VNHN - Con số thống kê chưa đầy đủ mà Bộ Công an mới công bố gần đây khiến không ít người giật mình khi chỉ trong 4 năm gần đây, toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, có khoảng 170 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
P đang giao dịch với khách vay tiền. Ảnh: Hoàng Nguyên
Vươn “vòi bạch tuộc” ngang nhiên lộng hành
Vào Google, nhập từ khóa “cho vay nóng lãi suất thấp”, trong khoảng nửa giây cho ra hơn 4 triệu kết quả là những lời quảng cáo hỗ trợ tín dụng hấp dẫn đến khó tin bủa vây từ làng quê đến khắp các phố phường. Thậm chí theo như quảng cáo thì chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là có tiền tươi mang đến tận nhà. Nhưng trên thực tế, trả nợ được hay không lại không hề đơn giản(?)
Theo khảo sát của phóng viên Việt nam hội nhập, hình thức cho vay nặng lãi với những mỹ từ như “Hỗ trợ tài chính lãi suất cực thấp”, “Cho vay không tín chấp”, “Nhấc máy có tiền ngay”… được giới cho vay nặng lãi quảng cáo khắp nơi để hút khách. Từ các tờ rơi được dán khắp mọi ngõ ngách đến các trang mạng xã hội, dường như cơn lốc tín dụng đen ngày càng vươn vòi bạch tuộc rộng khắp và ngang nhiên lộng hành?
Thông qua một vài mối quan hệ, chúng tôi được làm quen với H, một đàn anh có tiếng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Theo lời H, anh có một chuỗi các cửa hàng làm dịch vụ “hỗ trợ tín dụng” tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… cùng hàng trăm đàn em luôn sẵn sàng “chờ lệnh”.
Mục sở thị một cửa hàng hỗ trợ tín dụng trong nội thành Hà Nội do đàn em của H quản lý, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ đã có tới 12 khách hàng (KH) tới nhờ “hỗ trợ”. Theo H, hầu hết những KH này là các sinh viên ham chơi hoặc người mê lô đề. Với chứng minh thư (CMT) + sổ hộ khẩu (hoặc thẻ sinh viên), tùy theo nhu cầu mà anh có thể cho vay từ 1 triệu đến hàng trăm triệu đồng, với lãi suất (được thỏa thuận bằng miệng) ít nhất là 3.000 đồng/1 triệu/1 ngày, trả theo tháng, nếu nộp chậm tiền lãi quá 4 ngày thì người vay bị phạt ít nhất là 400 nghìn đồng trở lên tùy theo số tiền vay và số ngày chậm nộp.
Bên cạnh đó, người vay phải ký vào một hợp đồng dưới dạng cho thuê, hoặc mua bán 1 sản phẩm có giá trị tương ứng với tổng số tiền vay cùng lãi suất. Trong đó có các điều khoản đều thể hiện bất lợi đối với người vay.
Ví như nếu muốn vay 5 triệu đồng thì người vay phải ký vào hợp đồng “cho thuê xe máy” đã được cửa hàng lập sẵn. Lúc này người vay là bên thuê, còn chủ cửa hàng là bên cho thuê đúng chiếc xe của người muốn vay đang sở hữu (người vay đã viết giấy bán xe - PV). Như vậy, nếu không trả tiền đúng kỳ hạn thì người vay tiền sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tương tự với các khoản vay lớn thì người vay phải ký vào hợp đồng chuyển nhượng tài sản (đã được bên cho vay thẩm định) tại phòng công chứng. Trong trường hợp này nếu không trả tiền đúng kỳ hạn thì người vay còn có nguy cơ mất luôn tài sản đã thế chấp, H chia sẻ.
Hiện nay, hoạt động cho vay theo kiểu “bốc họ” không còn phổ biến do loại hình này kén khách hàng. Có 1 dạng cho vay nhỏ hơn nhưng lại thu lợi khá tốt, đó là dành cho đối tượng là các em học sinh phổ thông ham chơi. Cụ thể, với số tiền vay chỉ 1 - 2 triệu đồng theo hạn vay không xác định thời gian, thì mỗi ngày người vay sẽ phải trả 1 khoản tiền lãi từ 30 - 50 nghìn đồng. Nếu ngày nào không nộp lãi sẽ bị phạt theo quy định đã thỏa thuận trước đó. Như vậy chỉ cần bỏ ra số tiền khoảng 30 triệu đồng cho vay thì chỉ trong 1 tháng sẽ thu được số tiền lãi đến 45 triệu đồng, H cũng cho biết.
Cùng kinh doanh giống H tại Hà Nội, nhưng P quê tại Sóc Sơn (Hà Nội) lại áp dụng phương thức khác khi anh không cần nhiều đàn em như H để sẵn sàng "đổ máu", mà dùng các chiêu trò đòi nợ nhẹ nhàng, "không giống ai" nhưng hiệu quả. Tuy nhiên đôi khi P cũng dùng đàn em để lấy “uy” với những KH “cứng đầu”. Với những KH này thì P cho đàn em ném chất bẩn hoặc túi kim tiêm dính máu...vào nhà để đe dọa gia đình con nợ.
