Điểm sáng le lói
Là một trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 triển khai theo hình thức PPP còn “sót” lại, sau khi khơi thông được nguồn vốn tín dụng, Chủ đầu tư, nhà thầu dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt đã đồng loạt huy động nhân công, máy móc thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trao đổi với Việt Nam Hội nhập, ông Giáp Văn Bình, Quản lý thi công dự án (đại diện doanh nghiệp đầu tư - Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng) cho biết, hiện nay toàn dự án đã huy động 460 thiết bị các loại và 97/125 mũi thi công, tổng giá trị đã thực hiện được là 721,7/962,3 tỷ đồng (đạt 75% kế hoạch và 8,4% giá trị Hợp đồng).
Khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, song ông Bình cũng thừa nhận, dự án vẫn đang chậm 2,8%.
"Hiện bão giá trên công trường rất mạnh, chủ đầu tư và các nhà thầu đang gồng mình chịu lỗ để huy động tối đa nhân lực, máy móc thi công đảm bảo tiến độ của dự án”, ông Bình nói.
Theo chân ông Bình, chúng tôi có mặt tại gói thầu XL2 do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thực hiện. Cả một khu vực đồi núi trùng điệp chỉ 3 tháng trước đây nay đã thay da đổi thịt chóng mặt. Những con đường công vụ, những trụ cầu chính đã hình thành, đặc biệt, dưới cái nắng cháy da cháy thịt của khúc ruột miền Trung, hàng trăm cán bộ, công nhân cùng với phương tiện máy móc "chạy đua" với thời gian để rút ngắn tiến độ gói thầu.
Tại công trường, Thượng tá Lê Đức Hào, Chỉ huy trưởng thi công gói XL2 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, tại điểm cầu này đơn vị đã bố trí 7 Công ty tham gia thi công, huy động gần 500 nhân lực và 125 đầu xe máy, thiết bị tổ chức thành 30 mũi thi công liên tục 3 ca. Đến nay, sau hơn 3 tháng, giá trị sản xuất đạt 150 tỷ đồng (đạt 11,6 giá trị Hợp đồng).
“Với truyền thống, ý chí và niềm tự hào người lính Trường Sơn, Bộ đội cụ Hồ, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã đề ra nhiều giải pháp, phân tích, đánh giá từ tổng thể đến chi tiết đề đưa ra những phương án đột phá và phù hợp nhất cho từng giai đoạn và luôn giữ thế chủ động trước các khó khăn trong suốt quá trình thực hiện".
"Toàn thể cán bộ chiến sĩ, người lao động của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn trên tất cả các công trường đang ngày đêm hăng say, quyết tâm phấn đấu đưa các gói thầu về đích đúng kế hoạch và vượt kế hoạch đề ra”, Thượng tá Hào nói với tinh thần đầy quyết tâm và trách nhiệm.
Còn tại gói thầu thi công Cầu Hưng Đức khoan cọc trụ T14, T15 (thuộc gói XL1), những áp lực về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng phần nào đã được tháo gỡ vì không liên quan nhiều đến phần đất đắp, tiến độ thi công ngay lập tức khởi sắc trở lại.
“Công tác khoan nhồi trụ T14 đã thực hiện xong và vượt tiến độ 20 ngày, trụ T15 cũng đã khoan được 3 cọc trên tổng số 20 cọc, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8 tới đây. Chúng tôi cam kết sẽ cố gắng vượt tiến độ đã được giao”, ông Đặng Xuân Nam (Công ty Thái Yên), Chỉ huy trưởng mũi thi công trụ T14, T15 Cầu Hưng Đức nói.
Chia sẻ với Việt Nam hội nhập, ông Nguyễn Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng cho biết: Trong thời gian tới, Chủ đầu tư sẽ tăng cường huy động các mũi thi công xử lý nền đất yếu, đây là "đường găng" quan trọng quyết định việc hoàn thành tiến độ chung của toàn dự án. Đồng thời đẩy nhanh các cầu nhỏ, cầu trung và các hạng mục khác để có thể rút ngắn thời gian thi công, đáp ứng tiến độ được giao.
Lo ngại nhà thầu "tụt hơi"
Thời gian qua, giá vật liệu trên các công trường xây dựng liên tục phá các kỷ lục, trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hoặc chưa có những biện pháp cụ thể hỗ trợ nhà thầu nên hàng loạt doanh nghiệp đang tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam nói chung và dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt nói riêng lâm vào tình cảnh khó khăn.
Ðơn cử, như giá thép, nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng hơn 20% (có thời điểm tăng 60%); giá xi măng từ 1.400 đồng/kg (thời điểm quý 4/2020) đến nay tăng 1.980 đồng/kg (chưa kể VAT); giá dầu tăng hơn 15.000đ/lít...
