19/12/2024 lúc 08:21 (GMT+7)
Breaking News

Xuất khẩu tăng cao: Phòng vệ thương mại càng cần được coi trọng

Tính đến hết tháng 4/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Ảnh minh họa - Internet

Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Để bảo vệ hàng hoá Việt Nam trước các nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, đòi hỏi sự sát sao, đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước.

Dẫn chứng thực tế, năm 2021, cùng với kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 336 tỷ USD, đưa Việt Nam đã trở thành 1 trong số 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới thì các vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhiều mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng.

Nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu nhiều loại hàng hoá sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia...

Chẳng hạn như trong một số vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn đều không bị áp thuế chống bán phá giá (như cá tra-basa, tôm, lốp xe). Trong hầu hết các vụ việc Canada điều tra chống trợ cấp đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan điều tra của Canada đều có kết luận chung là doanh nghiệp của Việt Nam không nhận trợ cấp hoặc nhận được trợ cấp với mức độ không đáng kể.

Úc đã chấm dứt nhiều vụ việc như vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp ống thép chính xác, chống bán phá giá dây đai thép phủ màu, ống đồng... Ấn Độ, Malaysia, Indonesia cũng lần lượt chấm dứt các vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với ván gỗ MDF, nhựa PET, tôn lạnh ... Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, xử lý trong giai đoạn điều tra ban đầu, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các hiệp hội tổ chức các buổi hội thảo tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục rà soát thuế chống bán phá giá hàng năm của nước ngoài để giúp các doanh nghiệp thay đổi, giảm thiểu được mức thuế trong các giai đoạn tiếp theo của vụ việc. Không chỉ giải quyết ở cấp độ song phương, Việt Nam cũng đã tiến hành khiếu nại 5 biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó có 4 vụ việc đã có phán quyết với kết quả tích cực cho Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng thì công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu. Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đến kết quả xuất khẩu.

Đặc biệt, để các doanh nghiệp có thể chủ động hơn nữa trong việc xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Bộ Công Thương nhấn mạnh, công tác nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tăng cường thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý phòng vệ thương mại cho các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa../.

... Theo vov.vn