Bối cảnh toàn cầu và yêu cầu đổi mới giáo dục
Khái niệm công dân toàn cầu đã tác động sâu sắc đến việc định hình chương trình giáo dục ở nhiều quốc gia. Từ năm 2012, khi Tổng thư ký Liên hợp quốc khởi xướng Sáng kiến Giáo dục toàn cầu đầu tiên, UNESCO đã coi việc đào tạo công dân toàn cầu là một trong những ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, mục tiêu của giáo dục công dân toàn cầu là phát triển kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ cần thiết cho người học để góp phần xây dựng một thế giới công bằng, hòa bình, khoan dung, hòa nhập, an toàn và bền vững. (1)
Tại Việt Nam, Chính phủ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đổi mới giáo dục. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đặt ra mục tiêu: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.”
Sự kết nối kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia ngày càng chặt chẽ, cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật,... đang thay đổi bản chất công việc và kỹ năng cần thiết. Nguồn nhân lực tương lai cần có khả năng thích ứng nhanh chóng, tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp và khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa. Điều này đòi hỏi giáo dục phải trang bị cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng mềm, tư duy phản biện và khả năng thích ứng với sự thay đổi với bối cảnh hiện tại.
Định hướng giáo dục Việt Nam hướng tới công dân toàn cầu
Từ năm 2019, theo chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tiến hành một nghiên cứu cấp quốc gia về giáo dục công dân toàn cầu. Trong chương trình "Vì tầm vóc Việt", Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh, đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đã chia sẻ: “Trong chương trình giáo dục phổ thông chúng ta đang triển khai, những nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề về giáo dục công dân toàn cầu đều đã được đưa vào trong chương trình, tích hợp vào trong nhiều môn học. Các con phải có được những giá trị cốt lõi của một con người trong thế hệ mới để hòa nhập được trong môi trường rộng nhất có thể.”
Đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, nền giáo dục Việt Nam đang thực hiện bước chuyển mình mạnh mẽ thông qua Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với mục tiêu cốt lõi là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học, chương trình này không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, mà còn đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), trang bị cho học sinh những kỹ năng mềm thiết yếu như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, tạo điều kiện cho các em tự tin hội nhập quốc tế.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặc biệt nhấn mạnh tính ứng dụng, đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng và thực hành ngoại ngữ một cách hiệu quả. Để hỗ trợ định hướng này, hệ thống học liệu sách giáo khoa đã được đổi mới, xây dựng một cách logic, khoa học và có tính liên kết chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp thu kiến thức và rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Các giáo viên đã được đào tạo kỹ lưỡng để tập trung vào việc phát triển kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cho học sinh, thay vì chỉ truyền đạt kiến thức lý thuyết. Các trường học hiện tại trên cả nước đang sử dụng bộ sách Tiếng Anh Global Success của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bởi bộ sách này cung cấp nguồn ngữ liệu phong phú, đa dạng, được biên soạn nhằm khơi dậy sự tò mò và khuyến khích học sinh khám phá tri thức. (2)
Bên cạnh đó, để đào tạo những công dân toàn cầu, việc phát triển “Tư duy toàn cầu” là một yếu tố then chốt. Tại Hệ thống Trường Quốc tế TH School, nơi tiên phong áp dụng triết lý 'trường học hạnh phúc', học sinh được chú trọng phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Tại Hệ thống Trường Quốc tế TH School, học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông dành 80% thời lượng học tập cho chương trình quốc tế chuẩn Cambridge, hoàn toàn bằng tiếng Anh, bao gồm các chương trình IPC, IGCSE, A Level... tập trung vào lĩnh vực kinh doanh và tư duy toàn cầu. 20% thời lượng còn lại dành cho việc truyền thụ các giá trị Việt Nam học, thông qua các môn tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Nhờ đó, học sinh TH School không chỉ tiếp cận phương pháp giảng dạy quốc tế, mà còn gìn giữ được những tinh hoa văn hóa Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ nhận được chứng chỉ A Level có giá trị toàn cầu, mở ra cơ hội nhận học bổng từ các trường đại học hàng đầu thế giới.
“Đó chính là tư duy toàn cầu dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của Việt Nam, dưỡng nuôi tinh thần tự hào dân tộc của các em và khi trưởng thành, dù các em đi đâu cũng sẽ luôn cư xử phù hợp và tôn trọng văn hóa của dân tộc đó”, GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng chia sẻ trong chương trình "Vì tầm vóc Việt". (3)
Đào tạo công dân toàn cầu trở thành mục tiêu hàng đầu của giáo dục nước nhà.
Song song với việc đổi mới chương trình, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy và học tập cũng được chú trọng. Các trường học đang dần được trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại, giáo viên được đào tạo để sử dụng các phần mềm và ứng dụng hỗ trợ giảng dạy, học sinh được khuyến khích sử dụng các công cụ học tập trực tuyến. Tất cả những nỗ lực này nhằm tạo ra một môi trường giáo dục năng động, sáng tạo và hiệu quả, giúp học sinh Việt Nam tự tin bước vào tương lai toàn cầu hóa.
Thách thức và giải pháp
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc đổi mới giáo dục, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng vẫn còn nhiều thách thức lớn đang đặt ra. Một trong những thách thức hàng đầu là chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa. Nhiều giáo viên còn thiếu kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp dạy học tích cực, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giảng dạy và khả năng tiếp thu của học sinh.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Nhiều trường học, đặc biệt là ở vùng nông thôn và miền núi, còn thiếu thốn cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Việc đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy và học tập.
Để giải quyết những vấn đề này, các chuyên gia giáo dục đề xuất một số giải pháp như: tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, và áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để tạo môi trường giáo dục toàn diện cho học sinh.
Định hướng giáo dục tại Việt Nam đang từng bước chuyển mình để đáp ứng yêu cầu của thời cuộc. Từ việc chú trọng phát triển năng lực toàn diện, đẩy mạnh giáo dục STEM, nâng cao năng lực ngoại ngữ, đến giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho các học sinh, giáo dục Việt Nam đã và đang có những hành trang vững chắc cho thế hệ công dân toàn cầu.
Nguyễn Trọng Hải