22/12/2024 lúc 13:40 (GMT+7)
Breaking News

Vùng Tây Nguyên - Địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng

Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, và là nhiệm vụ quan trọng của cả nước, trước hết là của các địa phương trong Vùng và vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường...
Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

VNHN trân trọng giới thiệu nguyên văn bài phát biểu của đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại hội nghị quán triệt nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực tây nguyên:

Trong chuyến công tác đến một tỉnh Tây Nguyên vào tháng 9 vừa rồi, tôi được giới thiệu loại trà cascara – trà từ vỏ cà phê với hương vị đặc trưng. Nếu như trước đây, vỏ cà phê từng được xem là phế phẩm, là phụ phẩm trong nông nghiệp, thì bây giờ, nhờ vào sự tìm tòi, sáng tạo và công nghệ hiện đại, vỏ cà phê tiếp tục được tận dụng, tuần hoàn, chế biến thành thức uống hảo hạng, tốt cho sức khoẻ. Bắt đầu từ hạt, giá trị cà phê lan toả dần qua lớp vỏ, và còn hơn thế nữa.

Không chỉ trĩu hạt, ngạt ngào hương thơm, những vườn cà phê giờ đây, được hỗ trợ xây dựng mô hình “cảnh quan” theo hướng sinh thái, bền vững, kết hợp với du lịch. “Cà quê cảnh quan” tích hợp đa giá trị, với ba tầng sinh thái hài hoà, luôn rộng cửa chào đón du khách tham quan. Trong đó, tầng cây cao gồm cây ăn trái, hồ tiêu, cây chắn gió, che nắng, hứng sương, giúp điều tiết nhiệt độ vườn. Tầng trung dành cho cây cà phê. Và tầng thấp nhất là nuôi thảm thực vật cỏ. Thảm thực vật giúp hạn chế xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cây trồng phát triển tốt hơn. Trên thảm cỏ, quy trình canh tác không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học, mà được thay bằng đạm cá, đậu nành, vỏ cà phê tự ủ,… để bón cho cây. Cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm thiểu nước tưới tiêu, mà còn gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng, bảo vệ môi trường. Còn đối với tầng cao, cây ăn trái, hồ tiêu cộng thêm thu nhập ngoài cà phê. Như tiêu đề một bài báo, “Cà phê cảnh quan: Đa thu nhập, đa lợi ích”.

Những cách làm mới, mô hình hiệu quả như thế, có lẽ là một trong các gợi mở, giải pháp đáng tham khảo để các địa phương khu vực Tây Nguyên chủ động và linh hoạt thích ứng với những “điểm nghẽn”, trở ngại đang gặp phải. Nhất là trong bối cảnh môi trường suy thoái, tài nguyên đất đai bị “ngược đãi”, vì lạm dụng hoá chất kích thích tăng trưởng, nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường,… đặt ra yêu cầu cấp thiết về tưới tiêu tiết kiệm nước, về canh tác tự nhiên, giữ đất, phục hồi độ màu mỡ, phì nhiêu của đất, chống sạt lở, sụt lún, về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, bền vững. Hướng tiếp cận này là sự cụ thể hoá quan điểm lãnh đạo phát triển Vùng theo Nghị quyết đề ra: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao”.

Nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến Rừng, vì thế mà vùng đất này được mệnh danh là “Mái nhà Đông Dương”. “Mái nhà” giữ đất cho buôn làng, che chắn cho cư dân miền biển liền kề, để các tác động của thiên tai, mưa lũ ít đi phần dữ dội.

Rừng là vàng, mà cũng như nhiều địa phương có rừng khác, vùng Tây Nguyên vẫn chưa thoát khỏi “nghịch lý” trong bảo vệ và phát triển rừng: diện tích rừng càng lớn, khó khăn dường như tăng lên gấp bội. Thực trạng cho thấy dù tỷ lệ che phủ vẫn được bảo đảm ổn định, nhưng chất lượng rừng bị giảm sút, gây suy giảm đa dạng sinh học. Nhu cầu về điện năng phục vụ sinh hoạt và sản xuất tiếp tục đặt ra bài toán nan giải giữa tăng trưởng kinh tế và bảo tồn, phát triển bền vững. Mô hình nông nghiệp điện quang, vừa làm nông nghiệp bên dưới vừa phát triển năng lượng mặt trời bên trên sẽ vừa dung hoà vừa tạo thêm đa tầng giá trị.

