VNHN - Vấn nạn tín dụng đen hiện nay đang diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Do đó, muốn giải quyết triệt để thì cần phải có sự đồng bộ nhiều giải pháp và sự phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan.
Giấy tờ cho vay trong 1 cửa hàng tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Nguyên
Cần ngăn chặn từ đầu
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Luật HPVN, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, thì rất khó để xử lý hành vi cho vay nặng lãi vì các giao dịch cho vay trong cộng đồng dân cư không bao giờ ghi “mức lãi suất” mà đó chỉ là giao dịch miệng hoặc chỉ ghi lãi suất theo thỏa thuận nên rất khó chứng minh. Ngoài ra, việc chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” là điều khó khăn vì bản thân các giao dịch này thường được thể hiện dưới dạng thỏa thuận dân sự như ủy quyền, đặt cọc, vay tài sản... và đều được tự nguyện thực hiện, không lừa dối, cưỡng ép...
Hơn nữa, cũng theo Luật sư Hiệp, Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tuy nhiên vẫn chưa đủ sức răn đe. Hầu hết các nhóm tội phạm khi bị phát hiện không xử lý được, nếu không có hành vi cưỡng đoạt tài sản hoặc bắt giữ người trái pháp luật.
Vì vậy, trước hết cần sớm phát hiện xử lý, ngăn chặn từ đầu những băng nhóm tín dụng đen, đồng thời, áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Chế tài hình sự cần chỉ rõ đối với các trường hợp sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính sẽ ra sao, việc áp dụng Bộ luật Hình sự như thế nào. Đặc biệt, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có văn bản giải thích cụ thể về vấn đề này.
Ảnh minh họa: internet
Cần phát triển tín dụng tiêu dùng
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tín dụng tiêu dùng đang có tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong những năm gần đây. Nếu như giai đoạn năm 2013 - 2014, tốc độ tăng tín dụng tiêu dùng trung bình chỉ khoảng 15%/năm, thì giai đoạn 2015 - 2017 tốc độ tăng đã lên tới 61,3%/năm.
Riêng năm 2018, tín dụng tiêu dùng tăng khoảng 29,3% cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng tín dụng chung và chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Theo thông tin trên báo chí, tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen, được tổ chức tại Gia Lai vừa qua:
Để góp phần đẩy lùi tín dụng đen hoành hành, Ông Lưu Duy Khanh, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Kon Tum đề xuất 4 giải pháp. Thứ nhất, NHNN và các ngân hàng địa phương tăng cường giải pháp cho vay tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn theo phương châm nhanh, gọn, đơn giản. Đặc điểm của tín dụng đen là vay dễ, nhanh, kịp thời vì vậy người dân cần tiền ngay để giải quyết nhu cầu sinh hoạt nên hình thức tín dụng đen 'có đất' tồn tại. Thứ hai, chính quyền địa phượng cần có chỉ đạo quyết liệt trong đẩy lùi truy quét triệt phá băng nhóm tín dụng đen trái pháp luật trên địa bàn. Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng, không tiếp xúc, sa vào tín dụng đen. Thứ tư, cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, các giải pháp để không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cùng với đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, ngành Ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy lùi tín dụng đen. Việc đầu tiên cần làm, theo Thống đốc là NHNN sẽ sửa đổi Thông tư 43/2016 nhằm kiểm soát chặt chẽ quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất, điều kiện cho vay, điều kiện thu hồi nợ... để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động. Ngoài ra, sẽ tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân chưa trả được nợ đúng hạn do các nguyên nhân chính đáng.
“Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng đến các vùng công nghiệp, khu vực đông dân, vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, sẽ có quy định rõ ràng với hoạt động cho vay tiêu dùng, lãi suất, điều kiện cho vay không có tài sản đảm bảo, hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm, tạo điều kiện để các NHTM cho vay tiêu dùng cá nhân”.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng yêu cầu: Các tổ chức tín dụng (TCTD – PV) phải thực hiện nghiêm quy định của Ngành, đặc biệt về điều kiện và lãi suất cho vay, kiểm tra nội bộ một số hành vi tiếp tay thông đồng với các đối tượng tín dụng đen, tăng cường kiểm soát nội bộ ngăn chặn các TCTD chính thức có liên quan đến tín dụng đen.
Theo Thống đốc NHNN, đấu tranh với tín dụng đen không đơn giản, chúng tôi mong muốn có quan điểm thống nhất giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật khác nhau về chống tín dụng đen. Để xử lý và ngăn chặn được hoạt động tín dụng đen hiệu quả hơn, NHNN cũng đề nghị Bộ Công an khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ Luật hình sự, nhằm xử lý nghiêm khắc đối với tội phạm hoạt động tín dụng đen.
Vì vậy, vấn nạn tín dụng đen là bài toán cần phải xử lý ngay. Tuy nhiên để thực sự ngăn chặn được vấn nạn này thì cần sự đồng bộ nhiều giải pháp và sự phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan.
Theo số liệu thống kê chưa chính thức của Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116 của Chính phủ vào cuối tháng 12-2018, ước tính dư nợ cho vay của các hoạt động tín dụng "đen" vào khoảng 2.500 tỷ đồng. Trong bốn năm qua, cả nước có tới 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng "đen", với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo...Lực lượng cảnh sát hình sự đang theo dõi, quản lý 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi.