11/01/2025 lúc 04:57 (GMT+7)
Breaking News

Việt Yên (Bắc Giang): Dự án của Công ty Nam Á có sai phạm hàng loạt?

VNHN – Theo thông tin phản ánh của người dân, Công ty TNHH Nam Á  - Chủ đầu tư Dự án “Xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hoàng Mai”  tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có hành vi tiến hành san lấp lên đất trồng lúa của bà con khi chưa có sự đồng thuận về giá cả đền bù. Để làm sáng tỏ thông tin, nhóm PV đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án.

VNHN – Theo thông tin phản ánh của người dân, Công ty TNHH Nam Á  - Chủ đầu tư Dự án “Xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hoàng Mai”  tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có hành vi tiến hành san lấp lên đất trồng lúa của bà con khi chưa có sự đồng thuận về giá cả đền bù. Để làm sáng tỏ thông tin, nhóm PV đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án.

Dự án Xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) Hoàng Mai

Theo nguyện vọng của đông đảo bà con nhân dân thôn Hoàng Mai 1, 2, 3 thì tất cả đều rất ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện đầu tư các khu, CCN nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điều mà bà con cần là trong quá trình thực hiện dự án, các thủ tục, trình tự... phải được công khai, minh bạch, không mờ ám và chủ đầu tư phải là một đơn vị có đủ tầm. Hơn hết, mọi hoạt động trong quá trình triển khai, thực hiện dự án phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Trên thực tế, sự việc diễn ra không hoàn toàn như vậy.

 Chính quyền huyện Việt Yên có đang "tiếp tay" cho sai phạm của Công ty TNHH Nam Á?

Theo thông tin phản ánh của người dân, trong khi chưa nhận được sự đồng thuận của bà con thôn Hoàng Mai 1, 2, 3  về giá cả đền bù, Công ty TNHH Nam Á đã tiến hành cho máy ủi, máy xúc vào san lấp và xây dựng các công trình nhà xưởng, tường bao, nhà bảo vệ... kiên cố khiến người dân hết sức bất bình và phản đối kịch liệt. Vậy chính quyền đã ở đâu khi Công ty Nam Á lộng quyền coi thường pháp luật, coi thường quyền lợi của nhân dân? Phải chăng có sự bao che, dung túng của chính quyền cho chủ đầu tư vì lợi ích đôi bên?

Trong buổi  làm việc, ông Phùng Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Hoàng Ninh - hầu như lảng tránh và không trả lời các câu hỏi mà nhóm PV đưa ra(?). Liệu đó là sự vô tâm của chính quyền với nhân dân hay sự bao che cho chủ đầu tư?

Khi được hỏi về nội dung cam kết của ông Tống Văn Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Nam Á ngày 08/5/2019, ông Trung cho biết, Công ty TNHH Nam Á đã thực hiện trả lại mặt bằng cho một số hộ dân. PV đề nghị ông Trung cùng vào CCN Hoàng Mai để thực tế việc ông Hiển đã thực hiện bản cam kết hay chưa, ông Trung vòng vo và cho rằng PV tự liên hệ với công ty để tác nghiệp (?).

Bản cam kết của ông Tống Văn Hiển với các hộ dân có đất bị san lấp khi chưa có sự đồng thuận

Để rộng đường dư luận, PV tiếp tục có buổi làm việc với ông Lương Ngọc Đức - TP Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên. Ông Đức cho biết, Dự án xây dựng hạ tầng CCN Hoàng Mai được thực hiện triển khai từ 2008, sau đó được tỉnh chấp thuận cho Công ty Nam Á đầu tư hạ tầng mở rộng vào 2015. Cũng theo ông Đức, để thực hiện Dự án, theo quy định của Luật đất đai, đối tượng có đất trong CCN là đối tượng nhà nước thu hồi đất, không phải đối tượng thỏa thuận.

Vậy có hay không việc doanh nghiệp "đi đêm" để tự thỏa thuận giá cả đền bù với dân? Ông Đức cho biết, không nắm được thông tin và "... doanh nghiệp không được phép tự ý thỏa thuận với dân, nếu có thì việc xử lý phải theo căn cứ quy định riêng và do cơ quan khác đứng ra xử lý" (?).

Ông Đức cũng thừa nhận có biết việc Công ty Nam Á tiến hành san lấp lên đất của dân khi chưa được phép và chỉ yêu cầu khắc phục, còn việc doanh nghiệp khắc phục chưa thì ông cũng trả lời lấp lửng.

Ông Lương Ngọc Đức - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên trong buổi làm việc với nhóm PV

Trong khi đó, ngày 28/5/2019, UBND huyện Việt Yên đã tổ chức cuộc cưỡng chế đối với 17 hộ dân chưa nhận tiền đền bù. Buổi cưỡng chế với sự tham gia của đông đảo công an và các phòng ban chức năng huyện Việt Yên. Bên trong các máy ủi, máy xúc vẫn hoạt động hết công suất mặc cho nhân dân ở ngoài phản đối bất lực. Hình ảnh công an giật băng rôn, trống của bà con dẫn đến xung đột, to tiếng tạo ra hình ảnh phản cảm với người đi đường.

Hình ảnh buổi cưỡng chế ngày 28/5/2019

Theo một số hộ dân, mặc dù không có tên trong danh sách bị cưỡng chế thu hồi nhưng khu đất của họ vẫn bị cho máy móc san lấp và xây dựng (?). Sự việc đạt đến đỉnh điểm khi vào sáng hôm sau, dân biểu tình bằng cách đưa hàng chục xe container chặn kín cổng chính, không cho các xe ra vào CCN. Diễn biến hết sức phức tạp nhưng chính quyền vẫn đứng ngoài cuộc (?).

