Trong đó, Tết Nguyên đán là biểu hiện rõ nhất bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Ở đó có hồn quê và tình người sâu đậm và thiêng liêng.
Ảnh minh họa - N.Nghiêm
Được khởi đầu từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết), Tết Nguyên đán kéo dài đến mồng bảy Tết (tháng giêng), trong đó 3 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên thuộc về năm mới được coi là Nguyên đán – Tết đầu năm mới.
Đối với người Việt, Tết Nguyên đán là sự kiện thực sự quan trọng và linh thiêng, được nhiều người mong đợi, nhất là những người đi làm ăn xa nhà, dịp Tết trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn tụ; cùng nhau nhìn nhận lại những việc đã làm trong năm cũ, đồng thời là lúc thực hiện các phong tục, tập quán tốt đẹp với gia đình, dòng họ, cộng đồng, với mong muốn những gì tốt đẹp nhất đều được dành cho ngày Tết. Chính điều đó đã tác động sâu sắc vào tâm thức của bao thế hệ người Việt. Vì vậy, dù trải qua biết bao thời gian, nhưng những phong tục đón Tết, vui Tết của người Việt cơ bản vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc.
Có thể nói, Tết đồng nghĩa với sự sum họp gia đình; là ngày mọi người bên nhau, bên những người thân yêu của mình; là ngày những phiên chợ trở nên đông đúc hơn; là ngày mọi người trong gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, là ngày mỗi bữa cơm trở nên ngon hơn của hương vị ấm áp bên gia đình trong không khí háo hức đón tết đến xuân về…
Tết cũng là dịp mọi người quy tụ về mái chùa quê hương để cùng nhau cầu nguyện một năm mới mọi sự được hanh thông, gia đình phát đạt, ông bà, cha mẹ được nhiều sức khỏe, con cháu được thành đạt và vui khỏe.
Tết Nguyên đán là sự lặp lại của những phong tục, tập quán từ xưa để lại, nhưng có một số đổi mới cho phù hợp với thời nay. Dù vậy, những gì diễn ra trong ngày Tết vẫn luôn đủ để tất cả chúng ta nhìn nhận đó thực sự là Tết Nguyên đán của dân tộc Việt.
Với người lớn, xuân sang tết đến là lúc người ta thường nghĩ đến bánh chưng xanh, những cây hoa đào, hoa mai, những cách trang trí nhà cửa, bàn thờ tổ tiên cho đúng và đậm hương vị Tết... Còn với trẻ nhỏ, thứ đầu tiên chúng nghĩ đến chính là những bộ quần áo mới, là phong bao lì xì và cả những lời chúc tốt lành kèm theo của người lớn…
Những đặc trưng của ngày Tết thật giản dị và gần gũi với chúng ta biết bao nhiêu. Đó là mùi thơm ngọt ngào của gạo nếp tỏa ra từ nồi bánh chưng xanh đang nấu; đó là hương thơm nồng nàn từ các loài hoa đua nhau khoe sắc; là những phong bao lì xì chứa chan tình cảm, hay những câu đối đỏ thắm, với ý nghĩa vừa là lời cầu, lời chúc cho sự tốt lành trong năm mới, vừa như một thú chơi văn hóa thật tao nhã, trí tuệ…
Ở nông thôn, Tết là dịp cha con, ông cháu… được quây quần bên nồi bánh chưng luôn đỏ lửa, ấm áp, ở đó có cả cái hồn của Tết cổ truyền; và cả những phút giây đợi khoảnh khắc giao thừa để cùng nhau bên vị ngọt cay của miếng mứt gừng; cùng nhau hướng về màn hình tivi nghe lời chúc Tết của vị Chủ tịch nước, cùng nhau tận hưởng những cảm giác ấm áp và nguyện cầu một năm mới an lành… Tết như thế không vui, không thiêng liêng sao được…
Tính chất thiêng liêng của Tết cổ truyền thể hiện rõ trong những nghi thức tâm linh mà người Việt sửa soạn, cử hành; từ Tết ông Công, ông Táo, đến lễ cúng tất niên, đêm giao thừa, lễ tân niên trong phạm vi gia đình, dòng họ đến những nghi thức tế lễ trời đất, thánh thần, biết ơn Thành Hoàng làng và các vị anh hùng có công với dân với nước được thờ ở các đình, đền, chùa, am miếu. Trước bàn thờ, cùng với lời khấn tâm thành, làn khói nhang bay lên nhè nhẹ, “chuyển” những nghĩ suy thầm kín nhất của con người đến với ông bà, tổ tiên; văng vẳng đâu đó tiếng chuông chùa, đánh thức miền ký ức xa xưa, khơi dậy những khát vọng của con người về cái đúng, cái thiện, cái đẹp cùng những mong ước, hy vọng vào cuộc sống, tương lai tươi sáng…
