02/04/2025 lúc 05:18 (GMT+7)
Breaking News

Giới trẻ lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong thời đại hội nhập

Trong xu thế toàn cầu hóa, giới trẻ Việt Nam vừa tiếp thu tinh hoa thế giới vừa lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống. Bằng sự sáng tạo và nhiệt huyết, họ làm sống động di sản, khẳng định văn hóa truyền thống không chỉ thuộc về quá khứ mà còn là động lực cho tương lai.

Các trường học đã bắt đầu giáo dục cho học sinh, những mầm non tương lai của đất nước, về những giá trị văn hóa truyền thống ngay từ khi còn nhỏ. Các tiết học lịch sử, văn hóa được lồng ghép một cách sinh động, hấp dẫn, giúp các em dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ. Các hoạt động ngoại khóa như tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, hay tham gia các lễ hội truyền thống, cũng được tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội cho các em được trải nghiệm và khám phá những nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Đặc biệt, các trường học còn chú trọng đến việc giáo dục các em về ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Các em được học về tầm quan trọng của việc giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc, và được khuyến khích tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa của địa phương. Điều này giúp các em hình thành ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc ngay từ khi còn nhỏ. Vừa qua, trường Tiểu học Tây Mỗ đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh "Quê hương Tây Mỗ qua nét vẽ trẻ thơ". Cuộc thi đã thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của gần 1600 học sinh và đội ngũ giáo viên của trường. Hoạt động được tổ chức với mong muốn khơi dậy tình yêu quê hương đất nước và giáo dục thế hệ trẻ về việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Bên cạnh đó các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã và đang nỗ lực tạo ra những không gian văn hóa truyền thống, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa dân tộc trước những thách thức của quá trình hội nhập văn hóa. Một số trường cũng đã và đang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên. Đại học Văn hoá Hà Nội tổ chức "Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam", thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia, tìm hiểu về văn hóa của 54 dân tộc anh em. Bên cạnh đó, Đại học Văn hóa Hà Nội cũng có các câu lạc bộ như CLB Ca trù, CLB Quan họ, nơi sinh viên được học hỏi và thực hành các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhiều sinh viên đã thành lập các câu lạc bộ, đội nhóm để cùng nhau tìm hiểu, thực hành và lan tỏa văn hóa truyền thống.

Nhiều ca sĩ trẻ đang tạo ra xu hướng mới trong làng nhạc Việt bằng cách đưa âm nhạc dân gian và chất liệu truyền thống vào các sản phẩm âm nhạc hiện đại. Đây không chỉ là cách để tạo dấu ấn riêng mà còn là cầu nối giúp giới trẻ tiếp cận và yêu thích âm nhạc truyền thống. Việc làm mới âm nhạc dân tộc bằng cách kết hợp giữa yếu tố truyền thống và đương đại, cũng như sự hợp tác biểu diễn giữa nghệ sĩ gạo cội và ca sĩ trẻ, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và các chương trình âm nhạc. Một số ca sĩ trẻ đã gặt hái thành công đáng kể với phong cách này, có thể kể đến Hoàng Thùy Linh, Hà Myo, Hòa Minzy... Sự pha trộn giữa âm nhạc dân gian với các thể loại như pop, rap, world music... cũng tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo, ví dụ như “Về nghe mẹ ru” của NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng, “Xẩm Hà Nội” của Hà Myo, hay “Giao duyên - Ngồi tựa mạn thuyền” của Quân AP.

