1. Tôi được biết bút danh tác giả Hoàng Kim Đáng từ đầu những năm 70 thế kỷ trước (cách nay hơn 50 năm), khi anh là phóng viên báo chí trong quân đội mặt trận đường Trường Sơn, qua những tấm ảnh anh chụp hiện diện trên báo chí đương thời. Rồi chúng tôi gặp nhau, trở thành đồng nghiệp cầm bút, cầm máy ảnh làm báo sau ngày đất nước thống nhất, hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Thời kỳ tôi làm tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, từ đầu thế kỷ XXI, anh Đáng là cộng tác viên thân thiết của tạp chí. Anh gửi đăng ảnh và bài viết đều đều trên tạp chí chúng tôi, đó là những tấm ảnh và bài viết về các tướng lĩnh quân đội, các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ mà anh quen biết, thân thuộc, gần gũi.
Đọc và biên tập ảnh, bài viết của anh Đáng - nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, tôi rất thích, vì đó là những bài viết tâm huyết, công phu, hoàn chỉnh, phù hợp với khuôn khổ báo chí, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc trong giới báo chí văn nghệ. Hầu như chúng tôi không phải động bút, sửa chữa, thêm bớt gì. Cùng lắm phải làm là chỉnh sửa lỗi do máy vi tính thực hiện, hoặc cân chỉnh các kiểu phông chữ thuộc phong cách trình bày của bản báo, thu nhỏ ảnh cho vừa cột báo hoặc chuyển từ ảnh màu thành ảnh đen/trắng do phần ruột tạp chí chúng tôi chỉ in toàn một màu đen/trắng. Nói như nhà văn Ma Văn Kháng, các bài và ảnh của Hoàng Kim Đáng đó là những tác phẩm “chỉnh chu” của một thương hiệu nhà nghề, lão thực.
2. Lần này, tôi vui mừng đón nhận cuốn sách mới anh vừa tặng trong đó ở tuổi ngoại bát thập, anh chọn lọc từ hàng trăm chân dung viết và chụp trong hơn 40 năm qua (kể từ tấm ảnh và khởi thảo bài viết về Giáo sư, Viện sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Tùng tháng 5/1982). Phải chăng con số tuyển chọn 40 chân dung những con người tài danh của đất nước là để kỷ niệm hơn 40 năm anh đã thâm canh trên thể tài nhiếp ảnh + báo chí rất được bạn đọc ưa chuộng này?
Trong suốt tuần lễ tôi đọc và lần giở xem kỹ tập sách khổ lớn dày ngót 500 trang in của anh, vừa háo hức vì tò mò, lại có lúc buộc mình phải nhẩn nha, chậm rãi theo cách đọc của người nghiên cứu - phê bình chuyên nghiệp, để cố gắng nhận ra điều gì đã làm nên sức hấp dẫn, sự cuốn hút, cái đặc sắc riêng của cá tính sáng tạo đã làm nên thương hiệu Hoàng Kim Đáng qua tập sách này.
Tỉ mỉ làm con số thống kê, tôi nhận thấy, trong số 40 chân dung chọn in vào sách này có 30 bài viết và ảnh chân dung văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành VHNT: văn học (13), mỹ thuật (4), nhiếp ảnh (7), âm nhạc (5), sân khấu (1).
10 bài khác còn lại viết về các vị thuộc các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục (5), tướng lĩnh quân đội (2), bậc thầy y học (2) và hoạt động xã hội từ thiện (1).
Phần lớn trong 40 chân dung này là những chân dung ít nhiều đã được người đọc quen biết qua sách báo nhiều chục năm nay. Đó là những người nổi tiếng, đã từng hiện diện và in dấu trong tâm khảm người đọc. Họ không là người lạ đối với người đọc nữa, mà là những thực thể đã biết.
