14/10/2024 lúc 09:14 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng xã hội học tập theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh

Giáo dục và đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới xây dựng, phát triển một xã hội học tập thực sự.

“Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của các cấp Hội, năng động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, hướng các hoạt động Hội về cơ sở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua khuyến học, gắn với thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh phong trào học tập của người lớn theo hướng mỗi công dân là một công dân học tập, xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới/đô thị văn minh, khu dân cư, cơ quan văn hóa. Không ngừng xây dựng và củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Khuyến học các cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động Hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và môi trường bền vững của địa phương”. Đó là chủ đề mà Đại hội Đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028 đề ra.

Bác Hồ với học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956.

Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra quan điểm học tập suốt đời. Người chủ trương xây dựng một nền giáo dục cho mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, với mục đích, nội dung, phương pháp phong phú, linh hoạt.

Thực hiện mục tiêu xây nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong xây dựng nước nhà đòi hỏi phải có nguồn nhân lực dồi dào và có những nhân tài”. Người cổ vũ toàn dân: “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học”. Người còn nhấn mạnh: “Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”, mọi người ai cũng cần phải học và học tập suốt đời vì “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Để chống nạn mù chữ cho toàn dân, Người yêu cầu từ trẻ đến già, dù là đàn ông hay đàn bà, dù làm công việc gì thì ai cũng phải đi học, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh được coi là việc làm thường xuyên của mỗi công dân, cán bộ công chức, viên chức, người lao động, là dịp để mỗi người chúng ta luôn tự soi lại mình để tiếp tục cố gắng rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi tư tưởng, đạo đức theo tấm gương “Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công vô tư” và năng lực tự học, học thường xuyên học suốt đời hướng tới hình thành một XHHT thực sự thông qua việc xây dựng các mô hình công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập...

Học tập suốt đời, “lấy tự học làm cốt” là một việc phải làm trong cả cuộc đời mỗi con người, do đó cần quan tâm đến phương pháp học tập, đặc biệt coi trọng phương pháp tự học, “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”, “Học trong đời sống của mình... học ở giai cấp công nhân”, chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học”. Mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn chỉ bảo của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học ở mọi lúc, mọi nơi, học trong khi giao tiếp, trong công việc hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong kinh nghiệm thành công cũng như thất bại và học trong công tác vận động quần chúng.

Người chỉ rõ thông qua học tập, tiếp xúc với nhân dân mà cán bộ, đảng viên có điều kiện gần gũi, nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó tham mưu, đề xuất, tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với nguyện vọng của nhân dân... Cuộc sống là trường học thực tế sinh động, là nơi để “thực hành” những điều đã học. Trong lao động làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm, đúc kết kiến thức từ thực tiễn và phải nghiêu cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Để xây dựng một nền giáo dục lâu dài thì ai cũng phải tham gia học tập, phải xác định rõ việc học cho từng đối tượng một cách thiết thực. Đối với học sinh tiểu học thì phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động, yêu khoa học, coi trọng của công; học sinh trung học thì học tri thức phổ thông “Chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiêu đề xây dựng nước nhà”, với sinh viên thì “Kết hợp lý luận với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn kết hợp với thực tiễn nước nhà...”. Từ đó giúp học sinh, sinh viên biết phân biệt phải trái, đúng sai để ủng hộ cái đúng, chống lại những gì trái với quyền lợi của Tổ quốc và lợi ích của nhân dân, trái với khoa học, trái với đạo đức... Đối với người lớn, cần học những gì phù hợp với trình độ, việc làm và nhu cầu của từng người đáp ứng ngày càng tốt hơn với công việc...

Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, vấn đề xây dựng mô hình Công dân học tập - Công dân số trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”; “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số” liên quan đến việc học tập thường xuyên gắn với tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên đúng đắn và gắn liền với giá trị thời đại. Triết lý giáo dục của Người “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại...” là sự “gặp gỡ” tuyệt vời giữa minh triết giáo dục Hồ Chí Minh với triết lý về 4 trụ cột giáo dục hiện đại của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người...

Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vai trò nòng cốt liên kết các lực lượng của Hội Khuyến học các cấp với phương châm “Giáo dục cho mọi người, mọi người vì giáo dục” trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã nhanh chóng đa dạng hóa các loại hình trường, lớp (công lập, dân lập, tư thục) đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng tới việc học tập cho người lớn ở các lứa tuổi, đối tượng, thành phần kinh tế...

Chính quyền các cấp đã quan tâm tạo cơ chế chính sách cho các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên, học tập cộng đồng về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ khoa học, bám sát nguyên tắc “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn” và tư tưởng về học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhân tố quan trọng để hướng tới một xã hội học tập ở Phú Thọ đã được hình thành...

Tuy vậy một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn thỏa mãn với kiến thức đã học trong các trường lớp, cơ sở đào tạo, hoặc chạy theo việc học để hoàn thiện bằng cấp đủ điều kiện thăng tiến, không chịu nghiên cứu, học hỏi thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, kiến thức, kỹ năng hội nhập và chung sống... Lại có một bộ phận biểu hiện ngại học, không có khái niệm học thường xuyên, học suốt đời nên trở thành bảo thủ, không thích nghi và bắt nhịp với “guồng quay” hối hả của cuộc sống.

Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo nên một “văn hóa học tập” trong cộng đồng: Người người học tập, nhà nhà học tập, ngành ngành học tập, để tiến tới một đất nước mà mỗi người dân trong đời sống hàng ngày, ngoài vai trò làm ông bà, cha mẹ, làm con cái, làm người lao động, làm nhà quản lý,... còn có vai trò làm người học.

Sự học không có mục đích tự thân, mà như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì học phải đi đôi với hành, người học phải tâm niệm: Học để tiến bộ, học để phục vụ nhân dân, học để làm người.Tư tưởng và triết lý học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý của thời đại mà chúng ta đang sống của thế kỷ XXI.