16/11/2024 lúc 04:51 (GMT+7)
Breaking News

Vị tướng của những trận đánh chống thiên tai

Người ta nhớ đến tướng Nguyễn Huy Hiệu không bởi chỉ tên tuổi của ông gắn liền với những trận đánh của dân tộc, như các trận ở chiến trường Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào, chiến dịch 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...mà còn được phong tướng khi ở tuổi 40, ông là vị tướng trẻ nhất được phong thời điểm bấy giờ.

Nhưng không phải ai cũng biết Nguyên thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu cũng là người chỉ huy những "trận đánh" không kém phần ác liệt trong "cuộc chiến" của đất nước chống chọi với thiên tai, bão lũ.

Nếu còn sống tôi sẽ tái tạo màu xanh

Được nghe, được kể nhiều về tướng Nguyễn Huy Hiệu, nhưng đến bây giờ, chúng tôi mới có dịp được gặp và nghe ông nói chuyện. Phòng làm việc của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu nằm trên phố Trấn Vũ, trong một không gian tĩnh lặng và bình yên hiếm có giữa thủ đô. Căn phòng nhỏ nhưng rất nhiều sách và những bức ảnh kỷ niệm. Dường như trẻ hơn so với tuổi ngoài 77, giọng nói sang sảng, ông pha nước mời khách.

Khi được hỏi, nhân duyên nào khiến ông đặc biệt quan tâm và có những trăn trở đối với vấn đề bảo vệ môi trường, chống chọi với thiên tai đến vậy, như được khơi đúng mạch, ông nhấp một ngụm trà nóng, đưa mắt nhìn ra khoảng không, rồi chậm rãi kể một câu chuyện liền mạch, nhưng đôi lúc bị ngắt quãng bởi cảm xúc dâng trào theo hồi tưởng.

Sinh ra và lớn lên tại vùng biển Hải Long (Hải Hậu, Nam Định), từ nhỏ ông đã hiểu được nỗi nhọc nhằn người dân ven biển. Đó là những cơn bão biển sẵn sàng quét sạch mọi thứ mà người dân bao năm miệt mài cóp nhặt, những gia đình trắng tay chỉ sau một đêm. Rồi những ngày trong quân ngũ, suốt dọc hành trình xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, sống dưới những tán cây rừng, được chứng kiến sự hùng vỹ của núi rừng, trong ông đã nảy sinh tình yêu rất lớn đối với thiên nhiên, đất nước. Những ngày tháng đó là nguồn mạch cho nhiều suy tư về môi trường sau này của ông.

Trải qua bao chiến tranh, trận mạc, từ chiến sĩ chiến đấu, trở thành anh hùng giải phóng miền Nam và được phong tướng ở tuổi 40, thế nhưng trong Nguyễn Huy Hiệu luôn đau đáu những suy nghĩ về môi trường. Ông kể: “Chứng kiến những cánh rừng bạt ngàn bị tàn phá bởi bom đạn, chất độc hóa học; những thảm rừng xanh rì bỗng chốc biến mất, nhiều loài thú đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cuộc sống, môi trường sống của người dân bị tàn phá nặng nề, trong đầu tôi chỉ có một mong ước: Nếu còn sống sau chiến tranh, tôi sẽ phải làm điều gì đó để tái tạo môi trường, tái tạo màu xanh mà địch đã tàn phá, nhất là vùng đất Quảng Trị chịu nhiều đau thương”.

Vậy là, bước ra khỏi cuộc chiến tranh với kẻ thù xâm lược, ông lại tiếp tục “cuộc chiến” để bảo vệ môi trường. Khi còn ở cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đồng Chủ tịch Ủy ban phối hợp Nhiệt đới Việt – Nga, một trong những nội dung công tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Liên bang Nga mà ông rất chú trọng là về lĩnh vực môi trường, giải quyết vấn đề nhiễm chất độc dioxin như ở sân bay Đà Nẵng, Phù Cát.