Vậy tại sao chân dung những người quen biết đó, trước và nay Hoàng Kim Đáng cùng các đồng nghiệp của ông đều viết về họ, mà bây giờ đọc tuyển tập chân dung này (cho phép tôi gọi như vậy, người đọc vẫn cảm nhận được những điều mới và lạ trong ngòi bút và ống ảnh (chữ dùng của Nguyễn Tuân về công cụ tác nghiệp ảnh của Hoàng Kim Đáng) của ông, vẫn bị văn và ảnh của ông cuốn hút không rời mắt khỏi trang sách?
Nghệ sỹ Hoàng Kim Đáng
3. Viết đến đây, cho phép tôi không thể không trích dẫn mấy ý kiến có tính chất kinh điển về đặc thù của tư duy nghệ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật, tài năng nghệ sĩ nói chung cũng như của từng ngành nghệ thuật nói riêng.
Hồ Chí Minh: Phải lột cho hết tinh thần dân tộc: trau dồi cho văn hóa Việt Nam có tinh thần thuần túy Việt Nam (về nền văn hóa, văn nghệ dân tộc - 1946)
- Mỗi tờ báo nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn, rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán (về báo chí - 1959)
Tố Hữu: “Phải thật, phải rất thật. Chỉ trong muôn ngàn sự thật đó, người nghệ sĩ biết chọn lấy khoảnh khắc nào thật nhất, lột tả được sự thật tốt nhất. Nghệ sĩ nhiếp ảnh chỉ có thể gây cho người ta sự khâm phục, không phải ở chỗ khéo “bố trí” mà là ở tài năng và sự nhạy bén của mình: quái lạ, trong cuộc sống sôi nổi, phong phú, nhanh chóng như thế, anh ta đứng ở chỗ nào mà lại chụp được cảnh sắc với góc độ như thế này và như vậy sẽ không ai hồ nghi một chút nào về cuộc sống thực cả. Và cái đó là cái đẹp trong nghệ thuật ảnh” (12/1965).
K. Pauxtopxky: “Hội họa quan trọng ở chỗ, họa sĩ thường nhìn thấy cái mà chúng ta không nhìn thấy. Chỉ sau khi xem tranh của người vẽ, chúng ta mới bắt đầu nhận ra cái đó và ngạc nhiên không hiểu sao trước kia chúng ta lại không nhận ra”.
- “Trong nghệ thuật, chất liệu dùng được chỉ có thể là chất liệu đã chiếm được một chỗ trong trái tim.
Trước kia tôi đã nhìn thấy tất cả, nhưng chỉ trong xa cách, bây giờ thì tất cả những nét phong cảnh quê hương mới xuất hiện trước cái nhìn nội tâm của tôi với toàn bộ vẻ đẹp mê hồn của chúng” (1959).
Trong sách này, Hoàng Kim Đáng có ghi lại cuộc trao đổi ý kiến của mình với họa sĩ tài danh Bùi Xuân Phái xung quanh thể tài chân dung trong nghệ thuật.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái cho rằng cái khó đối với họa sĩ vẽ chân dung là phải làm rõ được những nét chủ yếu bên trong thuộc tính cách nhân vật, mà ông gọi là character (danh từ), characteristic (tính từ).
Bùi Xuân Phái thú nhận rằng không phải bức chân dung nào ông cũng vẽ thành công, nếu như ông chưa làm nổi bật lên tính cách của người mẫu.
Tán thành quan điểm này, Hoàng Kim Đáng ghi nhận ở thể loại chân dung nghệ thuật cần kết hợp hài hòa các mặt: thể hiện thần thái, tính cách của nhân vật với việc sử dụng bút pháp, ngôn ngữ nghệ thuật, tạo hình độc đáo, độc bản có một không hai, để không bị trộn lẫn với người khác, không lặp lại mình, giúp công chúng nhận ra “bản lai diện mục”, “căn cước”, cá tính sáng tạo, phong cách, dấu ấn riêng của nghệ sĩ.