Tất cả các loại vật liệu đều tăng cao và nếu tính theo tỉ trọng vật tư của cơ cấu giá thì việc tăng giá vật liệu đã làm giá thành các gói thầu tăng từ 18% - 30% nên công tác thi công có những thời điểm gián đoạn. Việc giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng cao bất thường cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng cân đối tài chính của Nhà thầu.
Dù là một trong số những nhà thầu hiếm hoi vượt tiến độ tại gói thầu XL1, dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, song nụ cười vẫn chưa thể xuất hiện trên gương mặt ông Đặng Xuân Nam (Công ty Thái Phiên) trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi. Đặc biệt, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, chi phí nhân công,… thực sự là "gánh nặng" của các nhà thầu nói chung và Công ty Thái Phiên nói riêng.
Ông Nam giãi bày: “Thời điểm này, các nhà thầu đang đồng loạt đẩy mạnh thi công khiến nguồn cung cấp vật liệu bị thiếu hụt nghiêm trọng. Thêm vào đó là việc lực lượng chức năng siết tải trọng xe khiến các nhà xe đóng cửa không hoạt động khiến công tác thi công đã khó nay lại càng khó hơn”.
Là một trong những doanh nghiệp tham gia nhiều gói thầu nhất tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Tập đoàn Cienco 4 cũng "ngồi trên lửa" khi giá nhiên liệu, vật liệu thi công tại các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam tăng phi mã, nhà thầu lâm vào cảnh càng làm càng lỗ.
“So với thời điểm trúng thầu, giá xăng dầu tăng gấp đôi, vật liệu thép đã tăng khoảng 50%, cát,đá cấp phối cũng tăng hơn 30% khiến nhà thầu thực sự ngộp thở. Bên cạnh đó việc các cơ quan địa phương chậm công bố hoặc công bố chỉ số giá vật liệu không phù hợp, không đủ bù đắp chênh lệch giá cả khiến chúng tôi càng làm càng lỗ”, ông Võ Văn Hoàng, Giám đốc điều hành gói XL03 khu vực Hưng Nguyên (Tập đoàn Cienco4) thông tin.
Ông Hoàng cũng lo ngại, "nếu tình trạng này nếu tiếp tục tái diễn sẽ khiến các nhà thầu thi công cao tốc tụt hơi, thậm chí kéo theo những hệ luỵ nguy hiểm đối với dòng tài chính".
Dẫu biết rằng khi thực hiện đấu thầu, phần dự toán cũng đã có sự tính toán các vấn đề: dự phòng, biến động giá khảo sát trong 3 năm gần nhất.
"Thế nhưng, trong quá trình thực hiện dự án xây dựng, khó ai có thể dự đoán được tình hình căng thẳng chính trị, chiến tranh giữa các quốc gia ảnh hưởng đến nguồn cung ứng nhiên, vật liệu cũng như không ai tiên tri được việc đại dịch ồ ạt tới và kéo dài. Do đó thiết nghĩ, các cấp có thẩm quyền cần xem xét, có chính sách chia sẻ rủi ro kịp thời", ông Hoàng nói.
“Theo tính toán, nếu thi công xong toàn bộ khối lượng công trình, áp với giá mới được điều chỉnh thì công ty sẽ lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong khi dự toán ban đầu chỉ được bù giá 300 tỷ, phần còn lại chủ đầu tư và các nhà thầu phải chấp nhận bù lỗ”, ông Giáp Văn Bình, Quản lý thi công dự án dự tính.
Trước những khó khăn trên, Thượng tá Lê Đức Hào, Chỉ huy trưởng thi công gói XL2 cho rằng, hiện tiến độ dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt nói chung và gói thầu nói riêng cơ bản đảm bảo, nhưng nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì sẽ không nói trước được điều gì.
Do đó, để gỡ “nút thắt” cho dự án, Thượng tá Hào kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét có các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu nhằm giảm giá bán đầu ra cho các nhà thầu thi công.
Đồng thời, có chính sách bình ổn giá đối với một số vật liệu ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ gói thầu. Đặc biệt, cần nghiên cứu đề xuất phương án địa phương xây dựng chỉ số giá riêng cho dự án, để giá vật liệu thực tế tại thời điểm thi công được cập nhật một cách chính xác nhất.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài khoảng 50km, đi qua địa phận 2 tỉnh Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km). Dự án do liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty XD Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2 đầu tư. Đại diện pháp luật là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (Doanh nghiệp dự án).
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng còn lại là nguồn vốn Nhà nước. Thời gian xây dựng là 3 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn là 16 năm 6 tháng.