VNHNO - Nói đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở Văn Lâm, Hưng Yên người ta không thể không nhắc đến làng nghề tái chế phế thải Minh Khai. Tuy nhiên, gần đây địa bàn lân cận Minh Khai cũng đang báo động về tình trạng ô nhiễm. Điển hình là Cty Sơn Tùng ở xã Lạc Đạo, một Cty tái chế nhựa, là nỗi kinh sợ của bà con trong khu vực…
Ngày hè nặng mùi xú uế
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm thấy Cty TNHH thương mại và dịch vụ Sơn Tùng (Cty Sơn Tùng) dù tọa lạc ngay mặt đường 338, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Trái với hướng dẫn của một số người là “Cty Sơn Tùng lớn lắm, nó nằm ngay cạnh đường”, trước mắt chúng tôi là một cánh cổng sắt kéo che gần kín cửa, không biển hiệu, không số nhà, 2 bên là phế thải ngổn ngang và nếu đứng từ cổng chính nhìn vào không thấy nhà xưởng.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của một người dân địa phương, chúng tôi phải đi bộ cả chục phút mới hết nửa tường bao của Cty này. Toàn bộ phần nhà xưởng nằm ẩn phía sau khu nhà dân và được che chắn, bảo vệ bởi hàng rào tôn cao hơn 2m.
Cty Sơn Tùng không treo biển hiệu để ngụy trang?
“Với cách thiết kế này, Cty Sơn Tùng thoải mái xả nước thái chưa xử lý ra môi trường và đốt trộm rác thải nguy hại vào ban đêm, rất khó phát hiện, bắt giữ”, một người dân thôn Cầu (xin giấu tên) cho biết.
Cũng theo người dân này, Cty Sơn Tùng đã xả toàn bộ nước rửa linon và bao tải dứa phế thải chưa qua xử lý ra con mương sát tường khiến nước lúc nào cũng đen ngòm, sủi bọt và bốc mùi hôi thối nồng nặc…
Trao đổi với PV, bà Dương Thị Hằng, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Đạo xác nhận: “Một số người dân trong xã đã tố cáo việc Cty Sơn Tùng đốt phể thải vào khoảng 1, 2g sáng nhưng chúng tôi rất khó bắt giữ nên đã báo cáo lên phòng TN&MT huyện Văn Lâm, Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên. Hình như họ có về lấy nước thải tại Cty Sơn Tùng để mang về phân tích nhưng đến giờ chưa thấy trả lời”.
Theo phản ánh của bà con thôn Cầu và thôn Ngọc (nơi Cty Sơn Tùng đặt nhà máy phân loại và xử lý phế thải) tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí từ Cty Sơn Tùng bắt đầu từ sau Tết 2018 và ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều người bị nghẻ ngứa và mắc bệnh hô hấp…
“Chúng tôi đã nhiều lần tố cáo việc Cty Sơn Tùng gây ô nhiễm đến lãnh đạo xã và kỳ họp tiếp xúc cử tri của các cấp nhưng chưa có kết quả. Chúng tôi nghi có người chống lưng cho Sơn Tùng, có lợi ích nhóm trong vụ này”, ông Nguyễn Văn H sống tại thôn Ngọc cho biết.
Lấn chiếm đất công, tự ý mở cổng phụ?
Tại buổi làm việc với PV ngày 9-8, ông Dương Minh Họa, Chủ tịch UBND xã Lạc Đạo cho biết, trong thời gian vừa qua xã nhận được nhiều nội dung khiếu nại của bà con thôn Cầu và thôn Ngọc đối với Cty Sơn Tùng.
Trong đó có 4 nội dung chính: “Một là việc Cty tự ý mở thêm 2 cổng phụ; Hai là Cty lấn chiếm đất công; Ba là việc chuyển đổi quyền sử dụng đất từ Cty sữa Benla sang Cty Sơn Tùng chưa được cơ quan chức năng cho phép; Bốn là việc Cty này xả thải chưa qua xử lý ra môi trường và đốt rác thải vào lúc rạng sáng…”.
Mương nước sát tường rào Cty Sơn Tùng ô nhiễm nghiêm trọng
Tại buổi làm việc, ông Họa phân trần, những kiến nghị của bà con về Cty Sơn Tùng xã đã phản ánh với cấp trên thông qua 2 buổi tiếp xúc cử tri trong năm 2018 và hiện chưa thấy động thái nào từ các cơ quan môi trường huyện và tỉnh.
“Đây là quê hương tôi, tôi đâu muốn bà con bức xúc. Khổ ở chỗ cấp xã chỉ báo cáo, đề xuất chứ đâu được quyền xử lý. Một số nội dung tố cáo của bà con cần phải có cơ quan chức năng xác minh mới kết luận được nhưng riêng việc Cty Sơn Tùng lấn chiếm đất công thì quá rõ nhưng chúng tôi cũng mới báo cáo chứ chưa xử lý gì. Tôi cũng đã yêu cầu lãnh đạo Cty này cung cấp các loại giấy tờ liên quan đến tính pháp lý của Cty nhưng đến giờ họ mới chỉ đưa mỗi tờ Đăng ký kinh doanh và cái sơ đồ thiết kế nhà máy tự vẽ”, ông Họa nói thêm.
Khi PV đặt câu hỏi “việc Cty Sơn Tùng lấn chiếm đất công và xả thải ra môi trường cấp xã đủ thẩm quyền xử phạt hành chính sao các anh không làm” thì ông Họa nói quanh, không trả lời trực tiếp vào câu hỏi này.
Một cán bộ xã thừa nhận: “Chúng tôi nghi họ xả thải ra môi trường và đốt rác thải vào rạng sáng nhưng chưa bắt được quả tang vì khi đó họ đóng kín cửa, mình không vào được. Nói thật với các anh, chúng tôi xử lý họ mà không đủ bằng chứng thì chúng tôi “chết” trước, họ làm được như thế đủ biết họ rất mạnh”?!
Bà con thôn Ngọc, thôn Cầu xã Lạc Đạo đặt câu hỏi: Chính quyền xã Lạc Đạo “bất lực” nhưng không lẽ các cơ quan chức năng của huyện Văn Lâm, của tỉnh Hưng Yên cũng thúc thủ trước sai phạm của Cty Sơn Tùng, để mặc bà con “chết mòn” trong ô nhiễm?