19/11/2024 lúc 05:32 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Việt Yên (Bắc Giang): Doanh nghiệp tự ý triển khai dự án khi chưa được người dân đồng thuận

​​​​​​​VNHN - Trên tổng diện tích 17,44 ha đất công của bà con nhân dân thôn Hoàng Mai 1, 2, 3 xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang thuộc Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hoàng Mai”, doanh nghiệp đã tự ý triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, san lấp mặt bằng khi chưa được sự đồng ý, thống nhất của nhân dân. Có hay không sự ”tiếp tay” của chính quyền địa phương? 

VNHN - Trên tổng diện tích 17,44 ha đất công của bà con nhân dân thôn Hoàng Mai 1, 2, 3 xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang thuộc Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hoàng Mai”, doanh nghiệp đã tự ý triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, san lấp mặt bằng khi chưa được sự đồng ý, thống nhất của nhân dân. Có hay không sự ”tiếp tay” của chính quyền địa phương? 

    Qua đơn thư phản ánh của các hộ dân tại thôn Hoàng Mai 1, 2, 3 xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang gửi tới Toà soạn Việt Nam Hội Nhập về việc Công ty TNHH Nam Á tự ý triển khai đưa máy móc trang thiết bị vào triển khai xây dựng, san lấp mặt bằng trong khi chưa được sự thoả thuận thống nhất giữa người dân và doanh nghiệp. Để nắm rõ hơn về nội dung phản ánh trên, nhóm PV Việt Nam Hội Nhập đã về địa phương tìm hiểu, xác minh thông tin.

    Được biết, đây là dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hoàng Mai” được UBND tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận Đầu tư số 20121000641 cấp lần đầu cho Công ty TNHH Nam Á ngày 24/6/2015 với quy mô 17,44 ha (đã bao gồm cả phần diện tích của các nhà đầu tư đang hoạt động).

   Ngày 13/5/2019, trong buổi làm việc với bà con thôn Hoàng Mai 1,2,3 có các hộ gia đình: Bà Nguyễn Thị Năm, ông Nguyễn Văn Thành, ông Đoàn Cảnh Hữu, ông Nguyễn Cảnh Giầu,... cùng một số hộ gia đình khác có diện tích đất nằm trong dự án tại cụm công nghiệp Hoàng Mai.

  Trao đổi với PV, ông Nguyễn Cảnh Giầu - thôn Hoàng Mai 2 cho biết: “Gia đình ông có tổng diện tích đất 637 m2, nằm trong dự án thuộc Cụm công nghiệp Hoàng Mai. Gia đình ông đã nhận được số tiền đền bù của 421 m2 với tổng số tiền là 91.441.200 đồng, còn 206 m2 chưa nhận được số tiền đền bù. Bất cập ở chỗ, doanh nghiệp chỉ thoả thuận đền bù trên giấy tờ với số tiền 78.192.000 đồng, số tiền 13.249.200 đồng còn lại, doanh nghiệp không kê khai vào trong biên bản, giấy tờ thoả thuận đền bù” (?).

  Số tiền còn lại tại sao không công khai, kê khai vào giấy tờ thoả thuận đền bù giữa người dân và doanh nghiệp? Phải chăng có sự “mập mờ” từ phía doanh nghiệp? Diện tích còn lại 206 m2 bao giờ mới được đền bù?

Trong khi đó, sự việc còn chưa nhận được sự thoả thuận, thống nhất của gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình khác, doanh nghiệp đã “tranh thủ” tận dụng những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, tự ý cho xe ủi đất đá, xây dựng tường bao, phòng bảo vệ,… trên phần diện tích đất của người dân Hoàng Mai. Đặc biệt, những hoạt động trên diễn ra vào đêm khiến người dân không hề hay biết. Hiện ông Giầu và các hộ gia đình không thể xác định được vị trí đất của mình do đất san lấp đã đổ đè lên.  Trước hành động coi thường pháp luật trắng trợn của Công ty TNHH Nam Á, đứng đầu là ông Tống Văn Hiển - Giám đốc Công ty, nhân dân rất bức xúc và yêu cầu doanh nghiệp phải giải thích công khai minh bạch hành động trên.

Người dân tập trung tại Cụm Công nghiệp Hoàng Mai yêu cầu doanh nghiệp trả lại mặt bằng cho người dân

   Ngày 09/5/2019, UBND Xã Hoàng Ninh đã có động thái gửi giấy mời thông báo đến một số hộ dân thuộc thôn Hoàng Mai 1,2,3 nhưng không mời hết để tham gia hội nghị đối thoại với chính quyền và đại diện Công ty TNHH Nam Á(?).

   Sáng ngày 13/5/2019, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên có cuộc đối thoại trực tiếp với người dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, xem xét ý kiến, kiến nghị của các hộ gia đình trước khi tổ chức cưỡng chế thu hồi đất. Cuộc đối thoại diễn ra tại Nhà Văn Hoá thôn Hoàng Mai 1, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và kết thúc một cách nhanh chóng, khó hiểu trước sự bàng hoàng, phẫn nộ của người dân.

   Ông Giầu chia sẻ thêm với PV: “Ông và một số hộ gia đình khác cũng là người dân có diện tích đất nằm trong Dự án trên nhưng không nhận được Giấy mời thông báo tham dự cuộc họp của chính quyền địa phương mà chỉ có một số hộ gia đình được mời. Ông yêu cầu phía chính quyền giải thích lý do nhưng đều không nhận được câu trả lời thoả đáng.” Phải chăng có sự  mờ ám, chia rẽ sự đoàn kết của nhân dân nhằm đạt được mục đích không minh bạch của chính quyền? 