Mỗi năm, tướng Hiệu đều quay lại thăm chiến trường xưa và ông luôn trăn trở khi chứng kiến người dân, đặc biệt là trẻ em ở Quảng Trị ngay trong thời bình vẫn bị cướp đi mạng sống hay thương tật bởi bom, mìn còn rải rác trên mảnh đất chiến trường xưa. Ông đã kêu gọi các nước, các tổ chức xã hội tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, rà soát phá hủy bom, mìn, vật nổ còn sót lại.

Nếu còn sống sau chiến tranh tôi sẽ phải làm điều gì đó để tái tạo môi trường, tái tạo màu xanh mà địch đã tàn phá, nhất là vùng đất Quảng Trị chịu nhiều đau thương

Trầm ngâm, tướng Hiệu kể: “Tôi đã không thể cầm lòng được khi đến thăm và chứng kiến những gia đình vẫn đang ngày đêm đối mặt với nỗi đau da cam dioxin, có cặp vợ chồng đau ốm hàng ngày vẫn phải chăm sóc 3 - 4 đứa con không lành lặn, có gia đình ba thế hệ bị di chứng chất độc màu da cam hay cảnh một gia đình có tới 4 người bị chết do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh...”

Thế rồi, tướng Hiệu quyết tâm tái tạo màu xanh trên vùng đất “chết”. Ông phát động chiến dịch màu xanh đồng bằng, huy động các nhà khoa học ươm giống các loài cây, sau đó trồng gần 600ha rừng để tái tạo cho Bỉm Sơn (Thanh Hóa) rồi từ đó phát động trồng tại Quảng Trị, tái tạo màu xanh tại những chiến trường xưa.

Hiện nay, tại Thành đội Quảng trị có một cây đa to gần 3 người ôm, được người dân nơi đây coi là biểu tượng về sự trường tồn của một mảnh đất hồi sinh từ trong máu lửa, vượt qua tất cả những cơn bão lũ miền Trung. Đó là cây đa mà Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trồng năm 1983. Nhắc đến cây đa này cũng là một kỷ niệm sâu sắc của tướng Hiệu. Năm 1977, ông  được tham gia đoàn của Hội hữu nghị Việt Nam đi thăm các nước, trong đó có Ấn Độ, ông  ấn tượng nhất là cách mạng xanh của đất nước này. “Ấn Độ khi đó nổi tiếng với cuộc cách mạng xanh. Thủ tướng Ấn Độ khi đó, bà Gandhi đã tặng mỗi người một cây làm kỷ niệm, nhiều người chọn hoa hồng nhưng tôi nghĩ với truyền thống của người Việt Nam là cây đa giếng nước sân đình nên tôi quyết định xin một cây đa. Cây đa chỉ khoảng 30 phân, để trong cái cóng, tôi đưa về Việt Nam, đi đâu tôi cũng mang theo bên mình, đi học cũng mang theo. Cho đến năm 1983 tôi vào thăm và quyết định trồng cây đa này ở thị đội của Quảng Trị”, tướng Hiệu kể.

Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe  không còn được như xưa, nhưng khi con cháu muốn ông nghỉ ngơi tuổi già thì ông vẫn hàng ngày miệt mài với công việc, luôn trăn trở với cuộc chiến vì môi trường, hoàn thành những tâm nguyện của bản thân khi còn trong cuộc chiến, như một sự tri ân sự hy sinh, mất mát của những người đồng đội đã hy sinh cho đất nước.

Sau 26 năm vẫn đau đáu về 1 trận đánh

Sau chiến tranh, có thời gian Tướng Hiệu được phân công là Phó trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương và Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Khi nhận những nhiệm vụ này, một lần nữa tướng Hiệu lại xông pha vào “chiến trận”, chỉ huy những “trận đánh” với thiên tai. Trong số những “trận đánh” đó, có một trận, mà đến nay, mỗi khi nhắc đến, tướng Hiệu vẫn còn đau đáu, bởi những thiệt hại mà nó gây ra cho đồng bào là quá đỗi khủng khiếp.

