25/11/2024 lúc 17:02 (GMT+7)
Breaking News

TS Cấn Văn Lực: Việt Nam phục hồi mạnh hơn so với thế giới, dự báo tăng trưởng 7%

Sáng nay (15/7), tại Trung tâm hội nghị quốc tế, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã tổ chức hội thảo: "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo bộ ngành.

Hội thảo của VFCA và VFS được tổ chức trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao kỷ lục trên thế giới và trở thành một vấn đề nóng ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Cụ thể, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh. Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine càng đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao và thế giới có nguy cơ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Ở trong nước, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hiện cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh con số này.

Chủ tịch VFCA Lê Long Giang cho biết: “Hội thảo sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, các chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về những tác động của các yếu tố lạm phát và lãi suất đến thị trường chứng khoán hiện nay”.

Hội thảo sẽ có sự tham gia của TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), TS Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cùng nhiều đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành của Chính phủ, các chuyên gia, nhà quản lý và đông đảo công chúng quan tâm đến kinh tế, tài chính, chứng khoán.

TS Cấn Văn Lực đã trình bày tham luận với chủ đề “Kinh tế - Tài chính thế giới và Việt Nam năm 2022: Tăng trưởng, lạm phát và lãi suất": Chứng khoán trong 6 tháng đầu năm nay, số F0 rất tích cực, giờ là 6,16 triệu tài khoản, vượt mục tiêu 5,5 triệu tài khoản đã đề ra trong kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2025.

Mặc dù F0 nhiều nhưng thanh khoản năm nay lại thấp quá, toàn dưới 10.000 tỷ đồng, bình quân 1 tuần qua là 9.800 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 thời kỳ cao điểm là 27.000 tỷ đồng. F0 theo thống kê chỉ có 1/3 tham gia cuộc chơi, 70% còn lại án binh bất động. Số F0 mới vẫn tiếp tục mở nhưng chẳng qua vì tò mò. 

F0 tăng nhanh không phải là việc quá phấn khởi. Tài khoản phải hoạt động mới đáng kể chứ “rác” thì không ăn thua.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia

Thế giới bắt đầu phục hồi từ năm ngoái nhưng rất gập ghềnh, Việt Nam lại có độ trễ. Nhưng năm nay, Việt Nam đã phục hồi mạnh hơn so với thế giới, chúng tôi dự báo tăng trưởng 7% là khả thi. 

Năm tới, 2023 thì các dự báo đều cho rằng Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 6,5% - 7%, chúng tôi cho rằng đó là mục tiêu khả thi với điều kiện quan trọng là tình hình chiến sự Nga – Ukraine phải khác.

Song phải nói bây giờ dự báo rất khó vì 3 tháng hay thậm chí 1 - 2 tháng là phải thay đổi dự báo rồi. Trung Quốc là ví dụ điển hình của việc thay đổi dự báo. Nếu Trung Quốc không thay đổi thì dự báo còn giảm sâu hơn.

Hiện nay có ba tác động tới dự báo: thứ nhất là việc FED tăng lãi suất, thứ hai là giá năng lượng (chi phí đẩy tăng, kéo theo chi phí sản xuất tăng), thứ ba là chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Ba tác động lớn này đã khiến dự báo của kịch bản cơ sở giảm 3%, giảm một nửa so với dự báo ban đầu chủ yếu do giá xăng dầu.

Chúng tôi đang xây dựng kịch bản mới cho năm tới với kỳ vọng giá xăng dầu giảm. Còn bây giờ tất cả đều tăng, trong đó phân bón tăng rất nhanh, thực phẩm lương thực tăng khoảng 20%. Chúng tôi đã có báo cáo gửi Thủ tướng về 2 vấn đề: an ninh năng lượng và an ninh lương thực.

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trình bày tham luận với chủ đề "Mối quan hệ giữa lạm phát và giá hàng hóa thiết yếu".

Bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2022 nhìn chung đã có những sự khởi sắc nhất định. Lạm phát được kiềm chế ở mức hợp lý, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và lạm phát tại các nền kinh tế là đối tác thương mại của Việt Nam tăng cao, lập kỷ lục trong 4 thập kỷ gần đây.

Trong khi đó, những hệ lụy của đại dịch chưa được xử lý, khủng hoảng Nga - Ukraine càng làm trầm trọng hơn đứt gãy chuỗi cung ứng, thế giới đang phải đương đầu với khủng hoảng 3 chiều: năng lượng, lương thực và tài chính.

Trước những diễn biến của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn giữ các chỉ số tăng trưởng tương đối ổn định. Tuy tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021, đều là mức tăng cao nhất kể từ năm 2012 nhưng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tốc độ tăng CPI vẫn được kiểm soát ở mức 2,44%.

So với các nước trong khu vực châu Á, CPI tháng 6/2022 của Việt Nam tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức lạm phát 7,7% của Thái Lan, mức 6,1% của Philippines, mức 6,0% của Hàn Quốc; cao hơn mức lạm phát 2,8% của Malaysia, mức 2,5% của Nhật Bản và 2,5% của Trung Quốc.

Giá các nhóm hàng hóa trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng bởi giá thế giới, bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt bởi chính sách hỗ trợ, các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Về mối quan hệ giữa giá các nhóm hàng hóa, dịch vụ và lạm phát trong nước, chỉ số giá tiêu dùng được tính toán dựa trên giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân và cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng.

Thanh Bút