19/01/2025 lúc 06:56 (GMT+7)
Breaking News

"Bão giá" trên công trường cao tốc Bắc – Nam: Kỳ 3: Hạ nhiệt xăng dầu, “phao cứu sinh” cho nhà thầu xây lắp

Trong xây lắp giao thông, giá xăng dầu là yếu tố tác động lớn đến giá thành dự án. Vì thế, việc giá xăng dầu liên tục đạt đỉnh trong thời gian qua khiến nhiều gói thầu trên công trường cao tốc Bắc - Nam ngưng trệ và đội vốn từ 30-40% tổng mức đầu tư. Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài Chính - Công Thương giảm giá xăng dầu như "phao cứu sinh" giúp các nhà thầu xây lắp "vượt khó".

"Chính phủ "cứu" nhà thầu xây lắp khỏi vòng xoáy thua lỗ không lối thoát"

Vừa qua, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ 0h ngày 11/7. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 27.780 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.670 đồng/lít; dầu diesel giảm 3.022 đồng/lít còn 26.590 đồng/lít, dầu hỏa giảm còn 26.340 đồng/lít...

Dù mức giảm chưa lớn, nhưng đó là sự chia sẻ, động viên kịp thời giúp các doanh nghiệp, nhà thầu xây lắp vượt qua khó khăn trong bối cảnh bão giá như hiện nay.

Từ 0h ngày 11/7, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 3.103 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít

 

Trò chuyện với PV Việt Nam Hội nhập, ông Võ Văn Hoàng, Giám đốc gói XL03, dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt (Tập đoàn Cienco 4) cho biết: Trong thi công, giá xăng dầu là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp tới giá đất, đá, cát sỏi.

Thời gian vừa qua, do giá xăng dầu liên tục tăng đạt đỉnh, kéo theo giá nguyên vật liệu leo thang gây rất nhiều khó khăn cho nhà thầu. So với dự toán ban đầu, đơn giá gói thầu đã trượt giá trung bình 30 -40% trong khi chỉ số bù giá chưa được 10% tổng mức đầu tư.

"Đó là khoảng cách đội giá quá xa khiến nhà thầu rơi vào cảnh càng làm càng lỗ. Vì thế, việc giảm giá xăng dầu lần này rất kịp thời, giúp các doanh nghiệp xây lắp tránh rơi vào vòng xoáy thua lỗ không lối thoát", ông Hoàng nói.

Ông Hoàng Đình Luân, Chỉ huy trưởng gói XL3, cao tốc QL45 – Nghi Sơn (Nhà thầu Vinaconex)

Còn theo ông Hoàng Đình Luân, Chỉ huy trưởng gói XL3, cao tốc QL45 – Nghi Sơn (Nhà thầu Vinaconex) kỳ vọng, việc điều chỉnh giá xăng đầu kịp thời sẽ giúp công trường tìm lại sự sôi động, nhộn nhịp vốn có.

Ông Luân cũng cho biết: “Trên thực tế, giá xăng dầu giảm mới đây chưa nói lên được điều gì khi cơ quan quản lý nhà nước không thể điều chỉnh giá ngay lập tức. Giá xăng dầu cần khoảng thời gian ổn định ít nhất từ 10 – 15 ngày, từ đó mới có thể "ngấm" vào các hợp đồng kinh tế, gói thầu".

"Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ghi nhận những cố gắng, nỗ lực từ Quốc hội, Chính phủ trong việc giảm giá xăng dầu trong nước. Hy vọng thời gian tới, các cơ quan, ban ngành chức năng có những biện pháp để tiếp tục hạ nhiệt giá nhiên liệu để giảm bớt gánh nặng cho người dân cũng như các doanh nghiệp”, ông Luân nói.

Nếu có "sàn vật liệu xây dựng" như..."sàn vàng"

Nhận định chung về thị trường nhiên liệu trong thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ (chuyên gia nghiên cứu về giao thông) đánh giá: Thị trường xăng dầu trên thế giới từ năm 2020 đến nay có sự biến động rất mạnh. Giá xăng dầu bán lẻ ở Việt Nam cũng biến động theo khiến nguy cơ lạm phát tăng cao.

