Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn dài hơn 43km, có điểm đầu từ Km337+000 thuộc địa phận xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và kết thúc tại Km380+000 thuộc địa phận xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.534 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thời gian tổ chức thi công xây dựng dự án trong khoảng 2 năm (2021 - 2023).
Tiến độ dự án bất ngờ bị chậm do nhà thầu dừng thi công
Trao đổi với PV Việt Nam Hội nhập, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Quản lý dự án cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn (Ban QLDA 2) cho biết, công tác GPMB của dự án hiện đã hoàn thành 100%, giá trị sản lượng đến nay đạt 42,4% giá trị các hợp đồng, chậm 0,4% tiến độ dự án.
Trong đó, gói thầu XL1 (Km337+000 - Km349+000) do Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP tập đoàn Thành Huy đảm nhận đang tổ chức tiếp tục đào đất thông thường, xử lý nền đất yếu, đắp trả nền đường, thi công cọc cát, bấc thấm, ép cọc hầm chui QL45, thi công hoàn thiện mố M2 cầu Đỗ Bí.
Gói thầu XL2 (Km349+000 - Km364+410,75) do Liên danh Công ty cổ phần LICOGI 16 - Công ty TNHH Định An - Công ty cổ phần 471 đảm nhận tiếp tục thi công tuyến chính nền đường và nút giao Vạn Thiện; tuyến nối Km2+166,80 - Km5+507,37; Thi công cầu Hoà Bình, Quần Bội, Kênh N2, cầu Vạn Thiện, Mỹ Trí và Dốc Ké.
Gói thầu XL3 (Km364+410,75 - Km380+000) do Liên danh Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đang tiếp tục thi công nền đường đoạn Km365+520 - Km368+000; Km368+280 - Km371+000; Km371+000 - Km374+500; Km374+500 - Km377+500; Km377+500 - Km380+000. Đồng thời, thi công đúc dầm, cọc khoan nhồi cầu yên Mỹ, cầu vượt nút giao Nghi Sơn - Bãi Trành, cầu Minh Tiến, cầu Bình Sơn.
“Ban QLDA 2, các nhà thầu thi công đã ký cam kết hoàn thành dự án theo đúng tiến độ (tháng 8/2023). Hiện nay các gói thầu cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, cái khó là hơn 1 tháng nay do khó khăn về bão giá, các mỏ đất đóng cửa do kiểm soát xe tải trọng nên nhiều nhà thầu dừng thi công. Đại công trường gần như đình trệ có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, ông Quỳnh lo lắng.
Về công tác giải ngân của dự án, ông Quỳnh cho biết, lũy kế giải ngân tính từ năm 2018 đến nay dự án đã giải ngân là 2.878,195/5.534,472 tỷ đồng đạt 52,00% trên Tổng mức đầu tư dự án, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị đạt 1.465,894 tỷ đồng; Chi phí QLDA, Tư vấn và chi phí khác đạt 107,948 tỷ đồng; Chi phí GPMB đạt 1.304,353 tỷ đồng.
Trong năm 2022, dự án được bố trí điều chỉnh vốn 1.611 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 478,885/1.611 tỷ đồng đạt 29,73% kế hoạch vốn được giao. Luỹ kế giải ngân đến hết tháng 6 năm 2022 là 478,885/459,890 tỷ vượt kế hoạch giải ngân đã đăng ký.
Giám đốc Quản lý dự án cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn cho biết thêm: “Tại bãi đổ thải tại Khu đất Cảng thủy nội địa tại phường Bình Minh, Thị xã Nghi Sơn với trữ lượng 449.500m3 (thuộc gói thầu XL3) do đường vào gặp khó khăn, Ban QLDA 2 đã chỉ đạo các nhà thầu thi công tiếp tục tìm kiếm thêm các bãi đổ thải và hoàn thiện các thủ tục trình các Sở, ban, ngành để tham mưu UBND tỉnh Thanh Hoá xem xét, chấp thuận bổ sung”.
Bão giá, thầu phụ phá hợp đồng vì càng làm càng lỗ
13h30 ngày 5/7, trên dọc đường ra công trường cao tốc Bắc – Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn, dưới cái nắng “cháy da, cháy thịt” của mảnh đất xứ Thanh, khi chúng tôi còn đang bàn bạc về việc chọn góc máy nào để lấy được hình ảnh anh em công nhân làm việc đẹp nhất, góc máy nào mới toát lên được không khí nhộn nhịp tạo công trường,… thì bất ngờ nhận được câu trả lời rằng “công trường đắp chiếu mấy tháng nay thì lấy đâu ra công nhân” của ông Phan Ngọc Quý – Chỉ huy trưởng thi công Công ty cổ phần LiZen (gói thầu XL2).
