22/12/2024 lúc 23:38 (GMT+7)
Breaking News

CPI tăng 1,92%, lạm phát cơ bản tăng 0,81% trong quý I năm 2022

Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,29% của quý I năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính CPI tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I năm 2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Tổng cục Thống kê cũng cho hay, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3/2022 tăng 4,51% so với tháng trước; tăng 9,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,52%.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 3/2022 tăng 0,64% so với tháng trước; giảm 0,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2022, chỉ số giá Đô la Mỹ trong nước giảm 0,67%.

Trước đó, ngày 14/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có cuộc họp với một số bộ ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu (xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, sắt thép, phân bón, nông sản, dịch vụ vật tư y tế...).

Trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng.

Tuy nhiên, Bộ này cũng dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2-2,1% và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 9 tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đến hết quý II năm 2022, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc hệ thống để đẩy mạnh thực hiện.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp: kê khai giá; niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.

Bộ Tài chính đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.

Tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Tại cuộc họp ngày 14/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Vân Anh