Còn nhà điêu khắc tài danh Điềm Phùng Thị, như Hoàng Kim Đáng cho biết, do bất lực vì tuổi già và bệnh tật làm suy giảm tư duy sáng tạo, bà đành phải buông bút vẽ, bỏ dở không hoàn thành bức chân dung ký họa Hoàng Kim Đáng trên giá vẽ, đành phải xin lỗi đề tặng bức vẽ đó còn dang dở, chưa cho thấy điều gì về tính cách người được vẽ.
4. Trở lại với việc trả lời câu hỏi về cái mới, sự hấp dẫn riêng của tập sách chân dung này của Hoàng Kim Đáng.
Theo thiển ý của tôi, đây là một tập sách tuyển tập chân dung (xét về thể loại) được ấp ủ, theo đuổi trong nhiều năm trời. Sách trình bày đẹp, bắt mắt, thuộc ấn phẩm đẳng cấp cao về cả nội dung và nghệ thuật thể hiện. Qua đó, Hoàng Kim Đáng đã cắm một cái mốc để đời về một thể loại nhiếp ảnh - báo chí - văn học.
Trong các bài viết Hoàng Kim Đáng luôn chú ý kết hợp, phát huy mặt mạnh, sở trường của ông vừa là một nghệ sĩ nhiếp ảnh vừa là người viết báo, viết nghiên cứu - phê bình tác giả và tác phẩm. Chân dung ảnh và chân dung bằng chữ bố cục linh hoạt mà phóng khoáng, không rập khuôn đơn điệu, đã kết hợp chặt chẽ thành một chỉnh thể nhận diện nhân vật dưới nhiều góc độ soi chiếu.
Hoàng Kim Đáng do cảm mến, đã công phu gặp gỡ, tiếp xúc với các nhân vật của mình nhiều lần để “nằm lòng” nhân vật, thăng hoa cảm hứng sáng tạo. Ông lại chịu khó sưu tầm, đọc tiếp nhận tham khảo ý kiến của người khác đã nhận định về nhân vật đó, mở ra cho người đọc một sự đối thoại, dân chủ tranh luận học thuật xung quanh người được viết, trong đó phần đông đã là người thiên cổ, “cái quan định luận”.
Từ chỗ đứng, góc nhìn riêng, từ nội tâm và cảm nhận ngày càng thêm rộng và sâu của mình, ông chú mục vào những “điểm nghẽn”, những uẩn khúc, những gì còn tiềm ẩn trong con người họ bấy lâu nay chưa được khám phá, ít được quan tâm thể hiện. Với tinh thần khách quan, khoa học, nhân văn, xem “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, ông góp phần giải tỏa những ngộ nhận hoặc huyền thoại họ, như là sự “bật mí” trung thực và thiện ý tạo sự am tường và minh xác về họ trong sự nghiệp, tài năng thiên bẩm Trời cho cùng lao động hết mình của họ cho đất nước và nhân dân đông đảo.
Những bài viết của Hoàng Kim Đáng góp phần nâng cao kiến văn và nhận thức hoàn chỉnh hơn về những đóng góp xuất sắc, hiếm có của những con người tài danh, chiều sâu trong suy nghĩ và khát vọng cống hiến vô tư cho con người và cuộc đời, sự nghiệp mà họ gắn bó, kể cả cần phải hóm hỉnh thể tất cho những nét khác thường, “hồn nhiên” đáng yêu trong đời tư của họ.
Hoàng Kim Đáng qua cái nhìn nội tâm của mình mà chia sẻ, tri âm, tri kỷ với họ như một người bạn thân thiết, bởi ông đã cùng với họ nhịp bước hướng về cái Cao cả, cái Chân - Thiện - Mỹ nơi con người và cuộc sống trần thế, hiện hữu.
