
Trong xu thế hội nhập toàn cầu cùng sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục và đào tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng, trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, dân tộc. Giáo dục và đào tạo là sản phẩm đồng thời là lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội, hoạt động chuyên biệt được tổ chức và thiết lập với mục tiêu cụ thể, tập trung vào phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực con người, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm giáo dục - đào tạo cùng khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.
Thanh Hóa là 1 trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistic, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; 1 cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc Việt Nam. Xác định giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, dành nguồn lực, kinh phí cho sự nghiệp giáo dục, từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong toàn tỉnh. Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 700-QĐ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Chính vì vậy, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước về giáo dục và đào tạo.

Điển hình như, kết quả phổ cập giáo dục tiếp tục được giữ vững; đến hết năm 2024 có 100% các huyện, thị xã, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non trẻ 05 tuổi, tỉ lệ huy động trẻ 05 tuổi đến trường đạt 99,9%; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Về chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục trong nhóm đầu cả nước. Năm 2024, học sinh của tỉnh đã đoạt 05 huy chương tại các kỳ thi quốc tế và khu vực, gồm: 01 Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế; 01 Huy chương Đồng Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58; 01 Huy chương Bạc và 02 Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT các môn văn hóa năm học 2024 - 2025, có 77/90 học sinh dự thi đoạt giải gồm: 04 giải Nhất, 19 giải Nhì, 32 giải Ba, 22 giải Khuyến khích (đạt tỉ lệ 85,6%, xếp thứ 5 cả nước về tỉ lệ học sinh đoạt giải). Chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực; toàn tỉnh có 37.260 thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp THPT năm 2024, đạt 99,75% (tăng 0,37% so với năm 2023); điểm thi tốt nghiệp bình quân 6,82 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 03 bậc so với năm 2023; có 914 điểm 10, xếp thứ Nhất cả nước.
Đồng thời, ngành giáo dục Thanh Hóa đã thực hiện tốt chủ trương bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú với 3.363 học sinh (gồm 2.283 học sinh THCS, 1.080 học sinh THPT); 10 trường THCS bán trú với 3.759 học sinh (trong đó có 2.296 học sinh tại 05 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Như Thanh, Thường Xuân được hưởng chính sách hỗ trợ bán trú theo quy định).
Cùng đó, thực hiện Đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; đến nay, toàn tỉnh có 2.018 trường học (giảm 02 trường so với năm 2023) với tổng số 949.269 học sinh, trong đó: Mầm non 677 trường với 208.409 trẻ; Tiểu học 588 trường (giảm 04 trường) với 350.389 học sinh; THCS 610 trường với 258.742 học sinh; THPT 104 trường (tăng 02 trường) với 109.280 học sinh; 39 đơn vị có giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên với 22.449 học sinh. Toàn tỉnh hiện có 25.560/28.118 phòng học kiên cố, đạt 90,9%; có 1.715/1.979 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 86,7%, trong đó: Mầm non 591/677 trường (87,3%), Tiểu học 533/588 trường (90,6%), THCS 525/610 trường (86,1%), THPT 67/104 trường (64,4%).
Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng; toàn ngành có gần 98,3% tổng số nhà giáo các cấp học có trình độ đạt chuẩn trở lên. Năm 2024, toàn tỉnh đã tuyển dụng mới 3.516 giáo viên và nhân viên hành chính ở các cơ sở giáo dục (gồm 1.525 biên chế và 1.991 lao động hợp đồng làm giáo viên), góp phần giải quyết cơ bản tình trạng thiếu giáo viên các cấp học.
Những kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã góp phần quan trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Năm 2024 tốc độ tăng trưởng đạt 12,16%, đứng thứ 2 cả nước; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 54.000 tỷ đồng - số thu cao nhất từ trước đến nay.
Theo đồng chí Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, cho biết: “Trong những năm gần đây, ngành giáo dục tỉnh liên tục giữ vững, phát triển và hoàn thành các chỉ tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 giao cho, trong đó về chất lượng đại trà phấn đấu từ đầu nhiệm kỳ đang xếp thứ 41 cả nước, rồi nâng dần lên thứ 32 lên 27 lên 21, đến năm học 2023 - 2024 đứng thứ 18 cả nước hoàn thành và vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giao. Về chất lượng mũi nhọn duy trì học sinh giỏi quốc gia nằm trong top 6 tỉnh dẫn đầu cả nước, đặc biệt năm học 2023 - 2024 tỷ lệ đạt giải cao nhất cả nước; học sinh giỏi quốc tế và khu vực duy trì theo chỉ tiêu giao hàng năm giao, vì vậy các năm học có khá nhiều học sinh giỏi đạt huy chương vàng, bạc, đồng các kỳ thi quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, các kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng nằm trong tóp dẫn đầu cả nước, ví dụ năm học 2023 - 2024 có số học sinh đạt điểm 10 cao nhất cả nước”.
Để duy trì, phát huy kết quả đạt được, trong những năm tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả hơn nữa quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển và được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tập trung đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển giáo dục và đào tạo, “lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực”, từ trang bị kiến thức sang “phát triển, kiến tạo năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh”, quan tâm hơn nữa việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, của quê hương cho học sinh, sinh viên; khơi dậy niềm tự hào, tinh thần học tập, rèn luyện, khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng mảnh đất xứ Thanh ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Theo cảm nhận của thầy giáo Nguyễn Trung Tình - Hiệu trưởng trường THCS An Hoạch, P.An Hưng, Tp.Thanh Hóa, chia sẻ: “Những năm học gần đây ngành giáo giáo dục và đào tạo Thanh Hóa đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt công tác quản lý giáo dục có bước tiến sát sao, tính hiệu quả công việc cao, chất lượng phù hợp với nhu cầu xã hội. Về giáo dục phổ thông được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư cho đội ngũ, đầu tư cho cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng các điều kiện để dạy và học. Đối với chương trình đổi mới sách giáo khoa nói chung và với bậc THCS đã đề cao được vai trò vị trí trung tâm của người học là học sinh, trong chương trình mới đã đề cao giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh”.
Thầy Tình chia sẻ thêm, “mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn đối mặt với một số tồn tại như: Chương trình dạy sách giáo khoa mới là rất đúng, phù hợp với thời đại ngày nay, nhưng điều kiện để thực hiện chương trình này đang còn gặp khó khăn, đó là khó khăn về đội ngũ để thực hiện chương trình; ví dụ qua nắm bắt từ một số các trường THCS trên địa bàn tỉnh, là năm thứ tư thực hiện chương trình mới này, nhưng tình trạng thiếu giáo viên dạy môn hoạt động trải nghiệm; giáo viên dạy các môn lịch sử - địa lý, khoa học tự nhiên chưa được đào tạo bài bản. Trong khi đó đồ dùng trang thiết bị cần phải cung cấp thêm cho các trường để đáp ứng nhu cầu dạy học”.