VNHN - Ở các bài trước, Việt Nam Hội nhập đã phản ánh về hàng loạt các sai phạm trong quá trình giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng dự án CCN Hoàng Mai do Công ty TNHH Nam Á (Nam Á) làm chủ đầu tư. Có hay không sự "tiếp tay" của chính quyền địa phương mà Nam Á tiếp tục bỏ qua các trình tự để dẫm đạp lên quyền lợi của dân, san lấp, xây dựng các công trình khi bà con chưa nhận đền bù. Mới đây, qua điều tra PV tiếp tục phát hiện ra một số sai phạm nghiêm trọng khác.
Dự án CCN Hoàng Mai chưa đền bù cho người dân xong nhưng đã xây dựng xong cơ bản và đi vào hoạt động
Các văn bản “lách luật” để hòng “qua mặt” cấp trên của UBND huyện Việt Yên?
Điều 58 Luật đất đai có quy định: “Địa phương muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên hoặc 20ha đất trồng rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên, để đảm bảo căn cứ thẩm định nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, UBND tỉnh phải lập hồ sơ gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý mới được phép triển khai”.
Quy định là thế, có phải với sự "bao che", "tiếp tay" của chính quyền huyện Việt Yên mà trực tiếp là ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện, ông này đã ký 2 văn bản với những con số sai lệch mà theo người dân đây là sự nhầm lẫn có chủ ý. Theo đó, trong thông báo số 05/TB-UBND ngày 01/02/2016 của UBND huyện Việt Yên về việc thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Hoàng Mai, huyện Việt Yên với diện tích đất nông nghiệp lên tới 110.985,4 m2 (tức gần 12 ha).
Trái ngược với thông báo số 05, tại Công văn phúc đáp số 227/CV-NA của Công ty Nam Á thì diện tích đất thu hồi chỉ có 9,38 ha(?).
Các văn bản thể hiện UBND huyện Việt Yên đang lập lờ để qua mặt cơ quan chức năng
Nghiêm trọng hơn nữa, theo tài liệu mà PV thu thập được, Quyết định số 1357/QĐ-UBND về việc thu hồi đất (đợt 4) để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng CCN Hoàng Mai do ông Lê Ô Pich - Chủ tịch UBND huyện Việt Yên ký, thể hiện rõ diện tích đất nông nghiệp thu hồi lên tới 14.750,9 m2. Trong đó, đất trồng lúa và đất trồng cây lâu năm chiếm 12.267,5 ha.
Vậy có hay không việc UBND huyện Việt Yên và Công ty TNHH Nam Á đang cố tình câu kết “lách luật” để “qua mặt” Chính phủ, tránh các bước phê duyệt để tự ý chuyển đổi đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm (đất nông nghiệp) thành đất dự án CCN? Xin được chuyển câu hỏi tới Bộ ngành Trung ương để tìm câu trả lời.
Quyết định thu hồi đất (lần 4) của UBND huyện Việt Yên
Dự án đã từng được Nam Á rao bán công khai trên hàng loạt các trang rao bán bất động sản
Theo Giấy Chứng nhận đầu tư của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Giang, phần quy định các chức năng mà chủ đầu tư được phép sau khi đã hoàn thành các bước và trình tự theo quy định, thì mới được đầu tư xây dựng hạ tầng cho thuê nhà xưởng, cho thuê văn phòng làm việc để thu hồi vốn.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang không có hạng mục doanh nghiệp được cấp phép bán đất dự án
Quyết định thì không hề có điều khoản hay bất kỳ câu từ nào nói Nam Á được phép bán đất, nhưng theo tìm hiểu của PV, Nam Á đã đăng thông tin bán đất rầm rộ trên hàng loạt các trang website rao bán bất động sản như: http://nhadatgiaodich.com/, https://erao.vn, https://sosanhnha.com, http://market360.vn, tinbatdongsan.com... và rất nhiều website khác nhau nữa, thậm chí các thông tin trên đã được Nam Á rao bán cùng thời điểm từ 12/12/2016 (tức chỉ sau hơn 1 năm được chấp thuận cấp phép đầu tư. Cả hàng chục trang thông tin đều giới thiệu rôm rả rằng: “Bán đất cụm công nghiệp Hoàng Mai, Việt Yên, Bắc Giang", phần giới thiệu quy mô dự án có diện tích tới 12.000 m2 tất cả đều rất chi tiết và cụ thể. Tất nhiên, tên và số điện thoại của ông Tống Văn Hiển đều có mặt ở tất cả các trang rao bán để khách hàng tiện cho việc trao đổi, buôn bán. Với những việc làm "cầm đèn chạy trước ô tô" của ông Hiển, phải chăng đất CCN Hoàng Mai đã bị Nam Á bán để chia chác từ thời điểm mà bà con còn chưa nhận đền bù,... dẫn đến những việc làm vi phạm các quy định của nhà nước sau này?
