VNHN - Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến “sức đề kháng” của người dùng. Với vai trò là những người đi tiên phong trong việc định hướng thông tin cho công chúng, nhà báo cần chủ động và tích cực ngăn chặn tin giả để loại “virus” này không có cơ hội “gây bệnh” tới công chúng.
Theo số liệu thống kê đến giữa năm 2019, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Bên cạnh việc giúp nhà báo tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và là “kho” đề tài phong phú, đa dạng, nó còn là “con dao hai lưỡi” gây hậu họa khôn lường nếu người làm báo không tự ý thức được trách nhiệm của mình khi lạm dụng mạng xã hội trong tác nghiệp.
Yêu cầu cấp thiết đối với việc nhận diện thông tin xấu độc và ngăn chặn hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện truyền thông, nhất là các trang thông tin điện tử.
Báo chí là người định hướng cho dư luận xã hội
Báo chí đã bám sát và phản ánh trung thực tình hình chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và các sự kiện lớn của đất nước. Báo chí đã tiên phong trong việc phản bác các luận điểm, thông tin sai trái, xuyên tạc, gây hoang mang trong dư luận, làm tốt vai trò là diễn đàn xã hội rộng lớn, tin cậy của nhân dân, tích cực tham gia trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Báo chí cũng góp phần đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước tới gần hơn với nhân dân, đồng thời thông qua đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những đóng góp của nhân dân để có những điều chỉnh phù hợp, đúng đắn. Với việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch, báo chí đã chủ động đấu tranh trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, bảo vệ vững chắc các nguyên lý kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới kinh tế của Đảng ta, góp phần củng cố vững chắc trận địa tư tưởng trong nhân dân mà trước hết là trong cán bộ, đảng viên, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về kinh tế giữa nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Thực tế cho thấy, thời gian qua có một bộ phận người làm báo cẩu thả, lười nhác, thiếu chuyên nghiệp trong việc kiểm chứng thông tin, nhiều cơ quan báo chí buông lỏng quản lí, chạy theo các hình thức đưa thông tin giật gân, câu khách được cắt ghép thông tin có chủ đích, sử dụng nguồn tin thiếu kiểm chứng từ mạng xã hội, xa rời tôn chỉ mục đích so với giấy phép được cấp, dẫn đến cung cấp thông tin sai lệch, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Đây là nguyên nhân khiến nhiều tờ báo đã bị “tuýt còi”, buộc phải cải chính, xin lỗi khi thông tin sai sự thật.
Mỗi người làm trong ngành báo chí truyền thông cần phải ý thức rõ vai trò của bản thân mình.
Chỉ tính riêng năm 2018, đã có tới 26 cơ quan báo chí bị xử phạt hành chính, 1 báo điện tử bị đình bản tạm thời với lỗi chủ yếu là thông tin sai sự thật. Đây thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận người làm báo, cũng như việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng nghề báo cao quý để làm ăn phi pháp của một số cá nhân, tổ chức, gây mất niềm tin của công chúng đối với báo chí hiện đại.
Các thế lực thù địch thường sử dụng mọi thủ đoạn kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, ngoại giao... kết hợp với răn đe quân sự để xây dựng lực lượng ngầm, tạo ra các lực lượng chính trị đối lập từ bên trong; núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền; kích động mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; triệt để lợi dụng những khó khăn, làm trầm trọng thêm quá trình khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo nên sức ép ngày một lớn buộc phải chuyển hóa, thay đổi đường lối chính trị.
Quy trình xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên báo chí
Để thực hiện tốt công tác xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, báo chí có thể tham khảo một số bước sau:
- Xác định nguồn phát, tính chính xác của thông tin:
Để xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên báo chí, trước hết cần xác định nguồn phát cũng như làm rõ tính chính xác của thông tin. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, một thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể nhanh chóng lan truyền khắp các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình báo chí, truyền thông, do vậy việc xác định nguồn phát rất khó khăn. Có thể nguồn phát từ trong nước, cũng có thể nguồn phát từ bên ngoài, điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc xử lý các chủ thể cố tình tạo ra những thông tin này.
- Phân loại thông tin sai lệch, xuyên tạc:
Sau khi đã xác định được nguồn phát và kiểm chứng tính đúng đắn của thông tin đó là việc phân loại thông tin sai lệch, xuyên tạc. Việc phân loại có thể dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như loại hình thông tin, mức độ thông tin, phạm vi thông tin, nội dung thông tin... hoặc phân loại theo nhóm thông tin sai lệch hoặc xuyên tạc để kiến nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết. Bên cạnh việc xác định nguồn phát là việc kiểm chứng tính đúng đắn của thông tin. Điều này giúp xác định thông tin được phát đi là thông tin sai lệch, xuyên tạc hay thông tin chính thống giúp cơ quan báo chí có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.