Tập quán của người phương Đông vốn vậy, không dễ gì quên được quê hương, xứ sở của mình. Chẳng vậy mà nhiều người có nhà cao cửa rộng ở đô thị nơi mình làm việc hàng ngày, thậm chí đã nhiều năm ở đó, nhưng Tết đến Xuân về vẫn khăn gói về lại ngôi nhà của ông bà cha mẹ ở quê. Thực sự trong tâm thức nhiều người, Tết không thể đến một cách đủ đầy trong ngôi nhà mà mình mới mua và cư ngụ vài năm, thậm chí vài mươi năm nơi phố thị; mà Tết chỉ thật sự trọn vẹn trong ngôi nhà mà nhiều thế hệ đã trải qua, ngôi nhà kết nối giữa quá khứ và hiện tại, ngôi nhà gắn bó với lịch sử gia đình, với ông bà, tổ tiên nơi miền quê bình dị.
Ngôi nhà ấy có thể đơn sơ, chưa đầy đủ phương tiện…, nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị. Trong ngôi nhà ấy, mỗi vật dù nhỏ nhoi, thấp kém đến mấy cũng đáng yêu trong mắt mình. Điều đó nằm trong thông điệp sâu sắc về triết lý sống hài hòa với tự nhiên trong văn hóa phương Đông mà ông bà ta từng dạy… Về tinh thần, ngôi nhà nuôi lớn tình cảm của mỗi cá nhân; bởi ở đó, ta có tất cả những con người thân thương đúng nghĩa đại gia đình: ông bà, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, họ hàng kế bên…
Những phong tục, tập quán tốt đẹp trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc chính là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành và nuôi dưỡng nhân cách, hệ giá trị, đạo đức và thẩm mỹ của con người Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Nhiều giá trị tốt đẹp của những ngày Tết đã được cộng đồng chung tay gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hôm nay.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, trong thời đại công nghệ hiện đại ngày nay, có những người quên đi giá trị thực sự của ngày Tết truyền thống. Họ có thể bỏ qua cơ hội quây quần bên gia đình để làm việc khác mà không hẳn việc đó là thực sự cần phải làm vào lúc này; bỏ lỡ dịp gặp gỡ và được sống trong không gian và không khí đậm đà sắc Tết.
Để định hình những giá trị căn bản cho xã hội, nhất là với giới trẻ ngày nay, có lẽ cái gốc của vấn đề nằm ở giáo dục, nhưng trách nhiệm này không chỉ thuộc về nhà trường, sách giáo khoa,… mà của cả xã hội. Cần đưa ra những giá trị căn nguyên đó và hướng cho lớp trẻ tiếp cận, cảm nhận và thực hiện. Giới trẻ ngày nay thông minh, nhanh nhạy, dễ dàng hấp thụ những cái đúng nếu được dạy dỗ cẩn thận.
Đành rằng, xã hội phát triển thì những phong tục, tập quán truyền thống cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, trong đó có việc phê phán, đấu tranh loại bỏ những hủ tục trong dịp Tết… Tuy nhiên, sự thay đổi, biến tướng làm băng hoại giá trị truyền thống, nhân cách, đạo đức, văn hóa ứng xử của con người, xa lạ với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, tình cảm, nhận thức và hành vi của các thế hệ sau này là điều không thể để diễn ra.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu con người, quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai. Mỗi khi những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc được lan tỏa trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam, thì nó sẽ trở thành nguồn lực nội sinh to lớn, tạo động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Tùy bút của THANH MAI