Ảnh minh họa (Internet)
Ứng dụng công nghệ số hay ứng dụng CNTT vào dạy học là một xu hướng hiện đại hóa quá trình dạy và học, làm thay đổi cách dạy và cách học, giúp người học tham gia học tập một cách chủ động, tích cực và sáng tạo, tăng cường tính trực quan, góp phần nâng cao chất lượng lĩnh hội và nắm vững kiến thức, phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của người học. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đã tạo ra một môi trường thông tin đa dạng, đa chiều trên internet, mạng xã hội, hỗ trợ đắc lực cho việc học tập của sinh viên và hoạt động chuyên môn của giảng viên. So với trước đây, việc tìm kiếm, thu thập, xử lý thông tin phục vụ giảng dạy, nghiên cứu của giảng viên LLCT mất rất nhiều thời gian, công sức, thì hiện nay với CNTT, internet giúp họ có thể thực hiện công việc đó một cách dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng.
Trong những năm qua, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng LLCT đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và giảng dạy LLCT. Việc giảng dạy, học tập trên môi trường mạng khác hoàn toàn với giảng dạy, học tập truyền thống. Do vậy người giảng viên cần linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng bài giảng hấp dẫn, mang hơi thở cuộc sống, phải tận dụng tối đa các phương pháp giảng dạy tích cực gắn với công nghệ như phương pháp lớp học đảo ngược, trò chơi truyền hình… tạo hứng thú cho người học, bảo đảm sự tương tác giữa giảng viên và học viên, nhất là đối với các giảng viên LLCT. LLCT gồm các môn học vốn khô khan, cả lý luận và thực tiễn có những vấn đề mới không dễ lý giải, quá trình giảng bài của giảng viên có thể nhận được những câu hỏi rất khó, thậm chí là nhạy cảm về chính trị. Qua đó, các cơ sở đào tạo LLCT cần đặt vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT và là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi giảng viên, coi đây là tiêu chí để đánh giá năng lực, hiệu quả giảng dạy của mỗi giảng viên. Từ đó, các cơ sở đào tạo có kế hoạch để tập huấn, bồi dưỡng cho giảng viên các phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại để áp dụng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT.
Với những mặc tích cực mà chuyển đổi số mang lại thì vẫn còn nhiều ý kiến cũng đặt ra về tính hai mặt của ứng dụng công nghệ số. Chẳng hạn bài giảng có thể được người học ghi lại và đưa lên mạng. Nếu bài giảng không tốt, nhất là những bài giảng có vấn đề về chính trị, khi bị đưa lên mạng có thể ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của giảng viên và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt, các phần tử xấu lợi dụng để kích động làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, để giảng dạy lý luận trong thời kỳ chuyển đổi số đòi hỏi phải có đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và CNTT, có kinh nghiệm giảng dạy và kỹ năng xử lý tình huống tốt. Đối với học viên cần phải có thái độ, động cơ, mục tiêu học tập đúng đắn, chuẩn bị đủ điều kiện về thiết bị công nghệ như: máy tính, điện thoại thông minh có kết nối internet, mạng internet tốc độ cao...; kỹ năng sử dụng công nghệ, cài đặt và sử dụng phần mềm, lập kế hoạch học tập, nghiên cứu, khai thác học liệu.
Tóm lại, chuyển đổi số trong giảng dạy các học phần lý luận chính trị là hoàn toàn phù hợp với xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Để chuyển đổi số trong lĩnh vực này thành công đòi hỏi các trường đại học phải bám sát sự phát triển của khoa học công nghệ, ứng dụng hiệu quả làm thay đổi tư duy của các chủ thể giáo dục, không ngừng mở rộng kho dữ liệu số các học phần lý luận chính trị; lồng ghép với công tác giáo dục đạo đức, ý thức chính trị cho học sinh, sinh viên.