Viết chân dung nhân vật thuyết phục được người đọc đã khó, nhưng Hoàng Kim Đáng còn lưu ý đến những trường hợp có thể gắn thêm sự kiện lịch sử trong đời sống Văn học Nghệ thuật. Chẳng hạn như Văn Cao, ông đề cập đến hai vấn đề:
Một là thành tựu trong thơ ca, âm nhạc và hội họa. Hai là cuộc đời chìm nổi bi hùng của tác giả. Ông chỉ là cộng tác viên in một bài thơ trên Tạp chí “Nhân văn Giai phẩm” vậy mà suốt 30 năm chỉ được ký chữ “Văn” mà không có chữ “Cao”. Không làm thơ, làm nhạc nữa, chỉ được tham gia vẽ minh họa cho các báo, trình bày bìa sách cho các nhà xuất bản, làm nhạc nền cho phim điện ảnh, trang trí sân khấu…kiếm thêm chút đỉnh giúp cho gia đình giải quyết khó khăn trong đời sống. Đọc Văn Cao trong “Tỏa sáng đất trời Nam” thế hệ trẻ thấy rõ một thời đã diễn ra sự kiện “Nhân Văn Giai phẩm” nó bi và hùng như thế nào?
Một thời chủ nghĩa cơ hội có cơ phát triển, chụp mũ nhau để bạn mình ngã ngựa oan. Trong chân dung nhà văn Ngọc Giao chỉ một bài báo “đánh” Ngọc Giao, “Dinh tê” vào thành theo địch! Sự thực đâu có phải như thế, nhưng ông ngã ngựa thật, phải ra khỏi Hội nhà văn. Uất và quẫn trí quá, ông đốt toàn bộ gia tài tác phẩm đồ sộ đã có, coi như kết liễu sự nghiệp. 30 năm không động bút, đã có lúc dùng dây thòng lọng vào cổ kết liễu cuộc đời nhưng làm như vậy hèn quá, ông lại thôi, chịu sống vất vưởng ăn bám gia đình vợ con.
Năm 1986, nhờ đất nước đổi mới, ông mới cầm bút viết lại cho đến lúc về trời!
Trường hợp viết về nhà văn - dịch giả với cái tên bài viết “Ngất ngưởng Ông Văn Tùng” có đoạn đề cập đến Ông Văn Tùng là nhà văn, dịch giả tài năng, ông còn là người của hai quốc gia: Việt Nam-Trung Quốc khuyên các nhà đương cục Trung Quốc đã từng là một trong bốn nền Văn minh nhân loại, đừng nên bôi nhọ thanh danh cao quý ấy, hãy làm theo lời dạy của Khổng Tử và hãy rút giàn khoan dầu cắm vào bờ biển của Việt Nam, một quốc gia chỉ bằng một tỉnh nhỏ của Trung Quốc! Sao lại tham lam làm những điều thất đức đến như vậy!
5. Đọc sách quý của Hoàng Kim Đáng với góc nhìn riêng độc đáo và cái nhìn nội tâm cảm nhận sâu sắc và sẻ chia của ông, về bút pháp nghệ thuật “chộp” lấy những khoảnh khắc xuất thần, những chi tiết, cử chỉ, lời nói, bộ dạng… bộc lộ rõ nét, điển hình của tính cách, hồn cốt của nhân vật, không chỉ chúng ta được chiêm ngưỡng những bức khắc họa chân dung của 40 bậc tài danh đã tỏa sáng trên bầu trời nước ta, và rộng ra trên cả thế giới văn minh và hòa bình. Đồng thời, người đọc còn thấy thấp thoáng chân dung của tác giả Hoàng Kim Đáng - nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo, nhà văn nghiên cứu - phê bình tài ba đã bắc nhịp cầu kết nối cộng đồng người Việt, trong và ngoài nước, giữa quá khứ - hiện tại và tương lai của đất nước.
Chúc mừng thành công của Nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng trong ấn phẩm mới, đặc sắc, hiếm có!
Hà Nội, tháng XI/2024
PGS.TS. NGUYỄN NGỌC THIỆN
Nguyên Tổng Biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam
(*) Trong sách - HOÀNG KIM ĐÁNG - Tỏa sáng đất trời Nam, Nxb. Hội Nhà văn, H.,2024, 474tr.