Video ca nhạc “Bắc Bling” của ca sĩ Hoà Minzy, kết hợp cùng Tuấn Cry và NSƯT Xuân Hinh, tiếp tục khẳng định sức hút mạnh mẽ khi giữ vững vị trí số một với hơn 60,2 triệu lượt xem. "Bắc Bling" không chỉ là một sản phẩm âm nhạc đơn thuần mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa yếu tố văn hóa truyền thống và xu hướng hiện đại. Những hình ảnh đặc trưng của văn hóa Bắc Bộ như trang phục quan họ, áo dài, nón quai thao hay kiến trúc đình làng được lồng ghép khéo léo, tạo nên một không gian nghệ thuật vừa hoài cổ vừa tươi mới. Sự hòa quyện giữa âm nhạc trẻ trung, sôi động với giá trị văn hóa truyền thống đã giúp "Bắc Bling" trở thành một sản phẩm ấn tượng, thu hút đông đảo khán giả và lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng trực tuyến.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXcUllY6vV-xm5328C9Le4foEY3E_LfgutOudC_Ad_mxIm7lRvZdJ7TvQjmunucUB_XiELTU3rTISZdhcQEfS5Ck7CPEDmH2Ca_RQGxZi549LINr3NepN5qMsEHI8xBrFufDyCwQNA?key=KL1XZ2KKqJ_wo0Nh2IzRWI9c

MV "Bắc Bling" sử dụng các hình ảnh văn hóa truyền thống tạo nên sản phẩm âm nhạc mang phong cách trẻ trung và hiện đại.

Trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” đình đám, bài hát "Trống cơm" do ba nghệ sĩ "Nhà Sao sáng" là NSND Tự Long, Soobin và Cường Seven trình bày đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng yêu nhạc. Nhiều khán giả nhận xét rằng, màn trình diễn này đã mang đến một luồng gió mới, đầy sức sống cho một tác phẩm dân gian quen thuộc. Trên sân khấu, sự kết hợp giữa không gian đậm chất truyền thống và những động tác vũ đạo hiện đại, mạnh mẽ đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả trẻ. Sự hòa quyện giữa âm nhạc dân gian với tiếng trống cơm, tiếng đàn bầu và các yếu tố hiện đại như R&B, rap... đã làm mới hoàn toàn ca khúc "Trống cơm" vốn là một phần của dân ca quan họ Bắc Ninh. Một tác phẩm kết hợp hài hòa giữa văn hóa vùng miền và yếu tố hiện đại, đầy năng lượng chắc chắn sẽ chinh phục được đông đảo người nghe.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXeOl8QKyiTZaCRk9VnyOHtNm8VcwwGkydswXfHJwy0lCdLHbbZw1YkgVT5Zs1VK4TnnAmlrCVkz-vr8iq0i9HBK5r8jC4n5xdJWFa2xdEPSTEz8LVKL4nLpcZYvtaG-wmUuTzcYDg?key=KL1XZ2KKqJ_wo0Nh2IzRWI9c

Tiết mục "Trống cơm" đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng yêu nhạc. Sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm nghệ thuật chính là minh chứng cho việc văn hóa dân tộc không hề khô cứng hay lỗi thời, mà hoàn toàn có thể được làm mới, sáng tạo để phù hợp với thị hiếu của khán giả trẻ, đồng thời vẫn giữ được bản sắc riêng biệt.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc lan tỏa văn hóa truyền thống đối mặt với những thách thức không nhỏ. Sự tràn lan của văn hóa ngoại lai, đặc biệt là văn hóa đại chúng, khiến một bộ phận giới trẻ có xu hướng xa rời các giá trị truyền thống. Sự thiếu hụt không gian văn hóa truyền thống, đặc biệt là tại các đô thị lớn, hạn chế cơ hội tiếp xúc và trải nghiệm văn hóa truyền thống của giới trẻ. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống còn nhiều hạn chế.

Cần có sự chung tay của toàn xã hội. Tăng cường giáo dục về văn hóa truyền thống trong nhà trường và gia đình, giúp giới trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của văn hóa dân tộc. Chúng ta cũng cần tạo ra các không gian văn hóa truyền thống hấp dẫn, hiện đại, phù hợp với sở thích của giới trẻ. Khuyến khích sự sáng tạo của giới trẻ trên nền tảng truyền thống, tạo ra những sản phẩm văn hóa mới mẻ, độc đáo. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư nguồn lực cho các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, đặc biệt là các hoạt động do giới trẻ thực hiện.

Nguyễn Trọng Hải

...