04/04/2025 lúc 04:52 (GMT+7)
Breaking News

Hướng tới giáo dục số toàn diện, bảo đảm công bằng tri thức

Chuyển đổi số trong giáo dục đang mở ra cơ hội học tập bình đẳng cho mọi vùng miền. Tuy nhiên, sự chênh lệch về hạ tầng, thiết bị và kỹ năng số giữa thành thị và nông thôn vẫn là rào cản lớn. Để hướng tới một nền giáo dục số toàn diện, cần những giải pháp đồng bộ nhằm thu hẹp khoảng cách, đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận tri thức một cách công bằng.

Khoảng cách trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW (2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, hướng đến nền giáo dục phát triển toàn diện. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền, đặc biệt là khoảng cách trong tiếp cận giáo dục chất lượng cao giữa thành thị và nông thôn.

Sự khác biệt này không chỉ đến từ mật độ dân số, cơ sở hạ tầng mà còn ảnh hưởng lớn đến điều kiện học tập. Trong khi các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có hệ thống trường học hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào giảng dạy, thì nhiều khu vực khác vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nền giáo dục tiên tiến. Việt Nam hiện có 96 trường quốc tế, xếp thứ 12 châu Á và thứ 4 ASEAN. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở đào tạo chất lượng cao đều tập trung tại các đô thị lớn, trong khi tại nhiều địa phương khác, điều kiện học tập chưa đồng đều.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXeN3ESW-SwLGh7Y9IIUlBkZb1FjgynxbcK1Vv9C6gBNePLMM9Q3Dr8RIQyfY1gS5qDnah0YOZQ3a8kMi4dlTIUNbaLfURBVmPH0hHWn3hlabkdZx9Sdpe-Zn9X0P6NAGp9KQMorBQ?key=s_oPbTQ0Pdcvb6XP_tS2zTCB

Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục trong kỷ nguyên số. Ảnh Internet

Thực tế cho thấy nhiều trường học ở nông thôn vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất. Việc thiếu các trang thiết bị giảng dạy hiện đại như máy chiếu, tivi thông minh, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ khiến việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy gặp không ít khó khăn. Dù các trường học đã nỗ lực nâng cấp điều kiện giảng dạy, nhưng vẫn cần thêm sự hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao.

Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến nền kinh tế số. Để giáo dục số trở thành động lực đổi mới toàn diện, cần có những giải pháp đồng bộ, chính sách đầu tư hợp lý nhằm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận tri thức hiện đại.

Nguyên nhân khách quan

Cách mạng Công nghiệp 4.0 được đánh giá có tốc độ đột phá “không có tiền lệ lịch sử”, nó phá vỡ hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia và tác động trực tiếp với hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Trong thời đại số hóa, giáo dục công nghệ cao đang dần trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn luôn là một thực tế đáng quan ngại. Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là do sự khác biệt về cơ sở hạ tầng và điều kiện tiếp cận công nghệ.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXd6Y6SS1SVYT54vqjuZSPur5EnXzyxqfh5JHQSiw1gnPC5u7Mf6z_loS1tpiZfRQKDwQ4ohG7xTLGBaGmbvI5nLgh4vGHU6x_NtfOekZJORtF4zPuE6IewixqBCnYYUbgsSCYHu?key=s_oPbTQ0Pdcvb6XP_tS2zTCB

Mô hình lớp học thông minh tại các trường học ở thành phố lớn.

Tại các đô thị lớn vốn là trung tâm kinh tế - khoa học, nơi tập trung nguồn lực và điều kiện khoa học - kỹ thuật, hệ thống trường học được trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ hiện đại được kết nối internet tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát triển năng lực sáng tạo. Ngược lại, ở nhiều vùng nông thôn, hạ tầng viễn thông chưa được cải thiện, đường truyền internet chập chờn, không đảm bảo điều kiện cho giảng dạy và học tập.

Bên cạnh đó, tác động của nguồn lực tài chính cũng là một yếu tố quyết định chất lượng giáo dục số. Do nguồn lực tài chính của nhà nước và xã hội có giới hạn, sự chênh lệch trong điều kiện kinh tế giữa thành phố và nông thôn còn quá lớn, dẫn đến các khoản đầu tư vào giáo dục cũng có sự khác biệt. Các trường học tại thành phố nhận được nhiều đầu tư hơn từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức giáo dục, trong khi đó, các trường ở vùng sâu, vùng xa lại gặp nhiều khó khăn để huy động được nguồn kinh phí nâng cấp trang thiết bị giảng dạy.

Ngoài ra, trình độ đội ngũ giáo viên cũng tạo ra khoảng cách về chất lượng giáo dục số giữa thành thị và nông thôn. Các thành phố lớn có xu hướng đào tạo được đội ngũ giáo viên có kỹ năng bài bản về công nghệ thông tin, nhờ chế độ đãi ngộ tốt và cơ hội nghề nghiệp rộng mở, họ được làm quen với các thiết bị cũng như giáo cụ thông minh hỗ trợ giảng dạy hiệu quả và chất lượng hơn.

Đảm bảo giáo dục phát triển đồng đều trong kỷ nguyên số

Bước vào kỷ nguyên số, giáo dục không chỉ tập trung vào truyền tải kiến thức mà còn hướng đến phát triển tư duy sáng tạo, giúp người học thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại. Xu hướng này được thể hiện rõ qua Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, phong trào "Bình dân học vụ số" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động cũng khẳng định sự cần thiết của việc mở rộng cơ hội học tập cho mọi cá nhân, bất kể điều kiện kinh tế hay nơi sinh sống.

Tuy nhiên, khoảng cách trong tiếp cận giáo dục số vẫn là một thách thức lớn. Ở các đô thị, học sinh được tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, phương pháp giảng dạy tiên tiến, trong khi tại nhiều vùng nông thôn, cơ sở vật chất còn hạn chế, tốc độ kết nối Internet chưa ổn định, dẫn đến sự chênh lệch trong cơ hội tiếp cận tri thức. Để thu hẹp khoảng cách này, việc đầu tư đồng bộ vào hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giảng dạy và đảm bảo nguồn học liệu số miễn phí là những yếu tố quan trọng.

Bên cạnh việc cải thiện điều kiện học tập, chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng cần được quan tâm đúng mức. Việc miễn giảm học phí, cung cấp thiết bị học tập, trợ cấp Internet hay tổ chức các lớp học trực tuyến sẽ giúp học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận giáo dục số một cách thuận lợi hơn. Nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục số cũng là một yếu tố then chốt. Khi xã hội nhận thức rõ vai trò của công nghệ trong giáo dục, việc triển khai các chương trình hỗ trợ sẽ nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng rộng rãi.

Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là xu hướng mà còn là động lực đổi mới toàn diện, góp phần tạo ra một môi trường học tập bình đẳng, nơi mọi học sinh đều có cơ hội phát triển như nhau, không bị giới hạn bởi hoàn cảnh hay địa lý. Khi giáo dục số thực sự trở thành cầu nối thu hẹp khoảng cách vùng miền, đó sẽ là bước tiến quan trọng để hướng tới một nền giáo dục tiên tiến và toàn diện hơn.

Đặng Nguyễn Anh Thư

...