VNHN - Trong khoảng ba thập niên gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống tín ngưỡng và lễ hội ở nước ta cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Các di tích văn hóa được phục dựng, trùng tu hoặc xây mới ở nhiều nơi cùng với sự phục hồi của các lễ hội truyền thống. Đây là một hiện tượng không ngẫu nhiên mà hàm chứa trong đó nhiều ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, rất cần được nghiên cứu, đánh giá để đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm phát huy giá trị các lễ hội truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Lễ hội đền Hùng hiện nay gắn với quá trình phục hồi lại một cách mạnh mẽ các cơ sở tín ngưỡng liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương
Xã hội đương đại với nhịp sống công nghiệp và các dòng chảy thương mại toàn cầu khiến thế giới dường như trở nên nhỏ bé hơn, “phẳng” hơn và hiện hữu rõ nét nguy cơ mai một tính đa dạng văn hóa, làm mất đi màu sắc văn hóa các địa phương. Môi trường sống và môi trường văn hóa cộng đồng trở nên bất ổn, ô nhiễm, suy giảm tài nguyên, hiệu ứng nhà kính, rác thải, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, rồi tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, bệnh tật, thực phẩm độc hại,… tất cả đã khiến cuộc sống con người hiện nay nhiều bất trắc và trở nên mong manh hơn. Trong bối cảnh xã hội như vậy, lễ hội truyền thống với vai trò là sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng, nơi hình thành, lưu giữ và trao truyền bản sắc văn hóa với những nét đẹp của thuần phong mỹ tục, của lối ứng xử đậm chất nhân văn và cũng là nét văn hóa phân biệt làng này với làng khác, vùng này với vùng khác, quốc gia này với quốc gia khác; đáp ứng được nhu cầu về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, nhu cầu du lịch, nhu cầu về nguồn, nhu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc,… và trở thành nét văn hóa truyền thống được con người ngày càng quan tâm.
Xuất phát từ nhu cầu thực hành tín ngưỡng ngày càng cao của xã hội đương đại, nhu cầu hành hương, chiêm bái hay đơn giản chỉ là tham quan, tham dự vào các lễ hội ngày càng trở nên sôi nổi trong dân chúng, nhu cầu ấy cộng hưởng với việc lễ hội truyền thống được phục hồi ở khắp nơi, khắp các vùng miền, tạo nên xu hướng, một thực tế xã hội không thể phủ nhận trong bức tranh văn hóa hiện nay. Thực tế là thời gian gần đây, làng quê nào, tộc người nào, vùng, miền nào cũng tìm lại trong vốn văn hóa truyền thống của mình những yếu tố liên quan đến lễ hội để phục dựng lễ hội, để trình diễn nét đặc sắc văn hóa của mình. Nếu nơi nào lễ hội chưa bị đứt đoạn, mai một thì tiếp tục được phát huy, nơi nào đã mai một thì phục dựng, có những địa phương lễ hội đã lùi xa vào dĩ vãng, người dân cũng vẫn cố gắng phục dựng từ các nguồn tư liệu cổ, từ trí nhớ của những người già, thậm chí nhiều yếu tố được họ sáng tạo ra, du nhập mới về để làm thành lễ hội.
Hiện nước ta một năm có đến 7.965 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian. Có thể thấy trong khoảng gần 30 năm trở lại đây các lễ hội có sự “bùng nổ”, “phục hưng”,… Tuy nhiên, sự trở lại của lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại không phải là những sự phục hồi nguyên dạng hay sự lặp lại đơn thuần mà đi cùng với hàng loạt những vấn đề mang hơi thở của cuộc sống, như sáng tạo và làm mới lễ hội, chính trị hóa lễ hội, thương mại hóa lễ hội, sự mất cân bằng giữa khai thác và bảo tồn lễ hội, đời sống tâm linh liên quan đến lễ hội, lợi ích của lễ hội đối với những nhóm xã hội khác nhau, quyền lực và cạnh tranh giữa các bên liên quan trong lễ hội, chủ thể của lễ hội, các diễn ngôn liên quan đến lễ hội,… Như vậy, sự phục hồi của lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội đương đại đã trở thành một hiện tượng văn hóa đa nghĩa, đa chiều và đa góc nhìn.
Việc phục hồi lễ hội truyền thống mạnh mẽ hiện nay thể hiện ở việc các lễ hội được tổ chức ngày càng lớn thu hút không chỉ người dân tại nơi có lễ hội mà còn từ rất nhiều nơi khác, ít lễ hội nào còn gói gọn trong phạm vi làng, nhiều lễ hội được tổ chức lớn trong phạm vi liên làng, vùng và quốc gia, như lễ hội đền Hùng, lễ hội Gióng, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ An Giang,... Hầu như hội làng (hay vùng) nào cũng được tổ chức lớn hơn trước, số tiền đầu tư cho việc tổ chức lễ hội ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của dân chúng với sinh hoạt văn hóa tâm linh này. Quá trình phục hồi các lễ hội này thể hiện ở cả sự phục hồi không gian tổ chức lễ hội (trọng tâm là cơ sở tín ngưỡng) và các nghi lễ.
