VNHN - Khi tham gia sân chơi chung, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần tận dụng các cơ hội nhưng phải chú ý khai thác tiềm năng thị trường, không bỏ quên lợi thế "sân nhà".
Các chuyên gia thảo luận thại Hội thảo về CPTPP. Ảnh:VGP/Huy Thắng.
Đây là ý kiến các chuyên gia tại Hội thảo CPTPP – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức ngày 28/11.
Quốc hội vừa biểu quyết với tỷ lệ 100% đồng ý thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Đây được xem là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay.
PGS. TS. Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò then chốt đối với phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. "Nếu DN không làm thì không có thắng lợi, không có thành công", ông Nam khẳng định.
Lưu ý với các doanh nghiệp Việt khi tham gia sân chơi lớn, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, DN Việt cần phải tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thế chế để mở rộng thị trường. Quan trọng hơn, DN cần phải tận dụng được ngay thị trường trong nước, đó là tận dụng được thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà rất nhiều DN nước ngoài đang đang muốn chiếm lĩnh.
Ông Ngô Chung Khanh dẫn chứng, thực tế các mặt hàng như: Xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan có giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn "cháy hàng" ở thị trường Việt Nam, trong khi Việt Nam có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi xuất khẩu hết. "DN Việt cần quay lại cạnh tranh để giành lại thị trường từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài", ông Khanh đánh giá.
Thực tế, đại diện Bộ Công thương cho rằng, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang tận dụng các hiệp định FTA trong nông nghiệp. Điển hình như nhiều công ty Nhật Bản sang Việt Nam làm nông nghiệp rồi xuất khẩu ngược lại sang Nhật Bản.
Nhấn mạnh việc cần nắm chắc "luật chơi" khi tham gia CPTPP, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh nhắc lại vấn "thẻ vàng" của EU đối với thủy sản Việt Nam là bài học lớn mà các DN cần phải lưu tâm.
Từ đó, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, các DN cần phải nắm được các quy định có liên quan tới doanh nghiệp mình, và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Ví dụ, khi Việt Nam xuất khẩu thủy sản, không chỉ bảo đảm rằng đó là sản phẩm sạch mà còn phải đảm bảo cả về quy trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển đánh bắt và phải đáp ứng cả yêu cầu về môi trường.
Riêng về lĩnh vực tài chính, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, tự do hóa tài chính trong khuôn khổ CPTPP rất cao dù các nước thành viên được quyền chủ động thực hiện các biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính của mình, bao gồm những quy định ngoại lệ mà các quốc gia thành viên xem xét một cách thận trọng và những quy định ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử trong quá trình thiết lập và thực thi các chính sách tiền tệ hay các chính sách khác.
Việt Nam cũng như các nước được áp dụng các ngoại lệ cần thiết, gồm các biện pháp thận trọng bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân; chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm đảm bảo môi trường đầu tư ổn định, an toàn.
"Thực thi CPTPP, trong đó có các cam kết về dịch vụ tài chính sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về cạnh tranh tại Việt Nam, từ đó thu hút, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh doanh tại Việt Nam khi môi trường kinh doanh được đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và không phân biệt đối xử", TS Nguyễn Minh Phong nói.
CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy thay đổi tư duy mạnh hơn. Thực tế, gần đây, các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng Luật, cấp phép đầu tư đều phải tính đến các quy định liệu có phù hợp với CPTPP không, đó là nhưng chuyển biến quan trọng.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, nhiều người nói cơ hội CPTPP mở cửa thị trường nhưng cơ hội lớn nhất là cải cách thể chế, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giấy phép con, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp./.