Một điều khiến PV thực sự bất ngờ khi P chia sẻ, có những nhóm chuyên đi đòi những khoản “nợ xấu”, luôn sẵn sàng đâm chém con nợ khi hai bên xảy ra mâu thuẫn mà không lo pháp luật xử lý vì những kẻ này trong người luôn có “sổ tâm thần” làm bùa hộ mệnh.
Giấy tờ cho vay trong 1 cửa hàng tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Nguyên
Nhức nhối những hệ lụy...
Chị H vốn là chủ một doanh nghiệp có tiếng ở thành phố Bắc Giang, do cần gấp vốn để đầu tư làm ăn, chị quyết định vay 1 tỷ đồng của một người quen với lãi suất 2.500 đồng/1 triệu/ ngày. Những tháng đầu tiên chị trả đều tiền lãi gần 75 triệu đồng/ tháng. Đến tháng thứ 4, do làm ăn khó khăn nên chị không thể trả lãi đúng hạn. Chủ nợ đột ngột yêu cầu tăng lãi suất lên 3.000 đồng rồi 3.500 đồng khiến chị càng khó có khả năng chi trả. Cùng với đó, chị thường xuyên bị các đối tượng lạ mặt đến nhà quấy phá, khủng bố về tinh thần và sức khỏe, không ngày nào được ăn ngon, ngủ yên. Thậm chí, các “tay anh chị” đến tận công ty của chị để ép chị trả tiền, khiến chị bị mất hết khách hàng vì tin tức “vỡ nợ”. Nhiều khách hàng cũng nhân cơ hội này mà ngừng giao dịch, “xù nợ” nhiều khoản lớn đối với gia đình chị.
Đặc biệt, có lần do quẫn bách trong lúc bị bủa vây bởi các “tay anh chị”, dọa giết con chị nên chị đã buộc phải ký giấy vay nợ do chúng soạn sẵn, cộng dồn cả tiền gốc và lãi đến thời điểm hiện tại lên tới hơn 2,5 tỷ đồng. Chủ nợ sử dụng các giấy tờ vay thế chấp và tín chấp của chị để kiện chị và con chị ra tòa án dân sự. Được biết, đến nay, trải qua 05 lần tòa tuyên án, gia đình chị vẫn mải miết, khắc khoải kêu oan mà tòa án địa phương vẫn không thể giải quyết triệt để và thấu tình đạt lý vì lý do kháng cáo không đủ căn cứ pháp luật. Gia đình chị H vẫn mang nợ xấu và quá lớn, tài sản thì bị phát mãi, không thể làm ăn được gì, chỉ suốt ngày lo khiếu kiện và chịu tổn thất về tài sản, về sức khỏe, tinh thần vô cùng lớn.
Cuối năm 2015, dư luận cả nước bàng hoàng trước vụ trọng án tại Sóc Sơn, Hà Nội, khi thủ phạm là người mẹ đã nhẫn tâm ra tay sát hại chính đứa con ruột của mình. Nguyên nhân của tội ác này, theo lời khai của bị cáo là do gia đình quá túng quẫn khi dính vào vòng xoáy của tín dụng đen.
Theo thông tin trên báo chí, đầu năm 2012, biến cố ập đến khi chồng Sự bỗng dưng lâm bệnh hiểm nghèo. Mặc cho hết lòng chạy chữa, thậm chí bán sạch tài sản trong nhà và vay tín dụng đen, nhưng bệnh tình của anh chồng chẳng hề thuyên giảm, đến giữa năm 2013 thì anh mất.
Chồng ra đi, để lại cho Sự hai đứa con dại cùng khoản nợ hơn 600 triệu đồng. Công việc không ổn định, tài sản có giá trị trong nhà cũng đã bán hết, số tiền lại ngày một “phình” ra bởi lãi suất cao. Sự buộc phải dùng nốt căn nhà cùng mảnh đất của hai vợ chồng để gán nợ. Khó khăn nối đuôi nhau tìm đến, một mình Sự kiệt sức và không thể chèo lái. Trong những lúc ấy, Sự đã nảy sinh ý định sát hại hai đứa con rồi tự vẫn để cả gia đình cùng được giải thoát.
Trao đổi về vụ án này, nhiều chuyên gia tâm lý học cho rằng, nợ nần là một trong những lý do khiến con người trở nên hoảng loạn, không còn kiểm soát được hành vi của mình, dễ chọn các giải pháp tiêu cực. Nhất là khi họ bị đe dọa, đòi nợ ráo riết từ những nhóm đòi nợ thuê, bị những kẻ tìm cách giết người để độc chiếm tài sản bằng mọi thủ đoạn thì họ muốn tìm cho mình một lối thoát khác, khi bị đẩy vào bước đường cùng. Tự tử hoặc giết người vì nợ đều do họ không có đủ sức mạnh tinh thần, nghị lực để vượt qua khủng hoảng. Họ trượt dài trong cơn bấn loạn của mình, đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. (còn tiếp)
Mời độc giả tiếp tục đón đọc kỳ 2 ở bài viết: “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen: Bài toán phải xử lý ngay.