượng tái tạo là thế mạnh của địa phương, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ giao bộ trưởng Bộ Công Thương hủy Quyết định số 6070/QĐ-BCT ngày 17/6/2015 về quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trong tháng 11 năm 2018.
Tỉnh lập Đề án chuyển đổi mặt bằng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, bao gồm các phương án, kế hoạch đảm bảo ổn định sản xuất, đời sống nhân dân khu vực dự án. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan liên quan thẩm định
Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2018 để xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư hạ tầng truyền tải điện để giải phóng công suất các dự án điện gió, điện mặt trời, giao Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng truyền tải đường dây 500kV và 220kV trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 30/8/2018 của Chính phủ; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền trong tháng 11/2018./.