Hơn 26 năm trước, hầu hết người dân Nam Bộ mới phải đối mặt với cơn bão đầu tiên – cơn bão số 5 có tên quốc tế Linda ám ảnh họ suốt cả cuộc đời. Tướng Hiệu vẫn nhớ như in những ngày tháng ấy, khi cơ quan dự báo khí tượng cho biết, chiều tối 30/10/1997 vùng áp thấp hình thành ở vùng Nam Biển Đông, đến đêm sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và trong khoảng thời gian ngắn, tức chỉ sáng hôm sau sẽ thành bão. Ngay lập tức, tướng Hiệu theo sự phân công của Chính phủ đã vào thường trực tại Vũng Tàu và Phú Quốc để giúp đồng bào.

“Cơ quan khí tượng thủy văn xác định đây là cơn bão rất nguy hiểm, mạnh lên và di chuyển nhanh. Thế nhưng khi đó bão đối với người dân phía Nam và ngay với cả lãnh đạo địa phương cũng còn khá lạ lẫm vì đây là vùng được mệnh danh vùng đất ‘trăm năm không có bão’, rất nhiều tàu thuyền của ngư dẫn vẫn đang đánh bắt ngoài biển”, tướng Hiệu nhớ lại.

Khoảng 18 – 19h ngày 2/11/1997, bão Linda đổ đổ bộ vào bờ biển Cà Mau và Bạc Liêu với sức gió vùng gần tâm đạt cấp 10, có lúc giật cấp 11. Sau khi đi vào đất  liền, bão tiếp tục di chuyển và đến 3 giờ sáng 3/11 đi qua bán đảo Cà Mau và vào Vịnh Thái Lan. Hàng trăm nghìn căn nhà bị hư hại và sập đổ hoàn toàn, cảnh tượng tan hoang chưa từng có trên đất liền. Còn trên biển, hàng nghìn ngư dân trên các thuyền đánh bắt cá bị mất liên lạc.

Trên tàu và máy bay cứu hộ, tướng Hiệu chỉ thấy khắp nơi mênh mông nước trắng. Rất nhiều ngư dân bập bềnh trên mặt nước, bấu víu vào những mảnh thuyền vỡ hay bất cứ cái gì có thể nổi được. Thuyền của các lực lượng ra cứu nhưng không được nhiều. Máy bay phải hạ thấp, thả dây, can, mỳ tôm xuống cho những người đang bấu víu vào sợi dây ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Giọng gần như lạc đi, đôi mắt của vị Tướng từng vào sinh ra tử trong chiến trường bỗng trở nên xa xăm. Ông kể: “Tôi cùng đồng đội ở khu vực bão giải quyết gần 1 tháng. Bão Linda gây nên sự thảm thương nhất trong các cái thảm thương nhất, đau khổ nhất, mất mát nhất, thương tâm nhất của đồng bào. Ở Vũng Tàu, có những điểm khi vớt lên, có gần 50 người chết do buộc vào nhau. Hay mỗi  lần kéo thuyền hỏng hay dây vào thì vớt lên hàng chục người mà người dưới biển đưa lên có người không còn lành lặn nữa. Tất cả chúng tôi không ai cầm được nước mắt”.

Bão Linda gây nên sự thảm thương nhất trong các thảm thương, đau khổ nhất, mất mát nhất, thương tâm nhất của đồng bào

Các chuyên gia khí tượng đánh giá, Linda là cơn bão khốc liệt nhất trong vòng ít nhất 100 năm ở Nam Bộ. Cơn bão khủng khiếp này đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người, hơn một thế hệ ngư phủ mất đi, thiệt hại vật chất rất nặng nề, nhưng thiệt hại về con người là không thể đong đếm được. Cho đến tận bây giờ, sau hơn 26 năm, nhưng tướng Hiệu vẫn đau đáu mỗi lần nhắc đến cơn bão này. Ông vẫn nhớ như in từng số phận mình gặp khi tham gia tìm kiếm cứu nạn, đó là gia đình có 7 người thì mất đi 2 nhân lực lao động chính, chỉ còn lại người già, phụ nữ, trẻ em, có những người qua một cơn bão, phải chịu tang 11 người thân trong gia đình...Kể về những con người ấy, số phận ấy, ánh mắt ông không giấu nổi những giọt nước mắt 20 năm trước đang quay trở lại...

