18/09/2024 lúc 05:14 (GMT+7)
Breaking News

"Bão giá" trên công trường cao tốc Bắc – Nam: Kỳ 4: Xót xa "tâm thư" nhà thầu xây lắp cầu cứu Chính phủ

Ngày 14/7, lãnh đạo 20 nhà thầu thi công cao tốc Bắc – Nam đồng loạt gửi "tâm thư" cầu cứu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành… về việc nhiều gói thầu bị đội giá lên 30% -50% so với hợp đồng đã ký. Đến thời điểm này, nhiều nhà thầu đã kiệt sức.

4 nguyên nhân khiến nhà thầu "mắc cạn"

Được khởi công từ quý 4/2019, các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được “chốt” thời hạn hoàn thành trong năm 2022 và Quý 2 năm 2023.

Với quyết tâm đưa dự án về đích đúng tiến độ, ngay sau khi khởi công, các Nhà thầu đã tập trung huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư triển khai dự án. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đã khiến nhiều thầu "mắc kẹt" không lối thoát.

Thiếu nguyên liệu khiến nhiều máy móc thiết bị thi công của Nhà thầu rơi vào tình trạng “đắp chiếu”

Đầu tiên, đó là cơn “ác mộng” Covid-19 buộc Nhà nước phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ. Đại diện Ban Quản lý dự án 7, Chủ đầu tư cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết: “Đây là khoảng thời gian rất khó khăn cho Chủ đầu tư, nhà thầu trong công tác huy động vật tư, nhân lực. Đồng thời, vừa thi công vừa đảm bảo chống dịch nên phát sinh rất nhiều chi phi khác không có trong kịch bản".

Ông Nguyễn Kao Quý, Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập cho hay: "các nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 phải được xác định thuộc trường hợp bất khả kháng để đảm bảo công bằng và theo đúng quy định đã ký kết tại hợp đồng. Vì thế, cần có cái nhìn khách quan để hỗ trợ cho các nhà thầu".

Vướng mắc thứ 2 mà các Nhà thầu gặp phải là việc khan hiếm nguồn cung cấp vật liệu khiến hàng ngàn máy móc thiết bị thi công của Nhà thầu đã huy động nhưng không phát huy công suất, thậm chí rơi vào tình trạng “đắp chiếu” gây lãng phí, tốn kém rất lớn.

Đại diện các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam cho biết: Trong bước lập Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, Tư vấn khảo sát và đưa vào Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng rất nhiều mỏ đất, đá, cát chưa có Giấy phép khai thác mà mới chỉ nằm trong Quy hoạch khai thác của địa phương, thậm chỉ mới chỉ có trong định hướng quy hoạch khai thác.

Trong khi đó, thủ tục để xin cấp phép khai thác mỏ vật liệu san lắp thông thường theo quy định của Luật khoảng sản phải qua 9 bước, với thời gian nhanh nhất cũng mất từ 9 -12 tháng.

Để tháo gỡ khó khăn về mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ đã ban hành cơ chế đặc thù khai thác mỏ đất san lấp phục vụ cao tốc Bắc Nam tại các Nghị quyết số 60/NQ - CP ngày 16 /6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ - CP ngày 19/10/2021 cho phép rút ngắn thủ tục không thông qua đấu giá quyền khai thác, đơn giản hóa thủ tục nâng công suất, cấp Giấy phép khai thác cho Nhà thầu... rút ngắn thủ tục hành chính từ 2 - 3 tháng.

Nhưng thực tế, đến cuối Quý I và đầu Quý II/2022, sau gần 9 tháng kể từ khi khởi công, các mỏ đất đắp mới được cấp phép cho Nhà thầu khai thác.

Ngay cả khi các mỏ được cấp giấy phép rồi, việc thực hiện các thủ tục thuê đất, giao đất cho Chủ mỏ để có thể tiến hành khai thác vật liệu vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số mỏ đất đã được cấp phép khai thác, nhưng vẫn chưa xong thủ tục để khai thác đất.

Chính vì thế mới có trường hợp nhà thầu không thể lấy được vật liệu tại các mỏ gần mà phải lấy mỏ khác xa công trường đẩy giá vật liệu lên rất cao. Ví dụ, gói thầu XL3 đoạn Phan Thiết – Dầu Giây thi công trên địa bàn Huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh, Đồng Nai nhưng phải mua đá sản xuất bê tông nhựa (BTN) tại mỏ Núi Sò, Huyện Châu Đức, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với cự ly vận chuyển về công trưởng khoảng 80 km.