Lễ hội đền Hùng hiện nay gắn với quá trình phục hồi lại một cách mạnh mẽ các cơ sở tín ngưỡng liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương, như xây dựng lại đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Giếng, xây dựng thêm đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ và khôi phục, tu bổ lại một số di tích liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương ở các xã ven đền Hùng nhằm mở rộng không gian thiêng cho việc thực hành các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương. Các nghi lễ liên quan cũng được phục hồi như nghi lễ hát thờ, lễ rước kiệu từ đình làng của các làng ven đền Hùng tới đền Hùng, thi làm lễ vật,… Sự phục hồi đó nhằm tạo ra quy mô lớn hơn cho lễ hội và bảo vệ những nét văn hóa truyền thống vốn đã bị mai một qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Lễ hội khai ấn đền Trần hiện nay chính là quá trình phục hồi một nghi thức truyền thống đã không còn được duy trì trong một thời gian dài. Câu chuyện lá ấn đền Trần được phục hồi như hiện nay thể hiện sức sống của lễ hội khi nó đáp ứng những nhu cầu tâm linh, nguyện vọng đời thường của người dân mong muốn những điều tốt đẹp. Ngoài ra, lễ hội đền Trần còn phục dựng lại lễ rước nước và tế cá trong lễ hội tháng giêng sau hàng trăm năm bị mai một. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cũng là nghi lễ được phục dựng lại từ các trình tự nghi lễ cho đến cơ sở tín ngưỡng, từ các ngôi mộ của các vị cai đội cho đến không gian thiêng để thực hành nghi lễ,...
Tuy nhiên, các lễ hội truyền thống không thể phục hồi nguyên dạng các không gian thiêng, các cơ sở tín ngưỡng hay các nghi lễ trước kia mà chịu sự tác động của tất cả những yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội đương đại. Xã hội thay đổi, nhu cầu của con người thay đổi thì mục đích, ý nghĩa và các thực hành lễ hội cũng thay đổi theo. Việc tế lễ trong lễ hội ngày nay không thể kéo dài như xưa khi nhịp sống công nghiệp đang diễn ra nhanh chóng; người đi lễ không còn phải chuẩn bị lễ vật dâng cúng hoặc các điều kiện khác trong thời gian dài khi mà các dịch vụ hiện nay đã phát triển và thuận tiện hơn rất nhiều.
Những nghi lễ trong lễ hội truyền thống xưa được phục hồi theo hướng giảm bớt hoặc tăng cường nghi lễ hoặc có thể thay đổi cả về hình thức và nội dung. Điều này tùy thuộc vào mục đích, quan điểm và những sự tính toán của cộng đồng và do những lý do khác. Ví như lễ hội đền Bà Chúa Kho xưa diễn ra rất trang nghiêm trong một ngày với các nghi lễ tế, rước kiệu, rước nước, các trò chơi dân gian nhưng sau này, khi được phục hồi, lễ hội Bà Chúa Kho đã có sự thay đổi căn bản. Hiện nay, tại đền Bà, dân làng không còn tổ chức rước, tế lễ và những hoạt động như một lễ hội truyền thống nữa mà tất cả những nghi lễ này được tiến hành ở đình, chùa làng Cổ Mễ còn tại đền Bà Chúa Kho, vào ngày giỗ Bà, các cụ và lãnh đạo địa phương chỉ làm nghi lễ dâng hương, còn lại chủ yếu là khách thập phương đến lễ xin lộc. Lễ hội đền Bà cũng không diễn ra trong một ngày như trước kia mà kéo dài suốt 3 tháng.
Lễ hội truyền thống được phục hồi trong sự gia tăng của việc lễ bái cá nhân. Người đi hội dù có thể không chơi, không xem hội nhưng chuyện lễ bái của cá nhân họ thì không thể thiếu, thậm chí nhiều người đến với lễ hội chỉ với mục đích đi lễ. Họ có tâm lý càng lễ được nhiều nơi càng tốt. Vì thế mà ở các đền chùa, người ta cố gắng phục dựng tất cả những vị trí được xem là linh thiêng để phục vụ nhu cầu lễ bái, cầu khấn của người đi lễ, thậm chí nhiều đền chùa còn làm mới, làm giả các không gian thiêng để thu hút du khách.
