25/11/2024 lúc 00:31 (GMT+7)
Breaking News

VIMC cán đích năm 2022 với lợi nhuận ước đạt hơn 3.129 tỷ đồng

Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng VIMC đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao với những kết quả ấn tượng.

Chiều 6/1, phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, năm 2022, vận tải biển mặc dù đã có những thời điểm khởi sắc, tuy nhiên xu hướng chủ đạo của thị trường vẫn là đi xuống và có những thời điểm rất khó khăn như tuần đầu tiên của tháng 8 với những cú rơi tự do của thị trường. Chỉ số BDI đã giảm gần 50% xuống còn 965 điểm vào ngày 31/8/2022.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Trước bối cảnh này, với sự đồng hành của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành (BĐH) cùng sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động, VIMC đã vượt qua khó khăn, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh với những bước phát triển mới.

Theo báo cáo, năm 2022, sản lượng vận tải biển ước đạt 21,8 triệu tấn (tương đương 95% cùng kỳ năm 2021 và 113% kế hoạch năm 2022). Sản lượng hàng thông qua cảng ước đạt 124 triệu tấn (tương đương 98% cùng kỳ năm 2021 và 93% kế hoạch năm 2022), sản lượng container ước đạt 5,8 triệu TEU (tương đương 108% cùng kỳ năm 2021 và 97% kế hoạch năm 2022).

Doanh thu ước đạt 15.041 tỷ đồng (tương đương 105% cùng kỳ năm 2021 và 120% kế hoạch năm 2022). Lợi nhuận ước đạt 3.129,5 tỷ đồng (tương đương 86% cùng kỳ năm 2021 và 124% kế hoạch năm 2022).

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh nhấn mạnh, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng VIMC đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao với một số kết quả nổi bật.

Cụ thể, lợi nhuận toàn khối vận tải biển năm 2022 ước đạt 1.869 tỷ đồng (174% cùng kỳ 2021; 144% KH 2022), ngoại trừ OSTC có kết quả lỗ (ước lỗ 348 tỷ đồng, do chi phí lãi vay và khấu hao lớn), các đơn vị trong khối đều có kết quả lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng so với cùng kỳ.

Một số đơn vị vận tải biển có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nổi bật bao gồm Vosco: 659 tỷ đồng (130% cùng kỳ), VIMC Shipping: 415,5 tỷ đồng (246% cùng kỳ), Vinaship: 319 tỷ đồng (176% cùng kỳ). Ngoài ra, năm 2022, một số đơn vị đã tích cực đẩy mạnh và đạt kết quả tốt trong công tác tái cơ cấu tài chính như Bisco, Vitranschart.

Mặc dù sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu do đội tàu nước ngoài đảm nhận (chiếm đến trên 90%), song các doanh nghiệp vận tải biển container của VIMC vẫn tìm kiếm được các nguồn hàng, phát triển các tuyến dịch vụ mới và thu về những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thị trường nội địa đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Đặc biệt, nhờ kết quả của công tác tái cấu trúc nợ vay có gốc ngoại tệ với các tổ chức tín dụng trong nước trong vài năm qua nên dự nợ ngoại tệ giảm xuống mức thấp.

Với khối cảng biển, kết quả kinh doanh năm 2022 vẫn cơ bản hoàn thành được các chỉ tiêu, đóng góp tích tực vào kết quả chung. Sản lượng khối cảng biển năm 2022 ước đạt 124 triệu tấn (93% kế hoạch 2022). Lợi nhuận khối cảng biển năm 2022 ước đạt 1.550 tỷ đồng (93% kế hoạch 2022).

Một số đơn vị cảng biển đạt được kết quả nổi bật trong công tác sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường như cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Khuyến Lương. Trong đó, năm 2022, Cảng Hải Phòng đã thu hút được toàn bộ service của hãng tàu Maersk/Sealand tại khu vực Đình Vũ – Hải Phòng. 

Cảng Hải Phòng

Đặt mục tiêu năm 2023, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết Tổng công ty sẽ hoàn thiện hệ sinh thái VIMC với trọng tâm phát triển hệ thống cảng nước sâu làm cơ sở hình thành và phát triển chuỗi dịch vụ cho hàng container và hàng rời.

Tiếp tục thể chế hóa triết lý kinh doanh “Lấy khách hàng làm trung tâm”; hoàn thiện các quy trình, quy định nội bộ tại VIMC và các DNTV theo định hướng “Lấy khách hàng làm trung tâm”.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành dự án Quản trị nhân tài VIMC; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo thực tế cho đội ngũ nhân lực các cấp. Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng nguồn nhân lực tại VIMC và các DNTV.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và triển khai One System, chuẩn hóa các định mức, hoàn thiện hệ thống quy trình chuẩn, bộ tiêu chuẩn cho hoạt động quản lý và khai thác cảng biển, vận tải biển, dịch vụ logistics; Nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm như dự án đầu tư bến 3,4 Lạch Huyện, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu.

Xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, linh hoạt và hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công cụ Kaizen đổi mới liên tục; cụ thể hóa Kaizen tại VIMC và các DNTV; thúc đẩy và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn Tổng công ty.

Đánh giá cao VIMC đã vượt qua mọi thách thức, đoàn kết nỗ lực và đạt thành tích ghi nhận, phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết năm 2022, VIMC duy trì đà tăng trưởng 20% cả doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch đề ra. VIMC là điểm sáng về hoạt động tăng trưởng ổn định và lợi nhuận cao so với kế hoạch trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

VIMC đi bằng cả 2 chân bởi có thế mạnh vận tải biển, cảng biển. Phát huy được bổ trợ lẫn nhau giữa 2 lĩnh vực này thì sự tăng trưởng và phát triển bền vững theo đúng chỉ đạo của Chính phủ thời gian tới phải tăng trưởng xanh, bền vững và tăng trưởng tuần hoàn.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh cũng cảnh báo năm 2023, VIMC không thể chủ quan vì còn nhiều biến động, rủi ro khó lường như địa chính trị thế giới, lạm phát gia tăng, ảnh hưởng lượng hàng hóa vận tải, chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ giá, lãi suất… ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và VIMC.

Nguyễn Lâm