Ngoài ra, do ảnh hưởng chung của đại dịch Covid - 19 dẫn tới công tác vận chuyển, sản xuất, cung ứng các vật liệu xây dựng bị đứt gãy chuỗi sản xuất, đình trệ trong lưu thông... khiến tình trạng nguồn cung vật liệu khan hiếm trầm trọng.

Vướng mắc thứ ba là về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), mặc dù đã được địa phương, các chủ đầu tư quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên, tại nhiều gói thầu, công tác bàn giao mặt bằng không đồng bộ, xôi đỗ,… gây khó khăn trong thực hiện, làm chậm quá trình thi công, giải ngân dự án, thiệt hại về chi phí huy động máy móc, nhân công và ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Gian nan nguồn vật liệu xây dựng, giá xăng dầu tăng, bàn giao mặt bằng xôi đỗ, covid 19 hoành hành... ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam

Vướng mắc thứ tư là vấn đề thời tiết bất lợi trong giai đoạn nước rút của dự án. Đặc biệt, thời tiết tháng 5, tháng 6/2022, số ngày mưa chiếm từ 30% - 35% số ngày trong tháng và dự báo trong các tháng tiếp theo còn diễn biến phức tạp, khó lường đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án, nhất là 3 dự án thành phần phải hoàn thành trong năm 2022.

"Bão giá" khủng khiếp cỡ nào?

Nói về câu chuyện đội giá chưa từng có trên công trường cao tốc Bắc - Nam, Tổng Công ty CP Vinaconex cho biết: Tại gói thầu XL 14 dự án cao tốc QL45 - Mai Sơn do Vinaconex TN E&C thực hiện, các loại vật liệu tăng mạnh so với thời điểm ký hợp đồng từ 40% đến 180%.

Cá biệt như, cát vàng theo hợp đồng ký ban đầu là 126.000 đồng/m3, đến nay phải mua giá 363.636 đồng/m3 (tăng tới 187% so với ban đầu); hay như đất đắp K95, theo hợp đồng đã ký là 84.762 đồng/m3, nay phải mua giá 215.000/m3 (tăng 153%).

Còn tại gói thầu XL1, Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, liên danh nhà thầu Tổng Công ty xây dựng Thăng Long - Đạt Phương - Tự Lập cũng cho biết: Do đặc thù khu vực này thiếu nguồn cấp phối đá dăm loại 1 nên nhà thầu bị đội giá rất cao.

Cụ thể, theo hợp đồng ký ban đầu nhà thầu chi 129.211 đồng/m3, nhưng đến nay đã phải mua với giá 295.744 đồng/m3 (tăng 128% so với hợp đồng ban đầu); hay như loại đá 1x2 để sản xuất bê tông xi măng, theo hợp đồng ban đầu có mức giá 164.000/m3, nay đã lên 343.360 (tăng 109%).

"Tại gói thầu XL3, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, do khu vực này thiếu loại đá 1x2 để sản xuất bê tông xi măng nên chúng tôi cũng phải mua với giá rất cao so với hợp đồng ban đầu. Cụ thể, mức giá trong hơp đồng là 246.355/m3, nay đã lên 375.500 (tăng 52% so với hợp đồng)", đại diện Nhà thầu Phúc Lộc và Cienco 8 cho hay.

Nhiều gói thầu tại các dự án cao tốc thành phần bị đội giá lên tới 30-50% do bão giá vật liệu xây dựng, xăng dầu

Trao đổi với Việt Nam Hội nhập, đại diện liên danh nhà thầu Phương Thành và Cienco 4 đang thi công gói XL2, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết: "Hiện tại, các loại vật liệu đều biến động mạnh so với hợp đồng đã ký. Riêng gói XL2 trung bình tăng giá từ 40-50% các vật liệu. Đặc biệt, riêng cấp phối đá răm loại 1 biến động mạnh từ 130.661 đồng/m3 lên 250.000 đồng/m3 (tăng 91% so với HĐ).

Tại gói XL1, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đại diện liên danh nhà thầu Phúc Lộc - Vạn Cường - Cienco 8 cho biết: Giá đá 1x2 để sản xuất bê tông xi măng tăng từ 245.470 đồng/m3 lên 385.500 đồng/m3 (57% so với HĐ); giá đất đắp K95 tăng từ 109.610 lên 189.515 (tăng 72%). Mức tăng giá quá mạnh khiến các nhà thầu suy kiệt tiềm lực tài chính.

Bên cạnh việc giá vật liệu leo thang, từ tháng 2/2022, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina khiến giá xăng dầu liên tục biến động mạnh. Theo tính toán của các nhà thầu, giá xăng dầu so với thời điểm ký hợp đồng trên 11.000 đồng/lít, vài tháng qua đã lên tới 29.000 đồng/lít và vừa được điều chỉnh giảm còn 26.000 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm ít nên giá nhiên liệu vẫn tăng tới 130% so với HĐ ban đầu.

"Nên nhớ, do đặc thù ngành xây dựng công trình giao thông chủ yếu thi công cơ giới nên khi giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí máy thi công tăng theo. Điều này dẫn đến việc đội giá tại các công trình giao thông hiện nay rất lớn", ông Giáp Văn Bình, Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng chia sẻ.

Mất cân đối nghiêm trọng dòng vốn

Trong lúc "bão giá" vật liệu trở thành tâm điểm khiến nhiều nhà hầu lao đao, khốn khó thì các chủ mỏ đất, đá, cát tại nhiều địa phương... tiếp tục gây sức ép lên nhà thầu với yêu cầu phải thanh toán 100 % tiền trước khi nhận hàng. Không chỉ các chủ mỏ, một loạt các mặt hàng khác như: sắt, thép, bê tông, nhiên liệu diezel, nhựa đường, cũng phải thanh toán trước (đặt cọc trước theo khối lượng phân bố của nhà cung cấp), hoặc chốt khối lượng cung cấp thanh toán sớm.

Trong khi đó, việc thi công trên công trường phải tuân thủ theo quy trình thi công, nghiệm thu, thanh toán của dự án. Vì thế, chu kỳ kể từ khi tập kết vật liệu cho đến khi được nghiệm thu, thanh toán và nhận được tiền từ chủ đầu tư ít nhất từ 2 – 3 tháng. Cho nên không phải lúc nào nhà thầu cũng có ngay dòng tiền để ứng trước mua vật liệu.

Vì thế, các nhà thầu tham gia thi công đồng thời một số hợp đồng thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 như: đoạn Phan Thiết - Dầu Giây; Mai Sơn – Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi sơn, Nghi Sơn – Diễn châu, Mỹ Thuận – Cần Thơ,... đều đang trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền.

Một vấn đề khác ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của các nhà thầu đó là công tác điều chỉnh giá tại các địa phương không sát với thực tế (thậm chí không nói là quá xa so với thực tế). Ví dụ như: đối với các Gói thầu xây lắp thuộc 8 dự án thành phần cao tốc Bắc -Nam đầu tư công, hệ số bù giá bình quân các Gói thầu kể từ thời điểm khởi công đến Quý II/2022 bằng 1,08 (tương ứng tăng từ 1,8 % – 8 % giá trị hợp đồng).

"Đối với 3 dự án BOT cao tốc Bắc - Nam, chỉ số trượt giá được tính toán trong Tổng mức đầu tư dự án chỉ có 3,05%. Nhưng trong hợp đồng BOT thực hiện dự án giữa Nhà đầu tư với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chưa có nội dung điều chỉnh giá khi chỉ số trượt giá các loại vật liệu vượt quá chỉ số trượt giá đã tính toán trong Tổng mức đầu tư dự án.

Trong khi đó, chỉ tính riêng biến động của một số chủng loại vật liệu như: thép, đá, cát, đất đắp... (chưa tính biến động chi phí máy thi công, nhân công) đã tăng khoảng 20% -30% so với hợp đồng"

Mặt khác, có sự bất cập trong điều chỉnh chi phí bù đắp khi một số địa phương như Bình Thuận, Đồng Nai chưa công nhận cao tốc Bắc – Nam nằm trong danh mục chỉ số giá của địa phương và đề nghị Chủ đầu tư căn cứ vào quy định tại Điều 27, Nghị định 10/2021 / NĐ - CP ngày 09/2/2021 của Chính phủ hướng dẫn quản lý chi phi phi đầu tư xây dựng để thực hiện.

Chia sẻ khó khăn với nhà thầu, ngày 1/4/2022, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết các bất cập trong công tác điều chỉnh giá hợp đồng nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các Nhà thầu tại văn bản số 3192/BGTVT - CQLXD.

Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 2360/VPCP - CN ngày 15/4/2022, ngày 22/6/2022, Cục Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng trả lời: "Nhà thầu chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào tháo gỡ các khó khăn, tồn tại về điều chỉnh giá hợp đồng. Trong khi, thời gian hoàn thành các dự án không còn nhiều, trước mắt là mùa mưa năm 2022 đến sớm với diễn biến không thuận lợi. Ba dự án thành phần phải hoàn thành trong năm 2022 đã bước sang thi công các hạng mục mỏng, mặt đường với giá trị lớn có yêu cầu khắt khe về kỹ thuật phải thi công trong điều kiện thời tiết thuận lợi, đòi hỏi nguồn vốn lưu động khổng lồ.

Đại diện Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam cho hay: Mặc dù các nhà thầu đã rất cố gắng để xoay xở dòng tiền, dồn mọi nguồn lực cho công trình cao tốc Bắc – Nam, nhưng đến nay, sự mất cân đối dòng tiền lũy kế trong 1 năm qua là quá lớn, đã chạm ngưỡng hạn mức đi vay Ngân hàng để bù đắp thiếu hụt khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng suy kiệt về tài chính và đang đứng trên bờ vực phá sản. 

Và hệ quả là trong khoảng thời gian 3 – 4 tuần trở lại đây, tại nhiều dự án thành phần, các nhà thầu đã không thể duy trì được tiến độ, cường độ công việc cao như trong giai đoạn trước đây. Nếu không có giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới thì nguy cơ “vỡ” tiến độ tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam là hiện hữu.

 Cần có một cơ chế đặc thù

Có thể thấy, vấn đề tài chính đang là sức ép lớn cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia thi công cao tốc Bắc – Nam, do đó để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho Nhà thầu giúp cải thiện dòng tiền có vốn quay vòng sản xuất, thúc đẩy tiến độ thi công, các Nhà thầu thi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, các nhà thầu kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xem xét, áp dụng khoản 4, khoản 5, điều 27 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ về quản lý chi phi đầu tư xây dựng.

Đề nghị, Bộ GTVT thuê Tư vấn căn cứ thực tế biến động giá vật liệu chủ yếu trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng giá tại chân công trình và chỉ số giá riêng cho các gói thầu làm cơ sở tính toán điều chỉnh giá cho nhà thầu nhằm bù đắp một phần thiệt hại do biến động giá.

Các Nhà thầu kiến nghị những nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 cần phải được đánh giá và xác định thuộc trưởng hợp bất khả kháng

Các nhà thầu cũng kiến nghị Bộ Xây dựng kiểm tra và đề nghị các địa phương khảo sát, xây dựng và công bố đơn giá nhân công sát với biến động thực tế hiện nay làm cơ sở xác định chỉ số nhân công phục vụ tính toán điều chỉnh giá theo hợp đồng; Bổ sung vật liệu đất đắp nền đường vào công thức điều chỉnh giá hợp đồng, vì giá trị vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng rất lớn (chiếm tỷ trọng từ 15%–25% giá trị Gói thầu), nhưng được coi là yếu tố cố định không điều chỉnh.

Bên cạnh đó, áp dụng khoản a) và b) mục 1 Điều 420 “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản" của Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13; khoản b) mục 1 điều 19 “Rủi ro và bất khả kháng" và khoản a) mục 6 điều 19 “Các hậu quả của bất khả kháng" của Hợp đồng xây dựng cho phép Nhà thầu lập tiến độ cho khối lượng còn lại, trình Ban QLDA, Bộ GTVT xem xét chấp thuận.

Liên quan đến vấn đề kỹ thuật, các nhà thầu đề nghị cho phép sử dụng nhựa đường 40/50 hoặc bổ sung phụ gia tăng cường dính bám nhựa , tăng khả năng kháng hằn cho lớp bê tông nhựa lớp trên BTNC 12,5 nhằm tăng khả năng ổn định lớp áo đường trong quá trình khai thác sau này cho tất cả các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, kinh phi bổ sung được lấy từ nguồn dự phòng của các gói thầu.

Đối với các mỏ đất đắp sau khi được cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác, đề nghị xem xét ban hành cơ chế đặc thù trong việc thực hiện các thủ tục thu hồi đất; bồi thường GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (thông thường nguồn gốc sử dụng đất trước khi chuyển đổi là đất rừng sản xuất) sang đất khai thác khoáng sản, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, cho thuê đất và giao đất,... nhằm rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục thuê đất và giao đất để sớm đưa vào khai thác .

Đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), các Nhà thầu kiến nghị cho phép được thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng dự án (hợp đồng BOT) đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) khi chỉ số trượt giá vật liệu, nhiên liệu trong thời gian xây dựng dự án vượt quá chỉ số trượt giá đã tính toán trong tổng mức đầu tư của dự án và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Đinh Tịnh - Nguyễn Lâm