Thời gian mở hội hiện nay, về cơ bản đã không còn kéo dài như xưa. Một mặt là người đi hội không có nhiều thời gian dừng lại ở một nơi, mặt khác do điều kiện giao thông tốt, dịch vụ đầy đủ và thuận tiện nên người đi lễ không cần dừng lại lâu và phải mất nhiều thời gian chuẩn bị như trước. Người đi hội muốn đi được nhiều hội trong một chuyến đi, người địa phương cũng muốn đón được nhiều lượt khách trong một dịp mở hội, mặt khác do điều kiện công việc của tất cả mọi người nên thời gian mở hội không còn kéo dài như trước. Tuy nhiên, đối với những lễ hội có tính chất hành hương và du ngoạn danh lam thắng cảnh thì lại có xu thế kéo dài ra để giãn khách như lễ hội đền Hùng, lễ hội Bà Chúa Xứ, lễ hội Bà Chúa Kho... trong suốt mùa xuân và trong năm.
Trước đây, trừ những lễ hội lớn có tầm cỡ quốc gia hay cả vùng như đền Hùng, hội Gióng,... mới được biết đến rộng rãi và người đi đến đó đông hơn, còn lại đa số là hội làng do các làng tổ chức cho riêng làng mình hay chỉ vài làng kết nghĩa xung quanh. Hiện nay, hầu hết những lễ hội của các làng, xã, các địa phương đã được khôi phục lại và đều hấp dẫn khách thập phương ở mọi nơi đến dự. Nhiều nhóm đi lễ hội hiện nay tìm về lễ bái ở các lễ hội của các làng quê truyền thống, quy mô nhỏ, ấm cúng, xa nơi đô thị và vì vậy có thể nói ít có lễ hội dân gian nào hiện nay lại chỉ khép kín trong phạm vi làng.
Hiện nay, xuất hiện tính mục đích, tính chính trị, các động cơ kinh tế,… trong việc phục hồi lễ hội truyền thống. Gắn liền với quá trình phục hồi lễ hội dân gian còn là các câu chuyện làm mới lễ hội, thay đổi những nhìn nhận về tính thiêng của lễ hội hay sự gia tăng tính phức tạp trong thực hành lễ hội hiện nay. Ai/nhóm/cộng đồng nào đi đầu trong việc phục hồi lễ hội; phục hồi vì mục đích gì; phục hồi ra sao; tại sao lại phục hồi lễ hội như vậy... là những vấn đề mang nhiều ẩn ý và rất đa nghĩa gắn với những câu chuyện cụ thể, những trường hợp cụ thể song tất cả những điều đó chỉ ra một thực tế là sự phục hồi lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại không đơn giản mà là một quá trình tham khảo hoặc vay mượn hình mẫu, rồi phục dựng, làm mới, sáng tạo những dạng thức thực hành mới.
Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống được phục hồi và đang diễn ra hiện nay được thực hành trong sự gắn kết chặt chẽ với các nhu cầu cuộc sống hằng ngày của người dân. Nhiều người dân đi lễ hội có thể vì tự tôn kính dành cho vị thần hoặc cũng có nhiều người đi hội không có đủ tri thức cần thiết về lễ hội mà đơn giản chỉ muốn cầu xin những điều thiết thực hoặc chỉ muốn hòa vào không khí tâm linh, có người lấy lễ hội làm không gian gặp gỡ, tụ họp,... một số khác thì rõ ràng xác định mục đích đi lễ nhưng không hiểu biết về trình tự nghi lễ, lễ vật, cách thức dâng cúng,... Nhiều nghi lễ có khi được người dân thực hành trong sự hồn nhiên với mong muốn và niềm tin “kéo” thần, thánh, Phật, mẫu về gần với cuộc sống đời thường để phục vụ cho những nhu cầu cũng hết sức đời thường của người dân.
Như vậy, có một thực tế là nhu cầu thực hành tín ngưỡng, lễ hội của người dân ngày càng cao, nhu cầu này cộng hưởng với không khí đổi mới của xã hội cùng quá trình mở rộng giao lưu kết nối đa chiều, giao thông thuận tiện,… Vì thế các lễ hội ngày càng nở rộ và có xu hướng phục hồi ngày càng mạnh mẽ.
Lễ hội truyền thống đang được thực hành trong xã hội đương đại cũng biến đổi rất nhiều theo hướng phục hồi, tạo dựng, làm mới, sáng tạo và phát triển trong bối cảnh cụ thể của điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa của đất nước. Sự vận động, biến đổi ấy không nằm ngoài quy luật của những dòng chảy văn hóa toàn cầu và càng khẳng định vai trò, giá trị của lễ hội trong đời sống tinh thần của người dân./.
PGS, TS. Nguyễn Thị Phương Châm