Sau nhiều ngày PV liên hệ đặt lịch làm việc, cuối cùng ông Tống Văn Hiển cũng đã nhận lời và sắp xếp một buổi làm việc chính thức với PV tại dự án CCN Hoàng Mai. Trao đổi thông tin trên với chủ đầu tư, ông Hiển hùng hồn cho biết: "Bán đất thì hiện nay doanh nghiệp chưa bán được tí nào, rao bán thì đương nhiên là có rao bán và khẳng định là doanh nghiệp được phép bán...", nghe PV hỏi lại bán hay cho thuê? dường như nhận thấy mình trả lời "hớ", ngay lập tức ông Hiển chuyển câu trả lời từ "bán" thành "bán trong khoảng thời gian nhất định ..."(?).
Ở một khía cạnh khác, theo Quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, việc đầu tư CCN phải dành 10% đất để trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, làm hạ tầng đồng bộ trước khi ký kết cho các DN kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên, tại thời điểm ghi nhận, chủ đầu tư chưa hề trồng cây xanh nào nhưng đã cho xây dựng nhà xưởng tràn lan, một số đã đi vào hoạt động rầm rộ.
Dân “bất ngờ” nhận thêm các khoản đền bù bất thường?
Theo thông tin mà bà con thôn Hoàng Mai 1,2 và 3 cung cấp, sau khi báo chí nêu một số bài viết phản ánh “khuất tất” trong quá trình thực hiện dự án, vào cuối tháng 6/2019, thì bất ngờ có một nhóm người bao gồm các trưởng thôn đã nghỉ hưu và người đại diện của Công ty Nam Á có đi đến một số hộ gia đình (có danh sách kèm theo) để chi trả khoản tiền gọi là "diện tích đất tăng thêm"(?). Hầu hết ý kiến bà con cho biết, không hiểu vì khuất tất gì mà việc trả thêm thì người có người không, nhà được ít nhà được nhiều. Ở cùng thửa đất nhà thì có tên trong danh sách nhà thì không có tên(?). Phải chăng có “mờ ám” gì đó. Công ty Nam Á đang cố tình hợp thức hóa các sai phạm?
Danh sách các hộ bất ngờ được nhận thêm tiền
Hiện phía Công ty Nam Á vẫn tiếp tục "đi đêm", trực tiếp đàm phán giá cả đền bù với các hộ dân gây hoang mang trong dư luận, vô hình chung khiến bà con cho rằng đây là dự án của tư nhân và giá cả đền bù DN phải đứng ra thỏa thuận với dân khiến công tác đền bù GPMB diễn biến phức tạp.
Trong buổi tiếp xúc với người dân, trao đổi với PV, ông Đoàn Cảnh Giầu thôn Hoàng Mai 2 cho biết: "Hiện tôi đã nhận đền bù từ 8/2018, giá hơn 158 triệu/sào, gấp đôi so với giá quy định của nhà nước"(?). Thậm chí, trường hợp của ông Đoàn Cảnh Lực, thôn Hoàng Mai 2 có diện tích 60 m2 đất đã bị Công ty Nam Á xây dựng được ông Hiển thỏa thuận đồng ý chi trả 1 triệu/m2, nhưng ông vẫn không nhận vì Nam Á không viết phiếu (ông Hiển chỉ đồng ý trả 1 triệu/m2 nếu chấp nhận chỉ viết phiếu trả theo quy định nhà nước là 78 triệu/sào). Nhiều hộ dân khác phản ánh với PV đã nhận hoặc được Nam Á thỏa thuận với nhiều mức giá khác nhau. Với những động thái trên của Nam Á, việc người dân cho rằng đây không phải là dự án do nhà nước đứng ra đền bù mà DN phải thỏa thuận đền bù với dân là hoàn toàn có cơ sở.
Với hàng loạt các sai phạm bị dư luận lên án kịch liệt, gần đây nhất UBND xã Hoàng Ninh mới có động thái bằng việc ban hành Quyết định số 94/QĐ-XPHC về việc xử phạt hành chính gọi là "cho có" để xử phạt Nam Á vì hành vi vi phạm Luật đất đai, chiếm đất trồng lúa của các hộ gia đình sai quy định.
Ở chiều ngược lại, trái với quyết định số 94 của UBND xã Hoàng Ninh thì chính quyền huyện Việt Yên lại đang tích cực "trợ giúp" tạo điều kiện cho Nam Á thực hiện nốt, bằng việc đề nghị hỗ trợ lực lượng bảo vệ bao gồm: Công an huyện, công an xã và các lực lượng khác,… bảo vệ hiện trường để Chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện các hạng mục xây dựng trên các diện tích đất bà con chưa nhận đền bù(?).
Văn bản đề nghị hỗ trợ lực lượng bảo vệ để Nam Á thi công trên đất của dân
Có hay không lợi ích nhóm trong việc lãnh đạo huyện Việt Yên đang "nỗ lực" hết mình bằng mọi cách tiếp tay để Công ty TNHH Nam Á "coi trời bằng vung", hoạt động coi thường pháp luật?
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, các Bộ, ngành Trung ương liên quan vào cuộc thanh, kiểm tra, tránh để “sai phạm chồng sai phạm”, lấy lại niềm tin đang “chết dần” của người dân với chính quyền huyện Việt Yên.