Đặc biệt, giá xăng dầu ảnh hưởng lớn đến giá nguyên liệu đầu vào như: Vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi… Từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến chuỗi sản xuất của cả nền kinh tế.

Riêng đối với dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam, nhiên liệu đóng vai trò rất lớn, vì giá xăng dầu tăng gây khó cho các nhà thầu thi công khiến một vài gói thầu bị đình trệ có thể ảnh hưởng đến tiến độ các dự án thành phần.

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ

 

"Trong lúc khó khăn này, Chính phủ cùng các bộ ngành đã kịp thời giảm giá xăng dầu, đây có thể coi như chiếc phao cứu sinh dành cho các doanh nghiệp đang “thoi thóp” giữa cơn bão giá”, TS Nguyễn Xuân Thuỷ nói.

Theo ghi nhận của Việt Nam Hội nhập, việc giá xăng lên, xuống liên tục cũng khiến công tác điều chỉnh đơn giá sát với hợp đồng thực tế gặp nhiều khó khăn, mức bù giá nguyên vật liệu còn cách xa so với thực tế.

Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 20/6, chính Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định, đây là việc làm thường xuyên, liên tục nhưng do giá xăng dầu tăng nhanh, khiến công tác kiểm đếm và bù giá vật liệu xây dựng chậm trễ. Mặt khác, còn nhiều khó khăn trong việc cấp mỏ đất, đá, cát tại một số địa phương. Vì thế, "giá như có sàn vật liệu xây dựng như... sàn vàng mới có thể giải quyết được", Bộ trưởng chia sẻ.

Gỡ vướng bù giá vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam

Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho biết: Theo tôi khó khăn của cao tốc Bắc – Nam hiện nay một phần xuất phát từ sơ hở của Bộ GTVT và Bộ Xây dựng trong ký kết hợp đồng ban đầu, khâu dự báo về giá nguyên vật liệu thiếu kinh nghiệm nên dự báo còn thấp so với thực tế.

"Chúng ta cần thực hiện đúng theo Luật Đấu thầu, nếu nhà đầu tư sai thì nhà đầu tư phải tự thay đổi, Trung ương sai thì Trung ương phải thay đổi. Chỉ có làm như vậy, cao tốc Bắc – Nam mới có thể hoàn thành được”, ông Thuỷ nói.

Chuyên gia kinh tế - PGS - TS. Ngô Trí Long

 

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế, PGS - TS. Ngô Trí Long lại cho rằng, việc giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao là một trong rủi ro về giá trong bất kỳ thực hiện dự án nào và cao tốc Bắc – Nam cũng không ngoại lệ.

Trong tình hình chung hiện nay khi giá nguyên vật liệu thế giới đều tăng cao thì Việt Nam cũng không thể kiểm soát được nên phải chấp nhận. Việc tăng giá này một phần cũng do dịch bệnh và chiến tranh tại Ukraina, do vậy, rủi ro này cần phải được Chính phủ chia sẻ với các nhà thầu khi triển khai các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam hay các dự án hạ tầng nói chung.

“Thực tế Nhà nước đã có phương án hỗ trợ, điều chỉnh đơn giá với dự án cao tốc Bắc – Nam, tuy nhiên mức điều chỉnh rõ ràng chưa sát với thực tế. Trước biến động của thị trường nhiên, vật liệu, đòi hỏi các cơ quan vào cuộc để chia sẻ hơn với các doanh nghiệp, nhà thầu”, PGS - TS. Ngô Trí Long nói.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, cần phải nhìn nhận rằng, địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhập bảng giá mới và bù đắp trượt giá vật liệu xây dựng cho nhà thầu. Tuy nhiên, phía địa phương chưa tập trung và thiếu nhân lực thực hiện công tác này khiến nhiều nhà thầu xây lắp điêu đứng, càng làm càng lỗ.

"Ngoài ra, cần có sự tham gia hơn nữa của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính trong việc công bố giá vật liệu xây dựng để làm cơ sở điều chỉnh giá cho các dự án", ông Long nói.

Đinh Tịnh - Nguyễn Lâm