20/01/2025 lúc 18:54 (GMT+7)
Breaking News

Kinh tế số ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp thúc đẩy sự phát triển

Kinh tế số là toàn bộ mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội được xây dựng, diễn ra dựa trên nền tảng số. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế mà công nghệ số được áp dụng; như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng...

Nói cách khác, kinh tế số là nền kinh tế mà các mối quan hệ, các hoạt động kinh tế và tài chính được thực hiện trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, Internet và công nghệ viễn thông trong hệ thống mạng lưới sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trên thị trường toàn cầu.

Ảnh minh họa - TL

Chủ trương, định hướng phát triển kinh tế số

Kinh tế số hiện là xu hướng phát triển ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu chú trọng và phát triển hạ tầng thông tin viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó, Chính phủ cũng thể hiện rõ quan điểm và định hướng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thông qua các chiến lược, chính sách và các văn bản pháp luật như Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Nhờ đó, trong những năm gần đây, kinh tế số đã có những bước phát triển mới, thể hiện vai trò cốt lõi trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nước ta. Không những vậy, phát triển kinh tế số còn được xem là biện pháp tối ưu nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, để trở thành một nước phát triển.

Nhận thức tầm quan trọng của kinh tế số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Nghị quyết đề ra 08 chủ trương, chính sách để chủ động tham gia CMCN 4.0 và đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2025 - 2045, trong đó có đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP.

Tiếp theo đó, ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về xây dựng Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và 100% số xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số công nghệ thông tin (IDI) và chỉ số cạnh tranh (GCI); thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) và thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI)… Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) cũng khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”.

Trên cơ sở những chủ trương phát triển kinh tế số đã được xác định, Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi cần thiết để tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế số: (1) Thực hiện sửa đổi, bổ sung thể chế, quy định pháp luật cho các ngành, trong đó có cả những ngành đang thực hiện nhiều mô hình kinh doanh mới như: Thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số. Thực hiện cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số. Hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư nguồn lực cho thi hành pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. (2) Xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, cải cách nền hành chính theo hướng số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đã có những cấu phần đi vào vận hành như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp... (3) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái số. (4) Xây dựng các khung pháp lý về an toàn, an ninh mạng. Thực hiện cải cách hệ thống thuế của Việt Nam phù hợp với xu thế hóa của nền kinh tế…

Kết quả đạt được và giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số

*Kết quả đạt được:

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đang trở thành một trong những địa điểm thu hút mạnh mẽ đầu tư kinh tế số ở Đông Nam Á. Trong đó, thương mại điện tử và một số lĩnh vực sử dụng nền tảng số đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.

Năm 2024 là năm thứ 3 Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia về Phát triển kinh tế số và Xã hội số. Theo báo cáo của Google, tốc độ phát triển kinh tế số ở Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6%; sẽ đạt 25% vào năm 2025, đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII. Hiện kinh tế số các ngành mới chiếm 40% kinh tế số, 60% thuộc về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; nhưng về lâu dài, kinh tế số các ngành phải chiếm tỷ trọng 70-80% trong kinh tế số.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế số là rất tích cực, nhưng chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thể chế cho phát triển dữ liệu chưa hoàn thiện; nền tảng cơ sở dữ liệu chưa thông suốt; kinh tế dữ liệu chưa hình thành và kỹ năng số trong dân cư còn hạn chế… Đó là những vấn đề cần sớm được khắc phục.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP) và kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030, toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương phải tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao.

*Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số

Để đạt được các mục tiêu cũng như phát triển kinh tế số ở Việt Nam thì các giải pháp cơ bản về thể chế chính sách, hạ tầng số, nguồn nhân lực phải được thực hiện đồng bộ. Cụ thể:

1.Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế liên quan đến các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư, kinh doanh trong môi trường kinh tế số. Đẩy mạnh thực thi các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực. Cần có các chính sách hỗ trợ đối với các mô hình kinh doanh mới; đồng thời thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chuyển đổi số…

2. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số. Cụ thể: Nâng cấp mạng 4G, đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G. Thúc đẩy nhanh tỷ lệ sử dụng giao thức internet thế hệ mới IPv6. Đảm bảo doanh nghiệp, người dân tiếp cận với internet tốc độ cao. Thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử.

3. Thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số. Hỗ trợ các hình thức hợp tác đào tạo giữa các nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong đào tạo nhân lực chuyển đổi số. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân thực hiện, triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người lao động. Đồng thời có các chính sách thu hút và giữ chân nhân lực có chất lượng cao liên quan đến an toàn thông tin. Tổ chức tốt việc kết nối các chuyên gia, nhà khoa học nhằm thúc đẩy gắn kết nghiên cứu, chia sẻ tri thức về hoạt động chuyển đổi số./.

Ths Hoàng Đình Cương

...