Cha đẻ của phương châm 4 tại chỗ

Không chỉ có bão, lũ lụt cũng là “giặc” rất nguy hiểm, đặc biệt là khúc ruột miền Trung của Việt Nam hàng năm phải hứng chịu nặng nề nhất. Tướng Hiệu không nhớ nổi bao nhiêu lần mình vào mảnh đất khó khăn này để cứu lũ, nhưng chắc chắn cả đời ông sẽ không bao giờ quên trận lũ lụt lịch sử năm 1999, khi mà cả miền Trung từ Quảng  Trị đến Bình Định chìm trong biển nước, ác liệt nhất là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Người ta đã dùng từ “đại hồng thủy” để mô tả về sự tàn phá kinh hoàng của trận lũ lụt cả 100 năm mới thấy một lần. Cơn lũ lên rất nhanh, cường độ rất lớn, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị cô lập. Nhiều huyện của Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định đã ngập chìm trong nước, trong đó có tới 20 huyện, thị xã bị ngập sâu 2 - 4m. Phương án tiếp cận vùng lũ bằng máy bay là không thể, vì Thừa Thiên - Huế khi đó sân bay Phú Bài bị ngập sâu, máy bay không thể đáp xuống . Các phương án tiếp cận vùng rốn lũ dường như là “bất lực”.

Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu khi đó là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban tìm kiếm cứu nạn, là người trực tiếp tham gia ứng cứu người dân vùng rốn lũ. Ông cùng đồng nghiệp đã quyết định mở đường trên biển để có thể tiếp cận và ứng cứu đồng bào Quảng Nam. Khi đoàn vào đến nơi, bão lên tới cấp 9-10, đột nhiên đất liền mất liên lạc với đoàn. Truyền hình liên tục phát đi thông tin mất liên lạc với tàu của Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng.

“Không bắt được liên lạc với đất liền, giữa mênh mông sóng nước, tàu to không thể tiếp cận vào bên trong, tôi cũng nghĩ chuyến này mình có thể sẽ hi sinh. Nhưng cuộc sống có rất nhiều điều bất ngờ, đến buổi chiều thì đồng bào đi thuyền thúng ra đưa anh em trên tàu vào Quảng Nam”, tướng Hiệu kể. Giữa cơn “đại hồng thủy”, sóng to gió lớn, tướng Hiệu đứng tại chỗ cùng đồng bào và lực lượng xử lý thiên tai. Ngay tối hôm đó, ông lội nước trả lời phỏng vấn trên truyền hình, kêu gọi đồng bào cùng đồng lòng vượt qua khó khăn.

Từ Quảng Ngãi trở về, Tướng Hiệu vẫn mãi trăn trở về sự tàn khốc của thiên nhiên, sự mất mất quá lớn của đồng bào vùng lũ, trong khi ta chưa có các phương án chủ động phòng chống lụt bão. Cũng chính từ đó, tướng Hiệu đã suy nghĩ và hoàn chỉnh phương châm 4 tại chỗ.

“Trong chiến tranh, quân Mỹ đổ trực thăng, thiết sa vận…bay như chuồn chuồn khắp mọi nơi, quân giải phóng không cơ động được nên phải thực hiện 4 tại chỗ: phục tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và các điều kiện chiến đấu phải tại chỗ. Giặc xâm lược là chiến tranh còn thiên tai cũng khủng khiếp không kém gì chiến tranh nên phải có phương châm cho phù hợp, từ đó, tôi hoàn thiện phương châm 4 tại chỗ đối với thiên tai”, tướng Hiệu nhớ lại.

Phương châm 4 tại chỗ mà tướng Hiệu nói đến, đó là: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật chất tại chỗ; Hậu cần tại chỗ. Nghĩa là có gì trong dân, phương tiện, vật chất huy động sức dân và chỉ huy cũng phải tại chỗ, huy động sức mạnh của cả bộ máy chính trị vào cuộc để ứng cứu kịp thời.