“Gia đình tôi và bà con người dân sẽ rất ủng hộ nếu dự án vì mục đích chung của Quốc Gia, xây dựng các công trình phục vụ cho Quốc phòng, công ích xã hội. Nhưng nếu Chính quyền thu hồi đất mà có dấu hiệu lợi ích nhóm, dự án không công khai, minh bạch thì người dân chúng tôi không ủng hộ, mất niềm tin ở Đảng và Nhà nước”, ông Giầu bức xúc chia sẻ.

   Cụ thể luật đất đai 2013 quy định các căn cứ để Nhà nước thu hồi đất với từng nhóm đất thu hồi như sau:

   Thứ nhất: Đối với các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, căn cứ để Nhà nước thu hồi đất được Nhà nước quy định tại Điều 63 Luật đất đai 2013, cụ thể là:

(1) Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật đất đai 2013 (là các trường hợp mà Nhà nước quy định thuộc trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng);

(2) Kế hoạch sử dụng đất, hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

(3) Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.

   Thứ hai: Đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai thì việc thu hồi đất phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thấm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai (khoản 2 Điều 64 Luật đất đai 2013)

   Theo tìm hiểu của PV, trước đó một số hộ dân đã nhận được tiền bồi thường trong đó có trường hợp có hộ gia đình nhận cao nhất số tiền đền bù lên tới 150.000.000 đồng/sào (360 m2). Có hộ gia đình chỉ nhận được mức đền bù 78.192.000 đồng/1sào. Cũng có hộ gia đình lại được doanh nghiệp cử nhân viên “đi đêm” về trực tiếp tại một số hộ gia đình, trong đó có gia đình nhà bà Vũ Thị Huynh để thoả thuận mức đền bù 120 triệu đồng/sào nhưng phía gia đình bà Huynh không đồng ý.  Câu hỏi được đặt ra là tại sao cùng một dự án mà có sự chênh lệch về giá đền bù khác nhau đến vậy? Tại sao giá đền bù không công khai minh bạch trước toàn thể bà con nhân dân vào ban ngày mà phải cử nhân viên “đi đêm” về thoả thuận với từng hộ gia đình? Dự án trên của Nhà nước hay tư nhân? Đây là những thắc mắc chưa có lời giải đáp của nhân dân trong suốt thời gian qua.

Đất đá đổ tràn lan vào diện tích đất của bà con người dân

   Ngoài ra PV còn được người dân cung cấp toàn bộ giấy tờ liên quan đến dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Hoàng Mai. Đáng lưu ý, trong đó có bản cam kết viết tay do ông Tống Văn Hiển - Giám đốc Công TNHH Nam Á là người trực tiếp viết vào ngày 08/5/2019 có xác nhận của UBND Xã Hoàng Ninh. Theo nội dung bản cam kết, đến ngày 13/5/2019, doanh nghiệp sẽ dọn sạch sẽ toàn bộ đất san lấp vào ruộng để trả lại mặt bằng cho người dân, đồng thời tạo lại lối thoát nước cho bà con sử dụng.

Văn bản mà ông Tống Văn Hiển đã ký cam kết sẽ dọn sạch đất san lấp trả lại mặt bằng cho bà con người dân.

 Cam kết bằng văn bản, liệu có “thực hiện” như đã ký ?   

16h chiều cùng ngày 13/5/2019 nhóm PV đã có mặt tại Dự án Cụm công nghiệp Hoàng Mai để tìm hiểu thực tế khu đất của bà con mà Công ty TNHH Nam Á đã cam kết sẽ dọn sạch đất san lấp trả lại mặt bằng cho bà con chủ ruộng. Tại thời điểm nhóm PV có mặt, khu đất vẫn đang trong tình trạng chưa dọn dẹp như cam kết của doanh nghiệp. Thậm chí một số công trình đã và đang được xây dựng kiên cố, đặc biệt là phòng bảo vệ, tường bao, các công trình nhà xưởng,... trên phần đất của các hộ gia đình.

Phòng bảo vệ cùng những bức tường gạch xi măng đã được xây dựng kiên cố trên phần đất của nhân dân khi chưa thống nhất được phương án đền bù

 Theo phản ánh của bà con nhân dân thôn Hoàng Mai, thì dự án này là chủ trương của Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2003. Mặc dù dự án đã được triển khai từ lâu, tuy nhiên do công tác Giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn vì diện tích đất quy hoạch dự án nằm trên vùng đất ruộng cơ bản của người dân. Đã có một số doanh nghiệp về xây dựng nhà máy hoạt động, tuy nhiên tất cả đều gặp sự phản ánh, bức xúc, bất bình của người dân về công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy dự án xây dựng Cụm Công nghiệp Hoàng Mai bị chậm tiến độ, tuy nhiên đến năm 2015 UBND tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Công ty TNHH Nam Á được phép xây dựng tiếp tục triển khai dự án. Từ đó đến nay công ty xây dựng hàng loạt các nhà xưởng trên đất của bà con nhân dân rồi cho doanh nghiệp khác thuê lại. Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao các công trình xây dựng kiên cố, to lớn như vậy mọc lên trong khi vẫn chưa thoả thuận được giá cả đền bù với bà con nhân dân Hoàng Mai mà Chính quyền “không hề hay biết” hay cố tình “làm ngơ” (?).

Biển quảng cáo cho thuê Khu nhà xưởng của Công ty TNHH Nam Á và doanh nghiệp đang triển khai cho thiết bị máy móc đổ đất san lấp vào diện tích đất của bà con nhân dân

Để đảm bảo công bằng dân chủ, giải quyết những bức xúc cho bà con nhân dân thôn Hoàng Mai 1,2,3, đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang cùng các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc tìm hiểu xác minh, giải quyết sự việc nêu trên để kịp thời trả lời dư luận.