09/09/2024 lúc 08:15 (GMT+7)
Breaking News

Yếu tố văn hóa trong hội nhập

Song hành cùng với công cuộc đổi mới của đất nước ta gần bốn mươi năm qua là sự chủ động hội nhập quốc tế, mà đến nay đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Bên cạnh từng bước trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển, cơ cấu kinh tế được chuyển địch theo hướng tích cực thì tiến trình hội nhập văn hóa cũng đồng thời diễn ra như là một quá trình tất yếu. Đi đôi với việc chủ trọng hội nhập kinh tế thì cũng không thể xem nhẹ hội nhập văn hóa.

Coi nhẹ hội nhập kinh tế thì đất nước sẽ chậm ra khỏi một nền kinh tế nghèo, coi nhẹ hội nhập văn hóa đôi khi lại nguy hiểm hơn bởi có thể bị các nền văn hóa khác đồng hóa.  Vì vậy, bên cạnh chiến lược phát triển kinh tế với phương châm tích cực hội nhập quốc tế, thì chúng ta cũng có chiến lược phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tất nhiên, đậm đà bản sắc dân tộc không hoàn toàn đóng cửa nền văn hóa, mà chủ động chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú, giàu có thêm, hiện đại hơn nền văn hóa của dân tộc mình.

Xung quanh nội dung này, có nhiều điều để nói, trước tiên là vấn đề giao lưu văn hoá (GLVH) trong hội nhập. Không thể phủ nhận, giao lưu văn hoá là một quy luật của thời đại, là hiện tượng phổ biến của xã hội văn minh. Nhờ GLVH đúng hướng mà các nước chậm phát triển có cơ hội trở thành nước phát triển. Trong mọi hoạt động văn hóa Ðảng và Nhà nước ta luôn quán triệt phương châm kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Khi mở cửa giao lưu với bên ngoài, chúng ta được tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật của nhiều quốc gia, nhiều nền văn hoá như các dòng nhạc cổ điển, các làn điệu múa dân gian, các trường phái hội hoạ v.v...Các sản phẩm nghệ thuật đó, nhất là các tác phẩm cổ điển là những "sứ giả" quan trọng trong việc truyền bá văn hóa nước ngoài đến với trong nước. Trong quá trình tiếp thu cái bên ngoài, cần đề phòng tâm lý sính ngoại, phục ngoại vô cớ; mặt khác, cũng tránh tâm lý khép kín, coi thường những giá trị các dân tộc. Thái độ đúng đắn nhất khi tiếp nhận cái đẹp, cái hay của thế giới là sự đón tiếp trọng thị, thái độ thưởng thức thể hiện sự văn minh, lịch sự, có văn hoá… Tránh tình trạng đã từng xảy ra,  khi các đoàn nghệ thuật của nước ngoài đến biểu diễn ở một số địa phương của nước ta, nhân một dịp lễ, hội hay giao lưu văn hoá nào đó, trong khi họ phô diễn, cống hiến hết mình những gì gọi là tinh tuý của văn hoá nước họ cho chúng ta thưởng thức, thì đôi khi, lại được “đáp lễ” bằng sự thờ ơ, lạnh nhạt của người xem. Điều đó tạo ra hình ảnh thiếu thân thiện của một dân tộc bản chất vốn rất gần gũi, dễ hoà đồng như dân tộc ta, từ đó để lại ấn tượng không hay của  họ về đất nước, con người Việt Nam. Tất nhiên, có những cái đối với chúng ta đôi khi là xa lạ, khó hiểu, nhiều người cho là cao siêu, là hàn lâm, bác học nhưng ngay cả đối với văn hoá trong nước, cũng có người không thích tuồng nhưng thích cải lương, không thích chèo nhưng thích kịch nói v.v…Nhưng một khi họ đem tinh hoa văn hoá nghệ thuật của họ đến với chúng ta thì thái độ ứng xử phải thể hiện sự tôn trọng, nét văn hoá văn minh của con người Việt Nam.

GLVH là sự đối thoại giữa các nền văn hóa nhiều khi đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định cho mối quan hệ giữa các quốc gia, các địa phương, nền văn hoá, vì mục tiêu phát triển cùng có lợi. Quá trình GLVH cần tính đến giá trị chung, giá trị nhân loại, đồng thời thừa nhận cái khác biệt của người, để các dân tộc khác thừa nhận cái khác biệt của ta. Vấn đề còn lại là bản sắc, bản lĩnh, đạo lý dân tộc. Và trên hết là sự ứng xử văn hoá, thái độ trọng thị trong giao tiếp văn hoá giữa các nền văn hoá với nhau, từ đó nâng cao được ý nghĩa và giá trị của văn hóa trong hội nhập với thế giới.

Một người bạn của tôi đi dự Festival Huế cách đây cũng đã khá lâu,  khi về cứ băn khoăn mãi về chuyện mấy đoàn nghệ thuật nổi tiếng của nước ngoài được  mời đến biểu diễn trong dịp Festival, phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng khán giả. Có những buổi, diễn viên thì miệt mài diễn, mồ hôi mô kê nhễ nhại mà người xem thì lèo tèo hoặc có mặt nhưng không chú tâm vào chuyện thưởng thức. Oái oăm là, muốn vào xem phải  mua vé với giá không phải là thấp vào thời điểm lúc bấy giờ. Lịch diễn đã lên và cứ như vậy người diễn cứ diễn, người xem vắng cứ vắng!? Hay như ở Đà Nẵng, đã có trường hợp, đoàn nghệ thuật của một nước châu Á đến biểu diễn ở thành phố trong một chương trình hợp tác giữa 2 địa phương, buổi biểu diễn được đưa vào một hội trường có sức chứa “khiêm tốn” nhất thành phố, không bán vé, chỉ phát hành giấy mời để đảm bảo có đủ số lượng khán giả, tuy nhiên vẫn có những vị khách mời đưa vé cho con cháu đi, dẫn đến tình trạng những khán giả bất đắc dĩ này không tập trung vào thưởng thức mà chạy nhảy, nói chuyện hoặc bỏ về nửa chừng, làm giảm đi ý nghĩa của buổi biểu diễn, tạo nên hình ảnh không đẹp mắt cho lắm…Ở một trường hợp khác, khi bạn đưa đoàn nghệ thuật dân tộc đặc sắc qua diễn ở ta, thì ta lại đáp từ bằng một chương trình với những tiết mục ca múa nhạc mang tính hiện đại, phong cách Hip- Hop, chẳng mang chút bản sắc dân tộc chút nào, hoặc có cũng chỉ loáng thoáng vài tiết mục, không gây ấn tượng gì…

Một hiện tưởng cũng có dấu hiệu đang trở thành xu thế, trào lưu, nhất là trong giới văn nghệ sỹ trẻ hiện nay là muốn thể hiện sự “hội nhập” của mình với thế giới qua việc lấy nghệ danh bằng tiếng nước ngoài nghe rất xa lạ, có khi là “nửa ta nửa tây”, có khi là 100% là tây. Đó còn là là những ca khúc “thuần Việt” tức là bài hát tiếng Việt, tác giả người Việt, tựa đề Việt nhưng xen lẫn vào lời của bài hát là một vài câu tiếng Anh nghe thật lạc lõng, thậm chí là vô duyên. Điều đó chẳng giúp nâng tầm giá trị của bài hát mà chỉ thể hiện sự sinh ngoại một cách vô lối. Vì kiểu sáng tác “lai tạp” này mà đã có trường hợp ca sỹ hát trên truyền hình bài hát Việt nhưng màn hình có hiện lên một vài đoạn phụ đề tiếng...Việt do đến đoạn ca sỹ hát tiếng Anh!?