Đoàn xe Container nối dài, chặn kín không cho xe ra vào CCN

 Công ty Nam Á che giấu thông tin, né tránh trả lời báo chí?

Trong quá trình tiếp cận với Công ty TNHH Nam Á để làm rõ nội dung trên, PV nhiều lần liên lạc với ông Tống Văn Hiển – Giám đốc Công ty nhưng không nhận được phản hồi

Sau nhiều ngày chờ đợi, PV được ông Hiển cho gặp một người tên Thanh ngoài quán cà phê(?). Ông Thanh tự giới thiệu mình là trợ lý cho ông Hiển và "đã từng học luật"(?). Khi được hỏi "quán cà phê có tiện làm việc?" Ông này trả lời đã được ông Hiển phân công làm việc(?). PV tiếp tục hỏi ông Thanh "có thể trả lời phỏng vấn được không?", câu trả lời là "không trả lời phỏng vấn và không chấp nhận phỏng vấn"(?).

Người xưng tên Thanh tiếp nhóm PV tại quán cà phê

Cuối giờ chiều hôm sau, chúng tôi tiếp tục được phía Công ty Nam Á hẹn gặp ông Hiển ngoài quán cà phê(?). Tại quán cà phê, tuy chưa làm việc nhưng với thái độ căng thẳng và dè chừng, ông Hiển im lặng và xin phép không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của PV kể cả các câu hỏi ngoài lề(?). Đến khi trời gần tối, ông Hiển mới mời nhóm PV về CCN Hoàng Mai để làm việc.

Chúng tôi được bảo vệ dẫn vào một khu nhà tối tăm, không ánh đèn và có thể nói rằng là khoảng tối nhất trong CCN Hoàng Mai. Ông Hiển và người tên Thanh hôm trước tiếp chúng tôi ngoài quán cà phê đã ngồi sẵn ở góc phòng và lên tiếng mời chúng tôi vào. Sau một hồi im lặng và kiểm tra giấy giới thiệu của PV, chúng tôi được ông Hiển thông báo rằng do chúng tôi chưa có thẻ nhà báo nên hẹn khi nào có thẻ nhà báo thì sẽ làm việc(?). PV giải thích về luật báo chí và hỏi lại ông Hiển"giấy giới thiệu có đủ điều kiện làm việc không thì ông Hiển từ chối trả lời (?). Thật khó hiểu với những hành động “kỳ quặc” của vị Giám đốc công ty này.

Phải chăng Công ty Nam Á đang cố tình né tránh và che giấu những việc làm sai trái của mình trước dư luận (?).

Hình ảnh ông Hiển tiếp nhóm PV trong căn phòng tối om không bật điện

Hàng loạt các dấu hiệu sai phạm khác của dự án

Để tiếp cận thông tin về việc làm sai trái của Công ty Nam Á, san lấp xây dựng công trình  lên đất ruộng của bà con khi chưa có sự đồng thuận trong đền bù GPMB, PV đã đặt lịch làm việc tại các cơ quan quản lý huyện Việt Yên nhưng tất cả đều từ chối, không hợp tác (?).

Phải chăng cả hệ thống chính quyền huyện Việt Yên đang cố tình che giấu, tiếp tay công khai cho doanh nghiệp hoạt động phi pháp “bỏ rơi” quyền lợi chính đáng của nhân dân (?).

Dư luận đặt ra câu hỏi đây thực chất là một hay hai Dự án khác nhau? Tại sao lại bị tách ra làm nhiều giai đoạn, phải chăng mục đích là để tránh phải xin chủ trương phê duyệt của Thủ tướng chính phủ? Vì tổng diện tích lần một và lần hai của dự án CCN Hoàng Mai (lần hai do Công ty TNHH Nam Á đang làm chủ đầu tư có diện tích 11,39 ha và đang bị nhân dân Hoàng Mai 1,2 và 3 phản đối kịch liệt do vi phạm luật trong quá trình triển khai) là trên 17 ha.

Dự án từng chậm tiến độ, bị giãn hoãn, và nếu làm đúng tại sao lại né tránh báo chí và không thể công khai đến dư luận. Chính quyền huyện Việt Yên đã làm gì để kiện cáo kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân?

Theo một hướng tiếp cận khác, theo trả lời của ông Phùng Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Hoàng Ninh thì Dự án đã triển khai đạt tiến độ trên 90%. Và theo tài liệu mà Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cung cấp, theo Quyết định số 554/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Thanh Sơn kí ngày 21/9/2018 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho Công ty Nam Á thuê đất (đợt 1) để thực hiện DA ĐTXD hạ tầng CCN Hoàng Mai, với diện tích là 63.908,9 (trên tổng diện tích 11,39 ha) chỉ chiếm khoảng hơn 50% tổng diện tích của dự án do Công ty Nam Á thực hiện. 

Quyết định chuyển đổi hơn 6,3 ha của UBND tỉnh Bắc Giang

Vậy còn khoảng gần 50% diện tích đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng (tức vẫn là đất nông nghiệp và chưa được phép xây dựng). Như tiến độ mà ông Trung nói (trên 90% đã xây dựng), liệu Công ty Nam Á có cầm đèn chạy trước ô tô để qua mặt cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang, vi phạm nghiêm trọng quy định về xây dựng trên đất nông nghiệp với diện tích cả vài ha?

Đề nghị cơ quan chức năng Trung ương và UBND tỉnh Bắc Giang vào cuộc xem xét năng lực, trình tự triển khai dự án của Công ty TNHH Nam Á, làm rõ những vấn đề trên và trách nhiệm của Lãnh đạo huyện Việt Yên. Đồng thời, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tập thể nếu để xảy ra sai phạm, gây mất lòng tin trong nhân dân.