Bảo vệ, phát triển rừng, tăng trưởng bền vững kinh tế rừng là quan điểm nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh sự phân công, giao việc theo từng cấp, từ trên xuống dưới, cần thêm cách tiếp cận khác, chủ động hơn, mở rộng hơn, như mô hình “cộng đồng đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên”. Theo đó, chủ thể là đồng bào các dân tộc, là người nông dân, người gắn bó trực tiếp, là cộng đồng dân cư bản địa, có thể tham gia với cơ quan quản lý, để cùng chia sẻ về trách nhiệm và quyền lợi – được cải thiện sinh kế, đối với một diện tích có tài nguyên thiên nhiên, có rừng bao phủ.

Kết quả tích cực ban đầu đã được ghi nhận qua các mô hình thực tiễn tại một số địa phương miền núi và trung du Bắc Bộ thí điểm hợp tác phát triển dược liệu gắn với các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn việc gây tổn hại đến rừng. Đây là gợi ý cho các giải pháp ổn định dân cư, tạo thêm cơ hội việc làm tại chỗ cho người dân gắn bó với quê hương. Tư duy giữ rừng cần có những định hướng khác, chứ không chỉ theo cách truyền thống, duy nhất là “thuê mướn” bảo vệ rừng với những đơn giá, định mức không đủ đáp ứng sinh kế căn bản như hiện nay.

Nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến buôn làng, đến cồng chiêng. Không phải buôn làng, không phải cồng chiêng đơn thuần, mà hơn hết, là “không gian văn hoá”, gắn với buôn làng, cồng chiêng. Các tổ chức thế giới đã rất tinh tế khi công nhận “không gian văn hoá cồng chiêng”, tức không gian văn hoá buôn làng là di sản văn hoá thế giới.

Trước đây, khi đánh giá, nhìn nhận về tiềm lực, khả năng phát triển kinh tế - xã hội của một vùng đất, một địa phương, một khu vực, những nguồn lực hữu hình, như đất đai, điều kiện địa lý, tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động,… thường được phân tích, nhấn mạnh. Bên cạnh nguồn lực hữu hình, vốn luôn bị giới hạn, còn có những nguồn lực vô hình, như “nguồn vốn văn hoá”, “nguồn vốn xã hội” là vô giá và không có giới hạn. “Nguồn vốn văn hoá”, “nguồn vốn xã hội” dồi dào, phong phú, giàu chiều sâu, đậm bản sắc của “vùng đất đại ngàn” đâu gì khác hơn không gian buôn làng - không gian văn hoá cồng chiêng.

Vấn đề cấp thiết đặt ra ở đây là làm sao để gìn giữ và phát huy nguồn vốn tiềm tàng, vô hạn ấy, nhất là khi không gian buôn làng, văn hoá bản địa đặc trưng dường như ít nhiều bị mai một, bị xâm dụng, bị tổn hại, trong thời gian gần đây? Nhìn nhận thẳng thắn từ thực tế triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, rất đáng tiếc khi nhiều nơi ở Tây Nguyên đã chứng kiến phong trào “đồng phục hoá, bê tông hoá” buôn làng, du nhập kiến trúc - văn hoá thiếu sàng lọc. Chất Tây Nguyên vốn dĩ khoẻ khoắn, mộc mạc, rắn rỏi một cách tự nhiên bỗng chốc phai nhạt ít nhiều.

Quan điểm tiếp cận “phát triển cộng đồng dựa vào nội lực” có thể được xem là một gợi mở cần lan toả. Không chỉ là những hỗ trợ từ bên ngoài, đôi khi chỉ mang tính thời điểm và thiếu sát thực, cộng đồng dân cư bản địa, đồng bào các dân tộc được khuyến khích, được tạo cơ hội thuận lợi để phát huy tinh thần chủ động, tự lực, dựa trên điều kiện và nguồn lực hiện có. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Bộ đã tích cực trao đổi, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên quan tâm đến việc gắn kết, hỗ trợ các hợp tác xã trong vùng hoạt động hiệu quả, chất lượng, bền vững. Thông qua các hợp tác xã hay các Nông Hội - Hội quán Nông nghiệp của những người nông dân, người tham gia liên kết được hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tiếp cận việc ký kết hợp đồng sản xuất – tiêu thụ bài bản, sinh kế được bảo đảm, chất lượng sống ngày một tăng thêm. Một vài doanh nghiệp tôi có dịp khảo sát đã thu hút nhiều bà con dân tộc tham gia là một hướng đi vừa phát triển kinh tế vừa giải quyết câu chuyện an sinh - xã hội dân tộc, miền núi.

