22/01/2025 lúc 16:02 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh khắc phục tình trạng suy thoái các giống cam đặc sản

Tình trạng khai thác vườn cam Khe Mây và cam Bù Hương Sơn, đây là hai giống cam truyền thống nức tiếng của Hà Tĩnh nhưng đầu tư thâm canh lại không đảm bảo quy trình kỹ thuật, đặc biệt là việc cung cấp lượng phân bón không đầy đủ, cùng với đó là giống bị thoái hoá, đất bạc màu, việc phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại chưa đúng cách, đã làm suy thoái nghiêm trọng các vườn cam đặc sản Hà Tĩnh.

Với lợi thế diện tích đất vườn đồi lớn, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, hiệu quả kinh tế mang lại từ cây cam cao hơn cây trồng khác,... vì vậy, những năm qua diện tích cam Hà Tĩnh ngày một tăng cao. Năm 2016, diện tích trồng cam của tỉnh mới đạt 2.360 ha, đến năm 2023 diện tích đạt 7.237 ha chiếm 41,4% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, tập trung vào 4 huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê và Can Lộc. Trong đó, cam chanh có tổng diện tích khoảng 5.900ha chiếm trên 33,7%, diện tích cam bù 1.400ha chiếm khoảng 8% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh.

Do thoái hóa giống, dịch bệnh và đất bị thoái hóa; khả năng đầu tư thâm canh, kỹ thuật canh tác có rất nhiều vườn cam bù đang bị xuống cấp, suy thoái

Tuy nhiên, hiện nay ở Hà Tĩnh có rất nhiều vườn cam đang bị xuống cấp, suy thoái với những biểu hiện như ra quả cách năm, ra quả ít, quả nhỏ, mẫu mã và chất lượng kém, năng suất thấp,... với tuổi thọ trung bình của vườn cam khoảng 10-15 năm, những vườn cam canh tác tốt tuổi thọ 25-30 năm, trong khi nhiều vườn cam sau trồng 5-7 năm đã xuống cấp có biểu hiện già cỗi, suy thoái.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh: Đến nay, diện tích cây ăn quả có múi sinh trưởng phát triển kém là 1.227,4 ha, diện tích cây chết 170,9 ha. Cây cam Chanh, diện tích sinh trưởng kém 681,3 ha, diện tích cây bị chết 66,9 ha. Cây cam Bù, diện tích sinh trưởng kém 210,7 ha, diện tích cây bị chết 46,5 ha

Đánh giá sơ bộ của Viện Nghiên cứu Rau quả, nguyên nhân chủ yếu là do thoái hóa giống, dịch bệnh và đất bị thoái hóa; khả năng đầu tư thâm canh, kỹ thuật canh tác,...  Tuy nhiên, có thể thấy vấn đề cây thiếu dinh dưỡng, bệnh greening và các bệnh do nấm là một trong các nguyên nhân chính khiến vườn cam xuống cấp, suy giảm năng suất, chất lượng, từ đó dẫn đến thiếu đầu tư kinh phí, kỹ thuật để chăm sóc càng khiến cam suy thoái nặng.

Số diện tích cam Khe Mây nếu không đầu tư chăm sóc hồi phục thì nguy cơ ngày một suy thoái hàng trăm ha.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2023 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện mô hình “Khắc phục tình trạng suy thoái cam Khe Mây huyện Hương Khê và cam Bù huyện Hương Sơn”. Mô hình thực hiện với quy mô 4ha, bao gồm: 2ha cam Chanh tại vùng Khe Mây, xã Hương Đô, huyện Hương Khê và 2ha cam Bù tại xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn.

Quá trình thực hiện mô hình cho thấy việc canh tác tại các địa phương còn gặp một số khó khăn như: diện tích trồng cam của các hộ khá lớn, địa hình vườn phức tạp, độ dốc của vườn lớn, sử dụng giống không đảm bảo chất lượng,… Ngoài ra, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào và nhân công tăng, chi phí sản xuất cao nên người sản xuất không chú trọng đầu tư chăm sóc, dẫn đến chất lượng vườn cam ngày càng giảm, diện tích cam bị suy thoái ngày một tăng.

Qua khảo sát, đánh giá trực tiếp tại các vườn cam thuộc mô hình lựa chọn, cho thấy: Các vườn cam đều biểu hiện xuống cấp do thiếu dinh dưỡng, một số cây bị sâu bệnh kết hợp thiếu dinh dưỡng nên có hiện tượng suy thoái nặng. Trong đó, 2 vườn cam chanh số cây có hiện tượng xuống cấp và biểu hiện suy thoái chiếm 50% tổng số cây thực hiện mô hình, số cây già cỗi bị sâu bệnh hại phải phá bỏ chiếm từ 24-28%; tại 2 vườn cam Bù thuộc mô hình có số cây biểu hiện suy thoái chiếm từ 75-87,5%, số cây bị sâu bệnh hại nặng phải chặt bỏ chiếm 5-8%. Số cây có biểu hiện suy thoái nhưng có khả năng khôi phục ở cam Chanh khoảng 22-26%; vườn cam Bù khoảng 65-82% (chủ yếu là cây thiếu dinh dưỡng và cây bị sâu bệnh hại một phần tán).

Ông Phan Đức Hải, cán bộ kỹ thuật - Phòng Chuyển giao khoa học kỹ thuật, Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: “Trước khi tham gia mô hình có thể nhận thấy các hộ áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác trong sản xuất cam còn nhiều hạn chế, nhất là công tác quản lý cỏ dại, che tủ giữ ẩm, tỉa cành và thu hoạch quả. Công tác phòng trừ sâu bệnh hại cam theo kinh nghiệm, chưa chú trọng áp dụng Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất cam. Vì vậy, hiệu quả sử dụng thuốc BVTV không cao, sâu bệnh gây hại mạnh (nhất là sâu đục thân, cành và bệnh vàng lá thối rễ) làm cây xuống cấp dẫn đến suy thoái nhanh”.

 Căn cứ vào các nguyên nhân gây suy thoái, cán bộ kỹ thuật đã cùng chủ hộ xây dựng kế hoạch khắc phục phù hợp với từng đối tượng, bên cạnh đó sẽ loại bỏ một số cây không thể hồi phục

Trên cơ sở kết quả phân tích và đánh giá đất trồng cam lần 1 (đầu kỳ) của mô hình, cán bộ kỹ thuật kiểm tra pH hiện tại của đất, đối chiếu với quá trình canh tác chăm sóc của hộ và tham chiếu Quy trình canh tác cây cam của Viện Nghiên cứu Rau quả, từ đó cùng với hộ tham gia mô hình điều chỉnh, bổ sung lượng vật tư phân bón cũng như các biện pháp canh tác, như: Tăng lượng phân chuồng, phân vi sinh và vôi, giảm bón phân vô cơ, chia làm nhiều đợt bón; khi bón tiến hành xăm đất, rải phân và dùng đất cùng vật liệu tủ gốc che phủ (không đào rãnh quanh tán). Tỉa cành hợp lý, quản lý có dại, giữ ẩm vườn cây,…

Căn cứ vào các nguyên nhân gây suy thoái, cán bộ kỹ thuật đã cùng chủ hộ xây dựng kế hoạch khắc phục phù hợp với từng đối tượng, kết quả như sau: cây có biểu hiện suy thoái do thiếu dinh dưỡng đã được khắc phục 715 cây đạt 100%, những cây này đã và đang sinh trưởng và phát triển khá tốt, năng suất cao hơn so với những vườn ngoài mô hình. Những cây có biểu hiện già cỗi và sâu bệnh hại nặng không thể khôi phục đã chặt bỏ, có 2 hộ cam Bù trồng mới thay thế được 55 cây, hộ cam Chanh chưa chuẩn bị trồng thay thế. Những cây bị sâu bệnh hại nặng làm mất thân chính hoặc một phần tán, đã xử lý theo phương pháp đốn phớt và đốn đau, nuôi cành bổ sung, có 63 cây (chiếm 47%) được khắc phục theo phương pháp này, hiện giờ cành sinh trưởng khá tốt, bắt đầu phân cành cấp 2-3.

Ông Nguyễn Văn Thắng tại thôn 9, xã Sơn Trường (Hương Sơn, Hà Tĩnh), một hộ tham gia mô hình cho biết: “Mô hình đã giúp chúng tôi giữ lại được vườn cam, không phải phá bỏ 30-50% số cây bị suy thoái như dự kiến; việc giữ lại vườn cam đồng nghĩa giữ lại được công ăn việc làm và nguồn thu nhập chính của gia đình. Mặt khác, nhờ áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác, cây sinh trưởng và phát triển tốt, giảm sâu bệnh hại, giảm chi phí thuốc BVTV, giảm nhân công, năng suất và tỷ lệ quả loại 1 cao hơn ngoài mô hình nên thu nhập dự kiến cao hơn năm trước”.

Nhờ các hộ áp dụng kỹ thuật canh tác khá đồng bộ nên vườn cam ít nhiễm sâu bệnh hại nặng; đồng thời, các hộ áp dụng tốt quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, phòng trừ kịp thời nên mức độ gây hại của sâu bệnh trên vườn không cao. Nhìn chung, các vườn cam sinh trưởng và phát triển khá tốt; lộc và hoa ra tập trung, tỷ lệ đậu quả cao, kích thước quả đồng đều hơn so với năm 2022 cũng như ngoài mô hình. Vườn cam Chanh năng suất đạt trên 10 tấn/ha, tăng 100% so với năm 2022. Năng suất cam Bù cao hơn năm 2022 khoảng 20-25%; tỷ lệ quả loại 1 đạt khoảng 50-60%, cao hơn năm 2022 15-20%.

Ông Đinh Văn Nhâm, thôn 1, xã Hương Đô (Hương Khê, Hà Tĩnh) phấn khởi nói: “Nhờ tham gia vào mô hình mà chúng tôi hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất và các kỹ thuật canh tác, đồng thời khi áp dụng cần điều chỉnh để phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như thực trạng của vườn. Việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, giúp bảo vệ môi trường đất, tạo điều kiện cho cây cam sinh trưởng phát triển tốt, giảm tỷ lệ cây xuống cấp và suy thoái, giảm thiệt hại do phải phá bỏ những vườn có hiện tượng suy thoái; vườn cam phát triển ổn định, bền vững góp phần giữ công ăn việc làm cũng như nguồn thu nhập chính của các hộ sản xuất cam”.

Nhờ áp dụng quy trình canh tác bài bản, khoa học, giữ lại được vườn cam, không phải phá bỏ số cây bị suy thoái như dự kiến

Việc kết hợp hài hòa kỹ thuật của Chương trình Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), Kỹ thuật canh tác cây cam theo VietGAP, Trồng trọt hữu cơ (DT 3 - TCVN 11041-2-2017) áp dụng đồng bộ vào canh tác trên vườn cam giúp người làm vườn quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại và quản lý kinh tế phù hợp để sản xuất an toàn tạo sản phẩm an toàn, phục hồi sức khỏe cho đất giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt là tiền đề để khắc phục hiện tượng suy thoái của vườn cam trong những năm gần đây. Mô hình đã giúp các hộ dân tìm hiểu và xác định nguyên nhân làm vườn cam suy thoái, áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý, khôi phục vườn cam có hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: Để phát huy hiệu quả các giải pháp áp dụng trong việc khắc phục tình trạng suy thoái cam đã thực hiện tại mô hình năm 2023, đồng thời từng bước hoàn thiện các giải pháp làm cơ sở dữ liệu cho công tác xây dựng tài liệu hướng dẫn khôi phục tình trạng suy thoái cam Khe Mây và cam Bù Hương Sơn, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Khắc phục tình trạng suy thoái cam Khe Mây tại Hương Khê và cam Bù tại Hương Sơn”. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV, các phòng chuyên môn huyện Hương Khê, Vũ Quang và các địa phương đánh giá quá trình thực hiện để hoàn thiện giải pháp, xây dựng tài liệu kỹ thuật./.

Hữu Ngọc - AB

...