18/01/2025 lúc 12:48 (GMT+7)
Breaking News

Đặc sắc lễ hội chùa Hang Định Hóa (Thái Nguyên)

VNHN - Định Hóa là cái tên đã gắn liền với chiến khu ATK trong thời kỳ khánh chiến chống Pháp với hơn 100 di tích lịch sử cùng nhiều danh lam thắng cảnh khác nhau. Không chỉ vậy Định Hóa còn được biết đến là địa phương có nhiều các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử của vùng đất cách mạng này trong đó Lễ hội Chùa Hang là lễ hội thường niên được tổ chức vào dịp đầu năm.

VNHN - Định Hóa là cái tên đã gắn liền với chiến khu ATK trong thời kỳ khánh chiến chống Pháp với hơn 100 di tích lịch sử cùng nhiều danh lam thắng cảnh khác nhau. Không chỉ vậy Định Hóa còn được biết đến là địa phương có nhiều các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử của vùng đất cách mạng này trong đó Lễ hội Chùa Hang là lễ hội thường niên được tổ chức vào dịp đầu năm.

Chùa Hang là tên nhân dân trong vùng thường gọi có nghĩa là chùa trong hang, ngoài ra nhân dân còn gọi là Chùa Giềng, trong văn bia của chùa có tên là Cảm Linh tự. Chùa Hang trước năm 1945, thuộc xóm Đồng Chùa, làng Khuôn Trao, xã Định Biên trung, tổng Định Biên trung, châu Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; trước năm 2000 thuộc xóm Đồng Chùa, xã Bảo Cường, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Khai mạc lễ hội Chùa Hang xuân Kỷ Hợi 2019

Chùa Hang là nơi thờ Phật duy nhất của nhân dân huyện Định Hóa, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Vào ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng người dân trong vùng thường lui tới để hương khói, cầu cúng với lòng nhân ái, từ bi, hướng thiện.

Lễ chính của Chùa Hang vào rằm tháng giêng hàng năm hay còn được gọi là lễ Kỳ Yên theo truyền thống dân làng đều lên chùa làm lễ cầu cho sự yên lành ấm no, hạnh phúc. Theo lệ xưa những cụ trong làng đến tuổi đi quy tham gia vào hội chùa hàng năm đóng góp 3 só thóc (tương đương khoảng 18kg) trong cả năm để Thày Tự chăm lo cúng tế tại chùa.

Từ tối 14 tháng giêng (âm lịch) các cụ đi quy phật cử ra 3 người mặc quần áo chỉnh tề, đạo đức trong sáng, khoảng 50 tuổi trở lên để lễ thập phương cho đến 12 giờ đêm ngày 15 tháng Giêng. 

Lễ hội thu hút hàng ngìn người tham gia

Mâm lễ phát tấu dâng tại chùa thường là chuối, oản, lễ chay bằng gạo nếp thơm ngon của làng quê. Trong phần lễ, thì nghi thức rước kiệu từ Chùa Hang ra Đình Quan đế là một phần rất quan trọng, dẫn đầu đoàn rước lễ là các đội Sư tử, rồng oai phong, rực rỡ sắc màu. Tất cả thể hiện sự thành kính và niềm vui hân hoan, phấn khởi chào đón ngày hội.

Bên cạnh đó, Chùa Hang còn có giá trị là một Di tích lịch sử và danh lanh thắng cảnh, gắn với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chùa Hang gắn với phong tục thờ phật của người Việt, là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, tổ chức lễ hội của nhân dân huyện Định Hóa nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.

Theo lệ làng vào đầu năm âm lịch tết Nguyên Đán của dân tộc, các gia đình trong vùng và khách thập phương đến chùa thắp hương lễ Phật với quan niệm sẽ được Phật ban phúc cho cả năm luôn gặp sự may mắn. Ngày 15 tháng giêng âm lịch là ngày lễ hội chính của Chùa Hang các cụ cao niên của làng tổ chức lễ cầu phúc, cầu tài, cầu bình yên. 

Trong ngày lễ hội có rước kiệu từ Đình Quan Đế về Chùa Hang, đoàn người có cờ, quạt, lọng tàn, các chủ lễ và các cụ già mặc trang phục khăn xếp, áo dài, các thanh niên khiêng kiệu mặc quần áo như quan binh ngày xưa cùng đó là lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Sau phần lễ là phần hội diễn ra với các trò chơi dân gian đặc sắc mang bản sắc các dân tộc địa phương như: Hội tung còn, Múa lân sư rồng, đi cầu thăng bằng, tung vòng cổ vịt, bịt mắt bắt dê, cờ tướng, chọi gà, bắt trạch trong chum, đi cà kheo…

Lễ hội Chùa Hang Định Hóa được duy trì thường niên không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy giá trị di tích lịch sử mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến với “Thủ đô gió ngàn” mỗi độ xuân về.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ ngày 18/02/2019 đến ngày 20/02/2019 (tức ngày 14, 15, 16 tháng giêng, năm Kỷ Hợi) thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách tham gia lễ hội./.