01/04/2025 lúc 09:21 (GMT+7)
Breaking News

Bảo tồn trang phục truyền thống Việt Nam trong thời đại số

Trang phục truyền thống không chỉ là nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia mà còn ghi dấu những giá trị lịch sử, nghệ thuật và thẩm mỹ. Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống Việt Na đòi hỏi những giải pháp sáng tạo, kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại để đưa những giá trị này đến gần hơn với công chúng.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXe__CYhgHW3Ke1ItmVra5ZOol-Zmvzdu-iQy6F-qly40iDZovheHpzew9MZiCKOdqdeqxAJ1dehnDHWmCzd5wCErWxQN1OMqgfvfU4X0asyWB0jk1QpxhdukRry324NE4CWCsdAug?key=wfQDyn1UTLnXenWvFTpjx9h0

Trang phục truyền thống Việt Nam là một kho tàng văn hóa vô giá, thể hiện sự đa dạng và mang đậm bản sắc của các dân tộc, vùng miền trên cả nước. Thế nhưng, thực tế đáng buồn là trang phục truyền thống Việt Nam đang dần mất đi vị thế trong đời sống hiện đại, nhường chỗ cho những xu hướng thời trang nhanh chóng và tiện lợi. Áo dài, biểu tượng quốc phục, giờ đây chỉ còn xuất hiện trong những dịp lễ tết hoặc sự kiện đặc biệt, thay vì trở thành trang phục hàng ngày như trước đây. Trang phục thổ cẩm của các dân tộc thiểu số, với những hoa văn và kỹ thuật dệt độc đáo, đang dần bị thay thế bởi các loại trang phục công nghiệp, đánh mất đi bản sắc văn hóa đặc trưng.

Tại nhiều bản làng dân tộc thiểu số, trang phục truyền thống gần như vắng bóng, chỉ còn xuất hiện trong bảo tàng, phim ảnh hoặc sân khấu. Tuy nhiên, trên sân khấu, trang phục thường bị biến tấu, tối giản hoặc thậm chí bị làm sai lệch do thiếu tư liệu hoặc sự cẩu thả, gây ra những hiểu lầm về bản sắc văn hóa. Nguyên nhân cho sự mai một của các trang phục truyền thống xuất phát từ nhận thức của chính chủ thể văn hóa và sự phát triển của xã hội, trong đó có sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến các cộng đồng dân cư. Sự giao thoa và ảnh hưởng văn hóa đã dẫn đến sự thay đổi trong lối sống và trang phục của người dân. Nhiều người cảm thấy trang phục truyền thống dân tộc mình vướng víu, bất tiện và không phù hợp với cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, giới trẻ lo ngại bị coi là lỗi thời khi diện các trang phục truyền thống của dân tộc.

Công nghệ số đang nổi lên như một giải pháp tiềm năng để bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống Việt Nam. Việc số hóa và lưu trữ dữ liệu giúp bảo quản các mẫu trang phục truyền thống một cách an toàn và hiệu quả, tránh khỏi sự hư hỏng do thời gian và môi trường. Các cơ sở dữ liệu trực tuyến giúp các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế và công chúng dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về trang phục truyền thống, đồng thời tạo ra một nguồn tài liệu phong phú cho việc nghiên cứu và sáng tạo.

Công nghệ 3D và thực tế ảo giúp tái hiện và phục dựng các mẫu trang phục truyền thống đã bị mất mát hoặc hư hỏng, mang lại cơ hội chiêm ngưỡng và tìm hiểu về vẻ đẹp của trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ. Mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến giúp quảng bá trang phục truyền thống đến đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ thông qua các hình ảnh, video và câu chuyện hấp dẫn. Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ cho phép người dùng tương tác trực tiếp với các mẫu trang phục, thử nghiệm và tạo ra các bộ trang phục ảo, giúp người dùng có những trải nghiệm độc đáo và thú vị. Ngoài ra, các dự án nghiên cứu và phát triển các vật liệu và kỹ thuật mới trong thiết kế trang phục truyền thống của một số nhóm bạn trẻ cũng được đẩy mạnh, nhằm tạo ra những sản phẩm trang phục truyền thống mang tính ứng dụng cao và phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Vào năm 2021, Dự án "Đồng bào Việt phục" do nhóm sinh viên Đại học FPT thực hiện đã phát triển thành một dự án cộng đồng phi lợi nhuận độc đáo. Bằng cách kết hợp sách in truyền thống với công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), dự án đã tái hiện sống động trang phục của 54 dân tộc Việt Nam. Người dùng chỉ cần quét mã QR trên trang sách bằng điện thoại để xem hình ảnh 3D của các nhân vật trong trang phục truyền thống, kèm theo âm thanh và hoạt động chân thực.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXcGvg3vKaYmgkXiOfOWWshSwKYwhyvZ4cqsNJjN5r19Z0pcJjAhSDIv03HymxXsUoxH6BPaFegPiMa7eXyEcGf8RLCWjCeWxVlRKZ2WIjwxxhjeA8y7m64mPK34zljIkM5cRwwiDA?key=wfQDyn1UTLnXenWvFTpjx9h0

Hình ảnh trang phục dân tộc Pà Thẻn trong dự án “Đồng bào Việt phục” do nhóm các bạn trẻ sinh viên FPT thực hiện.

Sách cung cấp thông tin chi tiết về chất liệu, họa tiết và ý nghĩa của từng bộ trang phục, đặc biệt là của các dân tộc thiểu số. Với thông điệp "Nét đẹp bên ngoài được hình thành từ bên trong", dự án mong muốn truyền tải vẻ đẹp và sự đa dạng văn hóa của Việt Nam thông qua trang phục truyền thống.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân và sự hỗ trợ của công nghệ số, trang phục truyền thống Việt Nam đang dần lấy lại vị thế trong đời sống hiện đại. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Nguyễn Trọng Hải

...