Theo ông Quý, thời gian qua giá, nhiên liệu tăng quá cao dẫn đến giá các nguyên vật liệu phục vụ dự án đều tăng. “Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tài chính của các Nhà thầu thi công, làm thay đổi kế hoạch cân đối thu chi, tài chính bố trí cho gói thầu của dự án.
Mặt khác, thông báo giá của địa phương đưa ra đối với các nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ thi công dự án điều chỉnh chưa kịp thời (thấp hơn so với giá thông báo của nhà sản xuất, nhà cung cấp), dẫn đến tình trạng nhà thầu càng làm càng lỗ.
Ông Quý chia sẻ: Khi chúng tôi ký hợp đồng gói thầu vào thời điểm cuối 2019 giá cát là 170.000 đồng/khối thì đến nay đã lên 250.000 đồng/khối; giá đất từ 64.000 đồng/khối đến nay cũng đã hơn 90.000 đồng/khối; bê tông từ 1.500.000 đồng/khối lên 2.200.000 đồng/khối; giá dầu diesel là 19.000 đồng/lít nay đã tăng trên 29.600 đồng/lít...
“Bão giá khiến nhà thầu làm là lỗ, tuy nhiên, tại 2 cầu Hoà Bình và Quần Bội thuộc gói XL2, chúng tôi phải gồng mình chấp nhận lỗ để hoàn thành đóng cọc trong tháng này, vì nếu chậm, vào mùa mưa, hàng trăm hộ dân hạ nguồn sẽ bị ngập lụt vì không khơi thông được lòng sông", ông Quý nói với tinh thần đầy trách nhiệm.
Ông Quý cũng cho biết thêm: Tại gói XL2, hiện đang có khoảng hơn 100 đầu máy cùng với khoảng 200 cán bộ, công nhân đang tạm dừng hoạt động do bão giá vật liệu xây dựng và do các mỏ đất đóng cửa vì xe tải bị cắt thùng (kiểm soát tải trọng xe) nên không có vật liệu cấp vào công trường.
Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Hoàng Đình Luân, Chỉ huy trưởng gói XL3 (Nhà thầu Vinaconex) tâm sự: “Cứ đà này thì nhà thầu vỡ nợ mất, vô vàn khó khăn ập đến cùng lúc khiến chúng tôi kiệt sức. Bây giờ nhà thầu chỉ tính toán xem, làm thế nào đễ lỗ thấp nhấp chứ lãi là điều không thể”.
Theo ông Luân, những vướng mắc lớn nhất mà nhà thầu đang gặp phải là thiếu hụt về nhân công, giá cả xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao trong khi sự hỗ trợ từ phía địa phương, cơ quan quản lý nhà nước hiện nay còn chênh lệch lớn với thực tế,…
Ông Luân cho biết, các đơn vị phục vụ thi công, thậm chí là nhà thầu phụ sẵn sàng chập nhận nộp phạt phá vỡ hợp đồng còn hơn tiếp tục làm dự án. Bởi lẽ số tiền nộp phạt còn thấp hơn nhiều số tiền thua lỗ khi thi công.
"Ngoài ra, từ ngày 20/6, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc nói chung và tại tỉnh Thanh Hoá nói riêng đã đồng loạt ra quân xử lý vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng khiến phí vận chuyển tăng chóng mặt. Các chủ mỏ, nhà xe chấp nhận dừng hoạt động, đây mới chính là yếu tố đe doạ đến tiến độ cửa dự án thời điểm này”, ông Luân nhấn mạnh.
Lý giải về điều này, ông Luân cho hay, "nếu ngày xưa 1 xe tải chở được khối lượng gấp đôi, nhưng nay chỉ chở được 1 nửa, như vậy xe phải chở thành 2 chuyến. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, chi phí đội lên gấp đôi. Phần định mức này không thể tính toán bù đắp được mà nhà thầu phải gánh chịu. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhà thầu càng làm càng lỗ".
Để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Ban QLDA 2 kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét có các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu nhằm giảm giá bán đầu ra cho các nhà thầu thi công.
“Đối với một số vật liệu ảnh hưởng lớn đến giá trị của gói thầu như dầu diesel…cần có các chính sách bình ổn giá. Ngoài ra, các cần nghiên cứu đề xuất phương án kiến nghị địa phương xây dựng chỉ số giá riêng cho dự án, để giá vật liệu thực tế tại thời điểm thi công được cập nhật một cách chính xác nhất”, Ban Quản lý dự án 2 kiến nghị.
Đặc biệt, đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND tỉnh Thanh Hoá xem xét, có cơ chế ưu tiên đối với quá trình vận chuyển vật liệu phục vụ các dự án cao tốc Bắc - Nam nói chung, dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn nói riêng.