Cần phải xác minh rõ nguồn thông tin để tránh bị lạc vào "mê cung" tin sai lệch.
- Phản bác kịp thời thông tin sai lệch, xuyên tạc:
Đây là khâu đóng vai trò quyết định trong việc xử lý thông tin phản hồi, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Nếu cơ quan báo chí có đủ năng lực sẽ có bài viết phản biện sắc sảo, logic, khoa học, luận điểm mạnh mẽ, luận chứng rõ ràng để xã hội cũng như đối tượng phát đi thông tin sai lệch nhận diện được một cách thuyết phục. Để làm tốt khâu này đòi hỏi cơ quan báo chí phải có đội ngũ nhân lực giỏi chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và tư duy mạch lạc, khoa học, biện chứng. Thu thập, xử lý thông tin phản hồi Đây là khâu cuối cùng trong quy trình xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên báo chí. Việc thu thập thông tin diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau như thông tin từ dư luận, thông tin từ các cấp lãnh đạo, thông tin từ các tầng lớp nhân dân hay chính những thông tin phản hồi ngay trong các bài viết. Từ việc thu thập thông tin này, tòa soạn sẽ xử lý bằng các hình thức như đăng tải thêm, họp báo hoặc gửi thư, điện thoại trực tiếp tới đối tượng phản hồi nhằm làm rõ hơn các nội dung chính sách liên quan.
Giải pháp nào cho báo chí trong việc định hướng dư luận?
Ông Nguyễn Hải Đăng, Ban Tuyên truyền Lý luận, Báo Nhân Dân cho rằng: Các cơ quan báo chí cần tập trung phát triển những công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), học máy (machine learning)... trong việc thu thập, phân tích và kiểm tra thông tin trên mạng xã hội. Đồng thời, tăng cường đào tạo đội ngũ quản trị viên, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao sự tương tác giữa các trang thông tin với bạn đọc; Xây dựng những mạng xã hội chuyên về báo chí, hoặc lấy báo chí, thông tin làm trọng tâm phát triển.
Trong thời gian tới, hệ thống báo chí truyền thông cần phải đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh với những thông tin sai lệch, xuyên tạc. Báo chí cần phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước; bảo đảm tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính nhân dân, tính chân thật, tính đa dạng, bảo đảm “nhân văn, tin cậy, kịp thời, hấp dẫn”. Các bài viết phải tập trung vào các vấn đề mấu chốt mà các thế lực thù địch thường tấn công, xuyên tạc, đó là: Các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; con đường đi lên CNXH ở nước ta, cơ chế thị trường định hướng XHCN; vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo.
Người làm báo không chỉ phải đưa tin đúng mà cần có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả.
Đặc biệt là lực lượng “bút chiến” phải tùy theo tình hình, chủ động viết bài, đăng tải xử lý các quan điểm sai trái, thù địch chứ không máy móc đợi tính định kỳ như hiện nay. Tập trung dành dung lượng và thời lượng hợp lý, tuyên truyền có trọng điểm về chủ trương, đường lối của Đảng. Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên trực tiếp đấu tranh cần tập trung đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc phù hợp; Tính toán lựa chọn nội dung đấu tranh, xử lý phù hợp, trước tiên cần tập trung vạch trần bản chất quan điểm sai trái của các đối tượng trên cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, sử dụng ngôn ngữ sắc bén, phù hợp.
Đặc biệt, trong xu thế làm báo của “thế giới phẳng” hiện nay, mỗi người làm báo cần ý thức được việc nhất quán quan điểm của mình khi phát biểu, đăng tải thông tin trên các sản phẩm báo chí và những trang mạng xã hội mà nhà báo tham gia sử dụng, tuân thủ nghiêm Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam do Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành ngày 28/12/2018, trong đó quy định rõ 8 điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội.
Đồng thời, nhằm hạn chế sự xuất hiện của thông tin giả trên mạng xã hội, nhà báo cần ý thức được việc tăng cường sự lành mạnh của báo chí, luôn kiểm chứng và trau dồi kỹ năng tư duy phản biện khi tiếp nhận một thông tin mới. Với vai trò của mình, người làm báo không chỉ phải đưa tin đúng mà cần có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả, tăng thêm lượng thông tin sạch, hạn chế cơ hội để những đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, tò mò của bạn đọc... nhằm kích động, trục lợi. Từ đó, định hướng lại thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng.