
Từ truyền thống đến số hóa
Việc ứng dụng những thành tựu công nghệ kỹ thuật của thời đại số vào lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý, giảng dạy và học tập,... được hiểu là chuyển đổi số giáo dục. Trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra rằng giáo dục được coi là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, từ đó thông qua nhiều đạo luật với nội dung tương tự để tạo điều kiện hình thành nên một hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai công tác chuyển đổi số giáo dục.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi số giáo dục một cách toàn diện và sâu sắc. Hàng loạt chính sách và quyết định đã được ban hành nhằm đảm bảo việc ứng dụng công nghệ hiệu quả nhưng vẫn giữ vững bản chất của giáo dục và đào tạo. Trong đó, đáng chú ý là các biện pháp tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân và an toàn thông tin mạng theo Công văn 4567/BGDĐT-CNTT, giúp đảm bảo môi trường giáo dục số an toàn, phù hợp với mọi đối tượng. Bên cạnh đó, Quyết định 4241/QĐ-BGDĐT về Chiến lược An toàn, An ninh mạng hướng tới năm 2025, tầm nhìn 2030, giúp ngành giáo dục chủ động ứng phó với các thách thức trên không gian mạng. Ngoài ra, Quyết định 4279/QĐ-BGDĐT về quản lý, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo cũng đã được triển khai, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số.
Nhờ những chính sách này, ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung với thông tin từ khoảng 53.000 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và hơn 442 cơ sở giáo dục đại học. Hệ thống này cũng quản lý hơn 1,6 triệu hồ sơ nhà giáo và cán bộ quản lý, hơn 24 triệu hồ sơ học sinh, đồng thời kết nối và đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đặc biệt, dữ liệu của 23 triệu học sinh đã được xác thực, làm giàu thông tin quản lý, giúp việc chia sẻ và kết nối thông tin từ Trung ương đến địa phương trở nên thông suốt. Điều này không chỉ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước một cách hiệu quả, mà còn thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành toàn hệ thống.
Việc ứng dụng công nghệ số như Internet tốc độ cao, phần mềm quản lý trực tuyến hay tích hợp các dịch vụ công giáo dục với Cổng dịch vụ công quốc gia đã mang đến những đổi mới đáng kể. Phương thức giảng dạy, học tập và kiểm tra đánh giá tại các cơ sở giáo dục đã có nhiều cải tiến, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn, phát triển năng lực cá nhân tối ưu hơn. Công tác quản lý hành chính cũng trở nên thuận tiện, giảm thiểu sai sót từ hệ thống giấy tờ truyền thống. Quan trọng hơn, những bước tiến này đang mở ra một hành lang pháp lý vững chắc, tạo điều kiện để chuyển đổi số tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần hiện đại hóa nền giáo dục Việt Nam.
Những thiếu sót của khung pháp lý trong triển khai giáo dục số
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai công tác chuyển đổi số giáo dục cũng tồn tại nhiều khó khăn. Vấn đề nằm ở việc thiếu nhận thức chuyên môn về vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong nội bộ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và ngay cả người học. Xuất hiện bộ phận có tâm lý hoang mang, lo ngại khi đã quen với cách giảng dạy và học tập theo hình thức truyền thống nhưng phải đổi sang thích nghi với những thiết bị số tiên tiến, hiện đại. Điều này gây ảnh hưởng tới tiến độ phát triển của ngành công nghiệp số trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều đơn vị chưa quan tâm, chú trọng đúng mức tới đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật số.
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục còn đáng e ngại do huy động các nguồn lực xã hội chưa hiệu quả. Do đó, xuất hiện sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng giữa các vùng, miền có mức sống khác nhau gây ra hiện tượng bất bình đẳng trong giáo dục.
Xuất hiện khoảng trống pháp lý trong điều chỉnh những mối quan hệ trên cơ sở triển khai công tác chuyển đổi số giáo dục và đào tạo. Các quy định về tổ chức, quản lý, kiểm tra và chế tài xử lý vi phạm đối với các chương trình; cách thức kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả học tập trực tuyến còn gặp nhiều sai sót, chưa được đồng bộ. Chưa có khung khổ pháp luật hoàn thiện cho các hoạt động thu thập, quản lý và sử dụng nền tảng dữ liệu, tài nguyên học liệu; cách thức phân cấp, phân quyền trong đầu tư hạ tầng, vận hành, khai thác dữ liệu thông tin chưa rõ ràng, minh bạch làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ cũng như đảm bảo an ninh mạng, an toàn dữ liệu thông tin cá nhân; đồng thời phải đối mặt với tội phạm mạng và nhiều vấn đề khác,...
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số vào giáo dục có vô vàn cơ hội nhưng đi cùng với nó cũng là vô vàn thách thức. Nếu bộ máy lãnh đạo đề ra những chủ trương, đường lối tinh gọn, phù hợp, chặt chẽ hơn nữa, thì việc triển khai công tác này sẽ gặt hái được nhiều thành tựu lớn trong tương lai.
Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp luật
Để khắc phục những thiếu sót hiện tại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ máy quản lý, các cơ quan ban ngành liên quan, đội ngũ cán bộ giáo dục cùng toàn thể giáo viên, học sinh, sinh viên trên cả nước. Cần tiến hành rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng hệ thống pháp luật hiện hành để điều chỉnh chính sách phù hợp, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Việc hoàn thiện khung pháp lý vững chắc là yếu tố quan trọng, đảm bảo sự phát triển bền vững của nền giáo dục số trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trang bị cho người học những kỹ năng số và năng lực đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Song song với đó, công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý giáo dục số cũng cần được chú trọng. Không chỉ học sinh, sinh viên mà ngay cả giáo viên cũng phải thích ứng với môi trường số, chủ động ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào giảng dạy. Cơ sở vật chất cũng là một yếu tố quan trọng. Việc ban hành các chính sách hỗ trợ, kêu gọi đầu tư nhằm đảm bảo trang thiết bị công nghệ số được cung cấp đầy đủ cho các cơ sở giáo dục trên cả nước là điều kiện tiên quyết để triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế sẽ tạo cơ hội cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi hoặc học tập tại chỗ, giúp họ phát triển toàn diện. Đồng thời, giảng viên cũng có điều kiện học hỏi phương pháp giáo dục tiên tiến từ nước ngoài, nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần quảng bá hình ảnh giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh những giải pháp trên, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin cũng cần được đặc biệt quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ sở giáo dục phải chú trọng kiểm soát các mối đe dọa trên không gian mạng, đảm bảo môi trường học tập trực tuyến an toàn, hiệu quả cho người dạy và người học.
Đặng Nguyễn Anh Thư