Ban đầu khi đề xuất phương án không phải lãnh đạo nào, địa phương nào cũng làm theo vì chưa qua thực tế kiểm chứng. Nhưng sau đó, qua thực tế phòng chống lụt bão ở các vùng miền đã minh chứng, phương châm bốn tại chỗ có tính khoa học và thực tiễn cao. Và cho đến bây giờ, phương châm này đã được áp dụng toàn quốc, toàn quân, trở thành phương châm mang tính chiến lược trong phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn của Việt Nam, được thể hóa trong Nghị định Chính phủ về cứu hộ, cứu nạn từ năm 2010.

Trăn trở của một vị tướng

Đến nay, tướng Hiệu đã tới thăm và học hỏi kinh nghiệm tại 67 quốc gia. Đi đến đâu ông cũng có một quyển sổ ghi chép tỉ mỉ lại những kiến thức thu thập được. Cũng chính nhờ những kinh nghiệm tích lũy và hoạt động thực tế trong hàng chục năm, ông là một trong những chuyên gia hàng đầu cả nước khi nói đến an ninh môi trường.

“Đất nước nào quan tâm tới bảo vệ môi trường, đất nước đó sẽ phồn thịnh, chính vì thế có nhiều cụm từ nhắc tới an ninh môi trường chính là an ninh quốc gia. Dường như mọi quốc gia trên thế giới đều không đứng ngoài sự tác động biến đổi khí hậu và cũng không có quốc gia nào đứng bên lề các chương trình hành động vì môi trường. Nếu không giữ gìn môi trường, chúng ta sẽ mất tất cả. Cái giá phải trả sẽ không bao giờ lường trước được”, tướng Hiệu bày tỏ.

Phát triển kinh tế xã hội đều phải tính đến yếu tố môi trường, giữ được môi trường sẽ thắt chặt được an ninh quốc gí, đây là mối quan hệ mật thiết, an ninh môi trường chính là an ninh quốc gia. Đó là những điều tôi muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ hiện nay.

Nếu như 50 năm trước, trong khi phần lớn mọi người chỉ cảm nhận sự hy sinh xương máu của những người lính chiến trường thì tướng Hiệu đã có tầm nhìn xa về hậu quả bởi chất độc da cam đối với môi trường lâu dài sau này thì bây giờ, ông cũng đưa ra những dự báo, tín hiệu báo động để cộng đồng kịp thời nhận thức sâu sắc, có kế hoạch hành động phù hợp, tránh những hậu quả khó lường đối với an ninh môi trường quốc gia.

Đó là tình trạng báo động của biến đổi khí hậu, nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, là vấn đề ô nhiễm không khí, cạn kiệt nguồn nước, một số loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng; bão lũ ngày càng khốc liệt hơn. Trước những diễn biến ngày càng bất thường, tình hình thiên tai ở nước ta là: mưa liên tục, lượng nước nhiều, rất lớn và dồn dập ở những vùng miền núi, miền Trung Bộ và Nam Trung Bộ đã gây bão lụt, có sức tàn phá lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, thiệt hại cả về con người và tài sản. Điều đáng nói là bão lũ trong những năm gần đây ngày càng diễn biến trái quy luật, kể cả trong những tháng được xem là hiếm khi xuất hiện. Các bộ, ngành, địa phương liên quan cần quan tâm chỉ đạo các công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét, sạt lở đất; hệ thống điều hành hồ chứa, đê điều và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến thoát lũ, nhà ở an toàn trước thiên tai; cần nâng cao về nhận thức, kỹ năng ứng phó của cộng đồng, nâng cao năng lực tham mưu phòng, chống thiên tai…”Phát triển kinh tế, xã hội đều phải tính đến yếu tố môi trường, giữ được môi trường sẽ thắt chặt được an ninh quốc gia, đây là mối quan hệ mật thiết, an ninh môi trường chính là an ninh quốc gia. Đó là những điều tôi muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ hiện nay”, tướng Hiệu cho biết.

Thu Trang

...