Toàn cảnh Hội nghị
Tính đến nay, tại thành phố Đông Hà có 1.407.631 m2 đất đã được giải phóng khỏi ô nhiễm bom mìn vật nổ sau hoạt động rà phá với 15.668 vật liệu nổ được tìm thấy và xử lý an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn đến 5.853.750 m2 đất ô nhiễm chưa được rà phá, chủ yếu tại các khu vực ruộng lúa và đất rừng sản xuất. Đây là khu vực trung tâm kinh tế trọng điểm của toàn tỉnh, mức độ ô nhiễm bom mìn còn sót lại sau chiến tranh còn cao, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tai nạn bom mìn, do đó cần được ưu tiên làm sạch sớm để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân. Để đạt được mục tiêu hoàn thành rà phá tại 1 địa phương trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để áp dụng bộ tiêu chí “Tỉnh an toàn” do Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh chỉ đạo, QTMAC đã lựa chọn thành phố Đông Hà và chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai rà phá các khu vực ô nhiễm bom chùm tại địa phương này trong năm 2025.
Hình ảnh ghi nhận tại Hội nghị
Tại hội nghị, QTMAC đã trình bày một cách chi tiết về kế hoạch rà phá các khu vực đã được xác định là ô nhiễm bom chùm. Kế hoạch này không chỉ đề cập đến các phương pháp và công cụ sẽ được sử dụng, mà còn đưa ra thời gian biểu cụ thể cho việc tiến hành rà phá, từ việc khảo sát ban đầu cho đến khi hoàn tất công tác rà soát và xử lý bom mìn. Hội nghị không chỉ là một cơ hội để QTMAC công bố kế hoạch mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa QTMAC, chính quyền địa phương và các tổ chức HĐBM khác. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ là chìa khóa để đảm bảo quá trình thực hiện kế hoạch diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Các bên tham gia hội nghị đã được cập nhật về tình hình thực tế của ô nhiễm bom mìn tại các khu vực xác định, cũng như những thách thức mà họ có thể gặp phải trong quá trình rà phá. Việc chia sẻ thông tin sẽ giúp các bên hiểu rõ hơn về bối cảnh hiện tại và từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp.
QTMAC đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà phá an toàn và hiệu quả các khu vực ô nhiễm bom chùm để giảm thiểu nguy cơ tai nạn cho người dân địa phương. Những nguy cơ này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của cá nhân mà còn có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Các đại biểu từ chính quyền địa phương cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho quá trình này bằng cách cung cấp thông tin địa phương, điều phối với các cộng đồng dân cư, và đảm bảo an ninh trong khu vực hoạt động. Các tổ chức HĐBM khác cũng đã có những đóng góp quan trọng trong việc chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động rà phá bom mìn. Họ đã nhấn mạnh rằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình phát hiện và xử lý bom mìn là rất quan trọng; bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy hiểm của vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ.
Hội nghi đưa ra lộ trình hành động cụ thể đã được xác định với các mốc thời gian rõ ràng cho từng giai đoạn của kế hoạch rà phá. Mỗi bên tham gia đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo sự thành công của dự án, góp phần vào mục tiêu lâu dài là biến Quảng Trị trở thành một tỉnh an toàn hơn và một môi trường sống tốt hơn cho người dân địa phương. Sự quyết tâm và hợp tác của tất cả các bên sẽ là yếu tố then chốt để đạt được thành công trong các nỗ lực này.
Thu Lương