Một yếu tố nữa cũng nên đề cập là văn hoá ứng xử trong hội nhập quốc tế. Đơn cử, khi lĩnh vực Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước ta. Một trong các yếu tố làm cho du khách, bạn bè quốc tế cảm thấy yên tâm, thích thú và yêu mến một địa phương, một quốc gia nếu tạo cho họ những cảm nhận, ấn tượng tốt ngày từ cái tiếp xúc đầu tiên, thậm chí là chưa đặt chân xuống sân bay, bến tàu. Văn hoá ứng xử có thể được kiểm chứng ngay từ khi bước lên máy bay của một hãng hàng không của nước ta, nếu bắt gặp những tiếp viên hàng không luôn tươi tắn với thái độ phục vụ chuyên nghiệp, rất nhã nhặn, chân thành, thể hiện ở sự ân cần, trong nụ cười, ánh mắt lúc nào cũng thường trực trên khuôn mặt của mỗi người, điều đó chắc chắn sẽ làm cho những ai lần đầu đến Việt Nam cảm thấy dễ chịu và có cảm tình về nơi họ đến khi được chào đón một cách “không chính thức” như vậy. Điều cần quan tâm là việc tiếp cận, hòa nhập với văn hóa của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ để biết cách “đối nhân xử thế” cho phù hợp mới khi du khách đặt chân đến Việt Nam. Lấy dẫn chứng ở Đà Nẵng, năm 2017, Thành phố đã từng thực hiện “Chiến dịch nụ cười” để chào đón sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra rất thành công. Ngoài ra, ở Đà Nẵng còn có một cách ứng xử rất văn minh đối với du khách mỗi khi đến thành phố đó là chiến dịch “Thoải mái như ở nhà – Comfort as home”, tạo điều kiện cho tất cả mọi người thoải mái sử dụng nhà vệ sinh tại các khách sạn, nhà hàng và bất cứ nơi nào có logo này thì mọi người cứ “tự nhiên như ở nhà”…

Một yếu tố văn hóa liên quan khá mật thiết đến du lịch nữa là “Văn hóa ẩm thưc”. Ẩm thực có thể xem là một trong 4 điều kiện căn bản nhất để thỏa mãn nhu cầu của du khách trong một chuyến đi là: “chơi gì, ăn gì, ngủ ở đâu và mua cái gì về nhà”. Thực tế cũng cho thấy, trong tổng doanh thu mà du lịch mang lại thì lĩnh vực ăn uống chiếm một tỉ trọng không nhỏ. Miếng ăn không phải hàng đầu, nhưng khi ăn uống được kết tinh nâng tầm văn hóa thì càng là yếu tố quan trọng để níu chân du khách. Một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú nếu được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước… sẽ là cầu nối du khách với mỗi địa phương, quốc gia và tất nhiên là nó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, mang hình ảnh quốc gia đến bạn bè quốc tế.

Một loại hình văn hóa nữa có liên quan không ít đến du lịch là “văn hóa giao thông”. Đối với du khách nước ngoài đến du lịch ở Việt Nam, nhất là khách đến từ các quốc gia Âu-Mỹ, vấn đề Văn hóa giao thông có ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý của họ. Sự lộn xộn trong giao thông, hè phố không có lối đi, phải đi xuống lòng đường,  tiếng còi xe inh ỏi v.v… cảm giác bất an cho du khách, ít nhiều khiến họ cảm thấy không được thoải mái khi lưu thông trên các con đường trong đô thị, nhất là khi đi bộ. Vì vậy, văn hóa giao thông tốt, thể hiện dân trí cao, ý thức cao cũng là một điểm sáng để tạo thiện cảm của du khách.

Để đất nước hội nhập với thế giới một đòi hỏi phải có sự thông nhất về  đường lối, chủ trương và cụ thể hoá bằng những bước đi đồng bộ và mang tính bên vững. Trong lĩnh vực văn hoá, mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, vốn quý của một nền văn hoá có bề dày truyền thống mà cha ông đã để lại, có đủ tự tin chủ động bước ra biển lớn của hội nhập. Hoà nhập nhưng không hoà tan, tiếp thu tinh hoa, văn minh nhân loại văn minh một cách có chọn lọc và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Cần nhiều hơn nữa những bước đi, cách thức để quảng bá văn hóa đặc sắc của của đất nước ra thế giới, không những chỉ bằng cách giới thiệu ra bên ngoài mà còn bằng cách bảo tồn, tôn tạo, phát triển các di tích lịch sử, tự nhiên, truyền thuyết để tạo các điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè năm châu./.

Diệp Dân Hùng,

Nguyên Trưởng phòng Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng

...