24/11/2024 lúc 09:18 (GMT+7)
Breaking News

Cảnh báo nguy cơ 42 quốc gia nhỏ trên thế giới bị nước biển nhấn chìm

Ngày 13/10, Tổng Thư ký Khối thịnh vượng chung Baroness Patricia Scotland cảnh báo một số quốc gia nhỏ nhất trên thế giới có thể bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao, nếu thế giới không hành động vì khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh vào tháng 11 tới. 

Ngày 13/10, Tổng Thư ký Khối thịnh vượng chung Baroness Patricia Scotland cảnh báo một số quốc gia nhỏ nhất trên thế giới có thể bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao, nếu thế giới không hành động vì khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh vào tháng 11 tới. 

Thị trấn Kulusuk ở phía đông Greenland

Phát biểu trong chuyến thăm Italy, bà Scotland nhấn mạnh mối đe dọa thực sự đối với 42 quốc gia nhỏ trên thế giới, theo đó các quốc gia này có nguy cơ biến mất. Bà Scotland cho biết người dân ở một số quốc gia nhỏ nhất trong Khối thịnh vượng chung như các đảo quốc Tuvalu và Nauru ở Thái Bình Dương đang tìm những nơi mới để chuyển đến do mực nước biển dâng cao đến mức nguy hiểm. Bên cạnh đó, bà Scotland đề cập những hậu quả nghiêm trọng đối với các nước này do các trận bão xảy ra thường xuyên hơn. 

Theo bà Scotland, nhân loại không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động chống biến đổi khí hậu. Bà cũng nhấn mạnh rằng các nước nghèo vốn dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu cần được các nước giàu giãn nợ và hỗ trợ vaccine phòng COVID-19. 

Khối Thịnh vượng chung gồm 54 quốc gia với dân số tổng cộng 2,4 tỷ người và nguyên thủ quốc gia là Nữ hoàng Elizabeth II.

Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và lý tưởng hơn cả là ở mức 1,5 độ C. Mỗi quốc gia đã có những cách làm riêng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu này. Tuy nhiên, các nhà khoa học LHQ cho rằng thế giới đang đi chệch khỏi mục tiêu 1,5 độ C nói trên. Đây là ngưỡng giúp Trái Đất tránh được các tác động tiêu cực nhất của tình trạng biến đổi khí hậu  như thời tiết ngày càng khắc nghiệt, hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng. Dự kiến, lãnh đạo các nước sẽ nhóm họp ở Glasgow (Anh) trong 2 tuần đầu tháng 11 tới trong khuôn khổ vòng đàm phán tiếp theo của LHQ về vấn đề biến đổi khí hậu nhằm đưa ra những cam kết tham vọng hơn đối với giới hạn mức tăng 1,5 độ C./.