Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và triển khai thi hành Hiến pháp và pháp luật đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng hợp lý, thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước.
Nâng cao nhận thức chấp hành kỷ luật ban hành văn bản
Chính phủ vừa có Báo cáo số 310/BC-CP gửi Quốc hội về tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu rõ: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, các văn bản được ban hành bảo đảm đúng thẩm quyền, tính hợp hiến, tính hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi; ngôn ngữ, kỹ thuật diễn đạt dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tiễn. Hồ sơ của các dự án luật có nhiều cải thiện, mặc dù chất lượng các hồ sơ chưa đồng đều nhưng cơ bản bảo đảm đầy đủ theo quy định. Trình tự, thủ tục tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Công tác triển khai thi hành Hiến pháp 2013, nhất là hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương quan tâm.
Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được chú trọng, nhất là những văn bản thuộc các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như thương mại, đất đai, doanh nghiệp, xây dựng, đầu tư, kinh doanh. Qua đó, đã phát hiện và đề nghị xử lý nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật, tạo được sự đồng tình trong xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan có thẩm quyền trong việc chấp hành kỷ luật ban hành văn bản.
“Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.
Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; chú trọng hơn nữa việc xây dựng, ban hành các luật để cụ thể hóa đầy đủ, chính xác các quy định của Hiến pháp, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiến pháp và các luật, pháp lệnh mới được ban hành; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Theo đó, ưu tiên nghiên cứu xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022, nhất là các dự án về xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả luật, pháp lệnh và tăng cường công tác giám sát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện các sai phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện các vướng mắc, khó khăn, hạn chế trong các đạo luật, để kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân để xảy ra chậm tiến độ ban hành văn bản
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, để đẩy mạnh công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, các bộ cần thực hiện nghiêm các giải pháp đã được nêu tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể.
Đó là, đối với công tác chỉ đạo điều hành, người đứng đầu các bộ, ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác này, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc nghiên cứu, soạn thảo, trình văn bản. Thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản; cương quyết không xem xét khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản.
Quá trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết cần chủ động nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp luật để tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng; hoàn thiện môi trường pháp lý, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH và đời sống của nhân dân.
Theo đó, giai đoạn lập, đề nghị cơ quan lập cần thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, lưu ý xây dựng chính sách rõ ràng, đánh giá tác động chính sách đầy đủ, xác định rõ thời gian và tiến độ xây dựng, trình dự án khi đề xuất đưa vào Chương trình, tránh việc xin lùi, rút, điều chỉnh thời hạn trình. Chú trọng tổng kết, sơ kết thực tiễn đi đôi với nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận; đề xuất, tham mưu phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, những vấn đề chưa có quy định pháp luật hoặc quy định đã vượt quá thực tiễn đòi hỏi thì mạnh dạn làm thí điểm, trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm, tham mưu thể chế hóa.
Kiểm soát chặt chẽ các quy định gây phiền hà, khó khăn cho người dân
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, giai đoạn soạn thảo cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, kiểm soát chặt chẽ các quy định, thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; chú trọng việc lấy ý kiến rộng rãi, để bảo đảm sự đồng thuận của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng chịu sự tác động của văn bản; thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách thông qua lấy ý kiến góp ý văn bản, không chờ sau khi văn bản được ban hành mới thực hiện tuyên truyền, phổ biến; xác định rõ các nội dung giao quy định chi tiết tại Tờ trình và dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; chuẩn bị đầy đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng để trình kèm theo khi trình dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Trong quá trình thẩm tra văn bản QPPL, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra xác định rõ nội dung giao quy định chi tiết và thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết để bảo đảm đủ thời gian xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong đó lưu ý các nội dung dự kiến giao quy định chi tiết được xác định sau khi Chính phủ thông qua, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với các bộ về dự kiến nội dung giao quy định chi tiết, tránh trường hợp luật đã thông qua các bộ mới biết nhiệm vụ xây dựng văn bản quy định chi tiết.
Các bộ, ngành được giao xây dựng, trình hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết cần tập trung nguồn lực để tổ chức soạn thảo văn bản quy định chi tiết đúng thời hạn trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ; áp dụng nguyên tắc một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao, hạn chế số lượng văn bản quy định chi tiết. Kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết để tìm cách tháo gỡ, đề xuất giải pháp khắc phục.
“Đề cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu các bộ và địa phương đối với việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản QPPL gắn kết hoạt động kiểm tra, rà soát, pháp điển văn bản QPPL với xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật. Thực hiện nghiêm túc việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật theo quy định”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.