VNHN - Ngày 30/12, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực.
Bộ trưởng Công Thương - Trần Tuấn Anh (phải) cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP chụp ảnh chung tại hội nghị ở Santiago ngày 8/3. AFP/ TTXVN.
Ngày 30/12, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản không có Mỹ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã chính thức có hiệu lực, tạo ra một khu vực thương mại tự do.
CPTPP sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore là 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP để tạo điều kiện cho thỏa thuận này đi vào hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1/2019.
CPTPP có nội dung gần như giữ nguyên so với TPP dù 22 điều khoản được hoãn thực thi chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.
Việc CPTPP được đàm phán thành công sau khi Mỹ rút khỏi TPP có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì kết nối đầu tư và tự do thương mại hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng.
Với 11 nước tham gia, trong đó có Việt Nam, CPTPP là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới và khi được thực thi đầy đủ, sẽ bao gồm một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu.
Với Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việc Việt Nam sớm phê chuẩn CPTPP đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Tham gia CPTPP mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh rất cao trong “cuộc chơi” CPTPP này./.