Nhắc đến Tây Nguyên, không thể không nhắc đến các loại cây công nghiệp và cây ăn quả chủ lực, tiêu biểu như cà phê và sầu riêng, hội đủ điều kiện, yêu cầu “hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn gắn với các trung tâm chế biến” như nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đề ra.

Với cà phê, đôi khi đổi mới, chỉ đơn giản là trở về với điều đã tồn tại bấy lâu, với cách thức truyền thống, quen thuộc, là tìm lại hương vị nguyên bản sau khoảng thời gian bị “lệch chuẩn”. Như sự kiện được tổ chức gần đây tại Phố Núi, hành trình “chuẩn vị” tạo được sức hút lớn khi truyền đi thông điệp giản đơn: “Cà phê phải từ cà phê”. Ngày trước là “miếng trầu”, bây giờ chính tách cà phê “mở đầu câu chuyện”. Bên tách cà phê thơm, ngon, sạch từ nông trại, đạt chuẩn truy xuất nguồn gốc, câu chuyện hoà quyện nét đặc sắc, độc đáo từ thiên nhiên, cảnh quan, thổ nhưỡng, văn hoá các dân tộc giàu chất sử thi,… càng thêm đậm đà, sâu thấm hơn. Nghĩ đến cà phê, nghĩ ngay đến Tây Nguyên, nghĩ ngay đến Highlands của Việt Nam. Tại sao không?

Với sầu riêng, là tin vui từ sự kiện xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, với bao cảm xúc lạc quan lan toả từ các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, hợp tác xã, người dân gắn bó cùng “vua của các loại trái cây” suốt bao năm qua. Niềm vui chưa trọn, những câu chuyện bên lề, một vài “con sâu” làm sầu ngành hàng là lời cảnh báo thẳng thắn về những rủi ro vẫn luôn chực chờ, còn bao việc ngổn ngang. Để hành trình chính ngạch được tiếp nối dài lâu, cần sự tham gia tích cực, năng động, vì lợi ích chung, của mỗi nhân tố trong hệ sinh thái ngành hàng. Đắk Lắk hiện đang tất bật vận động Hiệp hội ngành hàng sầu riêng của Tỉnh. Từ quy mô của địa phương, sẽ dần mở rộng ra khắp vùng Tây Nguyên, rồi tiến tới Hiệp hội ngành hàng sầu riêng của cả nước.

Nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến Rừng và Buôn Làng – “hồn cốt” của xứ sở, quê hương Đại Ngàn. Liên kết Vùng giữa các địa phương khu vực Tây Nguyên cần bắt đầu từ sự gắn bó mật thiết, quyện hoà giữa Rừng và Buôn Làng, giữa thiên nhiên và con người.

Rừng linh buôn làng, rừng bao bọc, chở che buôn làng bao đời nay. Buôn làng hun đúc nên sinh khí của rừng, góp phần quyết định vào sự sinh diệt của rừng. Rừng diệt, buôn làng cũng mất. Thanh âm cồng chiêng vang vọng núi rừng. Rừng và buôn làng không thể thiếu nhau. Rừng và làng phát triển cùng nhau. Rừng bây giờ có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, sản xuất. Làng bây giờ có làng văn hoá, làng du lịch nông nghiệp - nông thôn, làng thông minh. Cộng sinh, cộng hưởng, cộng thêm. Chính sự gắn kết giữa rừng và buôn làng luôn là nền tảng đưa các sản phẩm nông nghiệp Tây Nguyên từ các loại cây công nghiệp và cây ăn quả chủ lực đặc trưng, đặc sản vươn cao, đi xa.

Tiềm năng Tây nguyên đang được đánh thức và sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nhờ Nghị quyết của Bộ chính trị. Tiềm năng có thể vô hạn nhưng tài nguyên bao gồm đất và nước lại hữu hạn. Do đó, chỉ khi tích hợp đa tầng giá trị, gắn kết liên kết vùng mới kích hoạt trọn vẹn tiềm năng đó.

Bày tỏ niềm tin về sự vươn lên vững chãi, về Khát vọng Nông nghiệp Đại Ngàn, về tầm nhìn phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh Tây Nguyên, tôi xin được trích những dòng văn miêu tả đậm chất sử thi: “Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng… Chúng vượt lên rất nhanh… Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…”.

Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn