VNHN - Công ty CP Bất động sản Sài Gòn (TPHCM) ký thỏa thuận hợp tác về việc chuyển nhượng dự án bất động sản với công ty A (đối tác). Vì công ty A không còn đủ khả năng tài chính để thực hiện dự án và muốn chuyển lại dự án này cho Công ty CP Bất động sản Sài Gòn.
Ảnh minh họa
Để dự án có thể nhanh chóng được xây dựng, hai bên thống nhất sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để tại thời điểm đủ điều kiện chuyển nhượng sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng dự án. Công ty A sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các công việc pháp lý để dự án được cấp Giấy phép xây dựng.
Giá chuyển nhượng phần quyền sử dụng đất của dự án + lợi thế thương mại + tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích đất thành đất ở + lệ phí trước bạ là 100 tỷ đồng. Công ty CP Bất động sản Sài Gòn sẽ bỏ tiền đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trên đất và chịu các chi phí ký với nhà thầu, tư vấn khác để triển khai dự án.
Tuy nhiên, vì Công ty CP Bất động sản Sài Gòn vẫn chưa là chủ đầu tư của dự án nên không thể ký các loại hợp đồng thi công và tư vấn. Do đó, các bên thống nhất, Công ty CP Bất động sản Sài Gòn sẽ chuyển tiền cho công ty A để công ty A thanh toán cho các nhà thầu thi công và tư vấn, theo đó nhà thầu, tư vấn sẽ xuất hóa đơn cho công ty A.
Tại thời điểm có chấp thuận cho phép chuyển nhượng dự án của cơ quan có thẩm quyền thì Công ty CP Bất động sản Sài Gòn sẽ tiến hành kiểm toán chi phi đầu tư xây dựng của dự án. Giá chuyển nhượng dự án bao gồm: 100 tỷ đồng + chi phí đầu tư xây dựng triển khai dự án (phần tiền Công ty CP Bất động sản Sài Gòn chuyển cho công ty A để thanh toán cho nhà thầu, tư vấn được kiểm toán tại thời điểm chuyển nhượng). Khi đó bên A sẽ xuất hóa đơn chuyển nhượng dự án theo công thức trên.
Công ty CP Bất động sản Sài Gòn hỏi, phương thức hạch toán và thanh toán như trên của Công ty có đúng quy định pháp luật không?
Ngoài ra, công ty A sẽ ký hợp đồng thi công, tư vấn và Công ty CP Bất động sản Sài Gòn sẽ là bên thanh toán trực tiếp cho bên nhà thầu, tư vấn. Hóa đơn vẫn xuất cho bên A và khi chuyển nhượng dự án sẽ kiểm toán giá trị xây dựng, tư vấn của dự án. Giá chuyển nhượng dự án bao gồm: 100 tỷ đồng + chi phí đầu tư xây dựng triển khai dự án (được kiểm toán tại thời điểm chuyển nhượng) hai bên sẽ thực hiện việc cấn trừ khoản Công ty CP Bất động sản Sài Gòn thanh toán hộ và phần giá trị chi phí đầu tư xây dựng triển khai dự án (được kiểm toán tại thời điểm chuyển nhượng) trong giá chuyển nhượng dự án.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty CP Bất động sản Sài Gòn đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn để Công ty thực hiện việc hạch toán các chi phí theo quy định pháp luật.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Tại Điểm d, Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng:
“d) Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Tại Khoản 4, Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:
“Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
… 4. Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ví dụ 18: Công ty cổ phần P thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất cồn công nghiệp. Đến tháng 3/2014, dự án đầu tư đã hoàn thành được 90% so với đề án thiết kế và giá trị đầu tư là 26 tỷ đồng. Do gặp khó khăn về tài chính, Công ty cổ phần P quyết định chuyển nhượng toàn bộ dự án đang đầu tư cho Công ty cổ phần X với giá chuyển nhượng là 28 tỷ đồng. Công ty cổ phần X nhận chuyển nhượng dự án đầu tư trên để tiếp tục sản xuất cồn công nghiệp. Công ty cổ phần P không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với giá trị dự án chuyển nhượng cho Công ty cổ phần X”.
Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng…”.
Đề nghị Công ty căn cứ các quy định, hướng dẫn nêu trên và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định./.