27/04/2024 lúc 22:14 (GMT+7)
Breaking News

Xuân Nguồn Cội Trong Văn Hóa Việt

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là điều vô cùng cần thiết. Trong đó những phong tục, tập quán tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền chính là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, hệ giá trị, đạo đức, thẩm mỹ của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Nhưng đảm bảo điều căn cốt ấy không có nghĩa là “đóng kín cửa”, không có sự hội nhập về văn hóa…

XUÂN NGUỒN CỘI 

Những sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam ta trước, trong và sau Tết Nguyên đán ở khắp các miền quê từ thành thị đến nông thôn, miền ngược đến miền xuôi là những biểu hiện sinh động của nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc;  đồng thời khẳng định Tết Nguyên đán là biểu hiện rõ nhất bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là kho tàng các giá trị văn hóa vô cùng phong phú đã được các thế hệ tổ tiên hình thành, đúc kết và trao truyền từ đời này qua đời khác, như: ca dao, hò vè, các tín ngưỡng dân gian, các lễ hội, các loại hình diễn xướng như múa rối, ca trù, trống quân, hát xẩm... Đó cũng chính là những biểu hiện sinh động về nguồn cội văn hóa dân tộc.

 

Văn hóa Tết ở Việt Nam bao gồm những biểu hiện cả trong văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể, nhưng tất cả đều đưa đến nét đẹp đời sống tinh thần của con người. Tết là dịp tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới với những ước mong và kỳ vọng về những điều tốt đẹp hơn năm cũ. Tết cũng là dịp mà mỗi người được bồi đắp thêm những tri thức, kinh nghiệm của cha ông, hiểu nhiều hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống, những bài học đạo lý, cách đối nhân xử thế thông qua những trải nghiệm, thực hành văn hóa cùng ông bà, cha mẹ, người thân... Vui Tết, ta lại nhớ đến bài hát vui nhộn của nhạc sĩ Phạm Đình Chương: Tết Tết Tết Tết đến rồi… Tết đến trong tim mọi người. Và: Mừng ngàу Tết trên khắp quê tôi/ Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi/ Đàn em thơ khoe áo mới/ Chạу tung tăng vui pháo hoa/ Mừng ngàу Tết trên khắp quê tôi/ Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam/ Dù đi đâu ai cũng nhớ/ Về chung vui bên gia đình… Đó cũng là văn hóa, tạo nên đỉnh cao của niềm phấn khích, của niềm vui đoàn tụ khi Tết đến Xuân về.

Người Việt Nam vốn nặng tình, trọng nghĩa nên cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, ai cũng vậy, nhất là đối với những người xa xứ, lại luôn trào dâng những cảm xúc bâng khuâng, nỗi nhớ gia đình, quê hương, nơi có ông bà, cha mẹ, người thân đang chờ đợi để được gặp lại những người con xa quê trở về đúng vào dịp Tết cổ truyền. Tính chất thiêng liêng của Tết cổ truyền thể hiện rõ trong những nghi thức tâm linh mà người Việt chuẩn bị và thực hiện trước và trong Tết, như Lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), lễ cúng tất niên, Lễ đêm giao thừa… đến những nghi thức tế lễ trời đất, thánh thần, tỏ lòng biết ơn; góp phần tích cực khơi dậy những khát vọng của con người về cái đúng, cái thiện, cái đẹp cùng những mong ước, hy vọng vào cuộc sống tốt lành trong năm mới.

Việc giữ gìn và trân quý những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết cổ truyền chính là góp phần gìn giữ nguồn cội, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu con người, yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai. Và mỗi khi những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc được lan tỏa trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam, thì nó sẽ trở thành nguồn lực nội sinh to lớn, tạo động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày nay, với nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh phần lớn người dân, gia đình Việt Nam vẫn duy trì nhiều tập tục văn hóa tốt đẹp của Tết Nguyên đán, thì cũng xuất hiện ý kiến trái chiều về việc giữ gìn nét đẹp cổ truyền này, thậm chí tuy không nhiều, nhưng cũng có tiếng nói đề nghị bỏ Tết Nguyên đán, chỉ nên có Tết Dương lịch cho hòa nhập với thế giới (!). Mặt khác, trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, cũng có những phong tục đẹp của Tết cổ truyền đã bị mai một, biến tướng, làm sai lệch bản chất tốt đẹp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng... Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải nhìn nhận Tết Nguyên đán là một trong những di sản văn hóa, là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, xứng đáng được gìn giữ, phát huy, phát triển những giá trị tốt đẹp.

Tuy nhiên, khi xã hội phát triển thì những phong tục, tập quán truyền thống cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Bên cạnh việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc, cũng cần phê phán, lên án, đấu tranh loại bỏ những hủ tục trong dịp Tết Nguyên đán, để cho các giá trị văn hóa tốt đẹp của ngày Tết ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thời đại mới. 

Tết hội nhập

Trong thời đại ngày nay, hội nhập – bao gồm cả hội nhập văn hóa, đã trở thành một xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển đất nước. Song song với việc gìn giữ, bảo tồn, duy trì những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam, việc mở cửa để hội nhập và tiếp cận, thậm chí là tiếp nhận những nét hay, nét đẹp của văn hóa bên ngoài, nhất là từ các nước phát triển, cũng là cách để làm phong phú hơn đời sống văn hóa, phù hợp với thời đại và góp phần để đất nước phát triển mạnh hơn, nhanh hơn.  Hội nhập thường đi đôi với việc thay đổi cái cũ, tập tục cũ lạc hậu bằng cái mới phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại; hay chí ít là từ bỏ những biểu hiện văn hóa lạc hậu, nhất là những biểu hiện mang tính hủ tục, phản khoa học vốn làm hạn chế về tư duy, nhận thức của con người trong điều kiện mới. Cũng không nên phô trương, hoang phí trong mấy ngày Tết. Niềm vui trọn vẹn của những ngày đầu năm sẽ ấn tượng theo ta đi suốt mười hai tháng. Dù cho còn nhiều nhọc nhằn vất vả, nhưng ai cũng mang trong mình những kỷ niệm đẹp về Tết. Tết vui tươi mà nhẹ nhàng, thiết nghĩ, là điều đáng giữ nhất.

Hội nhập văn hóa là quá trình con người tìm hiểu các động lực của các nền văn hóa các quốc gia bên ngoài và chọn lọc, tiếp thu các giá trị và chuẩn mực phù hợp với nền văn hóa và thế giới quan của nước mình. Nó xuất phát từ sự giao lưu văn hóa nhằm làm phong phú hơn đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa nói riêng và của cả xã hội nói chung. Mà đã là hội nhập thì không có sự tách rời với xu thế phát triển của nhân loại. Nhưng như ta vẫn thường nói: “hòa nhập nhưng không hòa tan”, quá trình đó không được để diễn ra tình trạng chỉ chạy theo những trào lưu, những xu thế thời thượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, mà vô tình hoặc cố ý lãng quên những giá trị thuộc về cốt cách, bản sắc tốt đẹp của con người mình, dân tộc mình.

Lịch sử cho thấy, nước ta đã trải qua rất nhiều cuộc tiếp biến văn hóa và không phải là không chịu ảnh hưởng lớn của nền văn hóa các nước khác, nhưng nhân dân ta đã không tiếp thu nó một cách thụ động mà có sự chon lọc và sáng tạo, biến những tinh hoa văn hóa thế giới thành những đặc điểm riêng của nền văn hóa nước ta và duy trì nó trong đời sống cộng đồng. 

Về vấn đề hệ trọng này, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã có Nghị quyết về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết khẳng định: «Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc». Cho nên, giữ gìn bản sắc văn hóa luôn là một yêu cầu khách quan và càng cần thiết trong thời kỳ hội nhập ngày nay.

Vậy làm thế nào để “văn hóa hoà nhập mà không hoà tan?”. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để làm được điều đó, từ góc độ quốc gia phải hình thành nên hệ thống luật pháp và chính sách nhằm thúc đẩy, bảo vệ những giá trị văn hóa của mình. Chỉ khi có sự tự tin trong quá trình hội nhập, thì chúng ta mới thành công trong quá trình hội nhập quốc tế. Một mặt, tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp từ thế giới, mặt khác chúng ta cũng giới thiệu văn hóa của mình, giới thiệu những sản phẩm, giá trị của dân tộc mình ra thế giới. Mặt khác, chúng ta cần có ý thức để bảo tồn những nét riêng, nhưng vẫn thụ hưởng, giao lưu với văn hóa chung theo nhịp sống toàn cầu, theo xu thế mang tính qui luật. Muốn làm được vậy, phải chuẩn hóa giá trị của mình; phải phân biệt được đâu là giá trị, phong tục, nghi thức tốt đẹp cần giữ gìn, phát huy; đâu là hủ tục và tập tục lạc hậu cần bỏ… Hội nhập văn hóa là như vậy.

Đúng là không phải tất cả các phong tục, tập quán liên quan đến tết đều còn phù hợp, có những điều cần sự thay đổi; đúng như Bác Hồ đã nói: “Cái gì tốt thì gìn giữ, cái gì xấu thì bỏ, cái gì chưa phù hợp thì sửa đổi cho phù hợp”.  Quan trọng là bản sắc riêng và vẻ đẹp của Tết Việt vẫn tồn tại và luôn được giữ gìn đúng nghĩa.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện văn hóa lớn mang tầm vóc quốc gia và quốc tế. Qua đó, những tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng một nền văn hóa cách mạng đã thực sự tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần dẫn dắt đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhờ vậy, văn hoá Việt Nam dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ vững bản lĩnh, cốt cách, tinh thần dân tộc, trong khi vẫn tạo cho văn hóa có được sự hội nhập tích cực, phù hợp.

 Đ.Đ.C

 

...